Thương lắm hương Mùi!


Khi những ngày đông vẫn còn len lỏi trên từng con phố, khi hương xuân vẫn còn mải dạo chơi đâu đó rất xa, đã nghe lòng bồi hồi nhớ tới hương mùi chiều 30 Tết.


Phong vị mùa xuân, hương vị Tết đọng trong mỗi người có khi là mùi bánh chưng, mùi hành muối hay mùi khói nhang... Còn đối với tôi, hương mùi từ những chiếc xe của người ngoại tỉnh trở ra thành phố những ngày giáp Tết và trong nồi nước mẹ nấu chiều 30 lúc nào cũng sâu đậm trong lòng.


Mùi khi được sử dụng làm rau ăn sống không có mùi thơm ngào ngạt như thế. Còn thứ mùi được dùng để đun nước tắm gội là mùi đã già cao khoảng 1m, đã ra hoa màu trắng và có quả nhỏ li ti.


Từ rất lâu rồi, khi mà người ta dùng vòi hoa sen để tắm gội cùng với nhiều loại sữa tắm, dầu gội, cũng như tôi, có lẽ ít người còn được tắm gội với lá mùi. Thèm lắm, cái cảm giác bê một nồi lá mùi vừa đun sôi, trước khi đổ vào chậu, hít một hơi thật sâu để thấy đầu óc hoàn toàn sảng khoái, dội từng gáo lên mái tóc để những hạt mùi li ti còn vương lại mãi. Hương mùi là hương của đồng nội, có mùi của đất, mang vị của gió đồng bát ngát. Thứ cây nhỏ bé, dân dã ấy được dân gian tin rằng dùng nó để tắm sẽ gột rửa được không chỉ bụi bẩn mà còn cả những điều không may mắn lưu lại trong một năm đã qua, đón chào một năm mới trong mát và đầy hi vọng.


Lại sắp đón một mùa Xuân, khoảng thời gian này, có lẽ những cánh đồng, những khoảng đất trồng mùi, người ta đã bắt đầu để mùi già để thu hoạch cho những ngày giáp Tết ông công ông Táo và cho đến hết Tết Nguyên đán.


Lại chờ đón những vòng xe cũ kĩ chở đầy hương mùi, chở đầy Xuân trên từng con phố làm nao nao lòng người.