Thế giới rộng lớn lắm, đôi chân con không ngừng đi về phía trước, ước mơ con mỗi ngày một bao la, vậy mà thế giới của Mẹ vẫn chỉ gói gọn đâu đó trong nỗi lo giản đơn như: Trời mưa không biết con có bị cảm không? Làm công cho người ta chắc cực khổ lắm!...

Mẹ tôi là một thợ may. Mẹ khéo tay lắm, Mẹ tự cắt đồ và may, sửa đồ cho người khác nữa. Hằng ngày, với bàn tay gầy gò nhỏ xinh Mẹ tôi ngồi đạp máy may đồ.

Mẹ thường may áo bà ba cho Các bà trong xóm. Bạn học của chị gái tôi cũng thường mang đồ tới nhờ Mẹ tôi sửa lại dây kéo, rồi đạp lại đường chỉ. Tôi thường nhớ có lúc nửa đêm người ta đến đập cửa gọi Mẹ tôi dậy kêu mẹ may đồ. Mỗi lần vậy là y như rằng đã có người mất, mẹ may đồ cho người đã mất để người ta khâm lượm.

Tôi thấy mẹ may mà run run rồi còn bảo mọi người cứ về đi để mẹ có bình tĩnh may tiếp.

Nhưng Mẹ chưa bao giờ lấy tiền của họ và Mẹ chưa bao giờ bắt họ phải trả công.

Mẹ tôi là thợ may đó nhưng với 4 anh chị em tôi không ai Mẹ truyền nghề cho. Mẹ bảo nghề may rất cực, Mẹ may nhiều, ngồi nhiều nên hay bị đau đầu, mẹ bảo là đau dây thần kinh. Tôi thấy mẹ hay uống lọ thuốc mà viên thuốc đó màu hồng hồng và uống xong thì nó cào xé cả ruột.

Ngày đó Mẹ rất thích tôi sau này sẽ trở thành giáo viên. Thế nên Mẹ luôn làm hết công việc nhà cho tôi để cho tôi học kể cả việc chăn trâu tôi cũng ít khi phải đi.

Đối với người ngoài Mẹ tôi dịu dàng lắm nhưng trong nhà thì Mẹ là một người phụ nữ quyền lực, mẹ mà nổi nóng thì Cha con tôi sợ lắm. Khi chúng tôi học là Mẹ có một cây thước và cho ngồi cạnh cái máy may của Mẹ để học bài. Viết mà sai thì mẹ gõ một cái cóc trên tay, thế rồi đứa nào cũng sợ Mẹ ráng chăm chỉ học bài.

"Con ho lòng Mẹ tan tành

Con sốt lòng Mẹ như bình nước sôi" 

Trước đây mỗi lần tôi ốm Mẹ tôi thường mua sữa cho tôi, cắt mía cho tôi ăn, thậm chí Mẹ còn bưng cháo vào giường đút cho tôi ăn. Mẹ mua được miếng thịt ngon thì Mẹ đâu có ăn, cứ nhường cho tôi. Thời đó nhà nghèo như tôi thì mua được miếng thịt heo đã là cao sang lắm, chứ toàn ăn cà muối, rau muống muối, ăn tóp mỡ chan với nước mắm.

Có hôm không có gì ăn thì Mẹ tôi lại ra chuồng gà lấy trứng, tới cả mấy con gà đang ấp của Cha tôi là mẹ cũng lấy dần rồi luộc cho tôi ăn, tới lúc không thấy gà nở mà trứng cứ mất dần Mẹ bảo chắc rắn ăn mất. Nhưng Cha đều biết là Mẹ đã lấy nó cho tôi ăn.

Suốt quãng đời đi học Mẹ tôi không cho tôi may đồ mới, thậm chí không có cái cặp mới luôn. Mẹ sửa những bộ đồ cũ của chị gái tôi cho tôi mặc, rồi tự  may cặp vải cho tôi đựng,  thậm chí cái xe đạp cùi tàn của chị gái tôi để lại Mẹ cũng bắt tôi đi.

Ngày đó tôi chưa hiểu được, tôi luôn tự hỏi có phải mẹ ghét tôi vì sao chị gái tôi thì cái gì Mẹ cũng mua mới còn tôi thì toàn dùng đồ cũ?

"Với thế giới, bạn chỉ là một người bình thường, nhưng với riêng một người nào đó, bạn có thể là cả thế giới".

