Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong


Màu dân tộc sáng bừng trên giấy Điệp


Khi xưa, mỗi độ xuân về, nhà nào đi chợ tết cũng mua cho bằng được bức tranh làng Đông Hồ và câu đối đỏ về treo trong nhà đón năm mới đến. Chẳng phải tự nhiên mà tranh gà, tranh lợn... làng Đông Hồ là thứ không thể thiếu trong gia đình của những người dân Bắc bộ khi xưa. Đó là tinh hoa của người nghệ nhân. Người nghệ nhân cóp nhặt tinh hoa của tự nhiên làm nên nét văn hóa của người Kinh Bắc. Từ giấy đến màu đều gợi nên “màu dân tộc”


Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang), v.v. Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu mà thôi.


Ngày nay, làng Đông Hồ ít nhà làm tranh, có làm tranh cũng chuyển sang in lưới và màu công nghiệp. Bức tranh bây giờ không có vẻ lấp lánh ánh điệp khi xưa, màu vàng, màu đỏ cầm lên tay thì nhạt nhòa bởi màu bị phai ra tay người cầm. Cầm bức tranh làng Hồ ngày nay, kẻ mua tranh, người chơi tranh đều thấy nao nao luyến tiếc. Bức tranh xưa cầm lên thấy thơm mùi giấy dó - thứ giấy mỏng mà dai, thấy mùi ngai ngái của màu chàm, thơm thơm của hoa hòe. Chưa kể là hàng chữ Hán bên cạnh tranh cũng bị bỏ đi khiến những bức tranh hiện nay bán ở Văn Miếu cứ trống vắng. Trống vắng vì thiếu linh hồn người nghệ sĩ, thiếu “màu dân tộc”...


Bây giờ đọc câu ca:


“Hỡi anh đi đường cái quan


Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu


Mua tờ tranh điệp tươi màu


Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều”


Thì lại thấy như ngắm cảnh, ngắm tranh lại thấy nhớ về ngày xưa, nhứ bản khắc gỗ, nhớ màu son đỏ, nhớ màu ánh điệp, nhớ mùi tranh mới....