Những năm tháng ấy, gia đình tôi rất nghèo khó, mỗi lần đóng tiền học là mẹ lại phải bán lúa, mỗi lần hết tiền chợ mẹ lại đi mua thiếu rồi tới lại bán lúa để trả. Tôi vẫn còn nhớ cái Ông Thắng bán thịt heo ở Thôn Hai và cái bà bán cá ở Thạch Lâm, bà chèo đò mỗi khi Mẹ tôi đi chợ. Đó là hai người Mẹ tôi hay mua thiếu.

Dù nghèo là thế nhưng tấm lòng của Mẹ tôi luôn hướng thiện. Nhà tôi được cái ngày đó có nhiều cây ăn trái lắm, có ổi, có cam, có chuổi, có bưởi,..Cây nào cũng sai trái thế mà chả bao giờ Mẹ đem đi bán để lấy tiền mua cá mua thịt..., Mẹ mang đi cho những nhà không có.

Nhà tôi có 2 hàng cau sai trái lắm, một bụi trầu cũng đầy lá ở quê các ông các bà đèu thích ăn trầu và mẹ đều cho người ta. Nhà ai đám cưới cần buồng cau đẹp đi hỏi thì Mẹ tôi cũng cho chứ không lấy tiền.

Vào mỗi vụ lúa về. Mẹ tôi thường xay những thúng lúa ngon lấy gạo và kêu tôi mang cho Bà Long. Bà Long bị cụt hết cả cánh tay nên Bà không làm được lúa. Và cứ vụ mùa nào cũng vậy Mẹ đều cho. Mỗi lần vậy Bà cảm động lắm, có khi Bà lại khóc vì tủi thân.

Thế nhưng mẹ bảo rằng: cuộc sống này rất diệu kì và luôn có những phép màu...

Tất cả chúng ta sinh ra và tồn tại trên đời này đều mắc nợ nhau.

Cho đi và nhận lại là hình thức luân phiên để trả nợ cho nhau.Khi bạn cho đi những điều tốt đẹp thì bạn sẽ nhận được sự bình yên trong tâm hồn.

Tới bây giờ khi đã có con tôi mới thấu hiểu được cách sống đó của Mẹ tôi.

Ngày trẻ Mẹ tôi là một thanh niên xung phong, Mẹ còn là một đảng viên, ở trong Thôn Mẹ tôi làm hội trưởng hội phụ nữ.

Một thời gian sau đó Mẹ tôi lại được chuyển lên làm hội trưởng hội nông dân tập thể Xã Cẩm Vịnh.

Nói tới mẹ tôi chắc hẳn ràng không chỉ cả cái xóm tôi biết tới Mẹ mà cả xã Cảm Vịnh chắc ai cũng ít nhất một người trong xóm biết tới Mẹ tôi.

Mẹ tôi không phải nổi tiếng về sắc đẹp, hay nổi tiếng về tai tiếng mà nổi tiếng với lòng từ bi hỷ xả. Mẹ luôn cưu mang những người nghèo khó.

Con cám ơn Mẹ đã cho con một hình hài, đã cho con một bầu trời hạnh phúc, đã sinh ra Chị Hai, Anh Hai, Anh Ba và con. Cám ơn Mẹ đã nuôi con học xong Đại Học và bây giờ con không phải ăn cà, ăn rau muống muối, ăn nước mắm, không phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời để cấy lúa, đi gặt như ngày xưa.

Người ta thường nói con trẻ như tờ giấy trắng, viết cái gì lên là tùy thuộc ở chúng ta, con sẽ cố gắng viết lên những điều tốt đẹp nhất lên hai con của để không phụ lòng mong đợi của Mẹ.

Nụ cười của mẹ đã bị những lo toan, mưu sinh khuất lấp để thay vào vẻ mệt nhọc thường ngày đó, để nhìn thấy mẹ cười, nụ cười tươi màu hạnh phúc con hứa sẽ luôn là đứa con ngoan . Con thầm mong mẹ luôn mạnh khỏe, sẽ cười những nụ cười hanh phúc như thế mãi, Mẹ ơi!

Mẹ yêu ơi con yêu mẹ nhiều


Mẹ luôn là Phật sống của đời con


Mẹ cho con tình yêu cao quý


Mẹ là lý trí của đời con...

Gửi Mẹ Hồng

15.10.2020