Ông tôi

- Mai là ngày giỗ ông nội hả mẹ? - Tôi hỏi mẹ

- Ừ con ạ! Mai là 18 tháng 6 rồi.

Không hiểu tại sao trong lòng tôi lại thấy rất buồn và có lỗi với ông khi hỏi câu đó. Có lẽ tôi biết lý do nhưng không thể nói với ai, kể cả mẹ - người mà tôi luôn luôn chia sẻ bất cứ điều gì.

Ông tôi đã qua đời cách đây bảy năm rồi, lúc tôi còn rất nhỏ.

Nội là một người hiền từ, luôn được mọi người yêu mến. Ông đã từng tham gia kháng chiến, nhưng năm tháng trên chiến trường làm cho ông thêm gầy guộc nhưng cũng những năm tháng ấy đã mở rộng tấm lòng của ông, ông biết yêu thương mọi người hơn - ông nói như thế. Tôi còn nhớ đôi mắt nội sâu, rất đẹp, mái tóc bạc trắng chỉ còn vài sợi đen sót lại, khuôn mặt hiền từ phúc hậu. Làn da đồi mồi, đen vì sương gió cuộc đời.

Cha tôi kể, ngày ông còn trẻ khi đang đi bộ đội, ông và bà lấy nhau, hai người sống rất hạnh phúc. Nhưng vì phải phụng sự cho Tổ quốc nên ông bà tạm xa nhau. Ngày hòa bình lập lại, ông trở về bên bà. Hai người dắt nhau vào miền Nam sinh sống và lập nghiệp từ năm 1981. Ông bà có đến mười một người con nên cuộc sống gia đình rất khó khăn, ðng đã bươn chải biết bao nghề để nuôi sống gia đình. Nào là làm thợ may, nấu nước mắm bán, gánh hàng mướn, nhưng ông vẫn không nản lòng hay than phiền một lời nào và vẫn kiên định con đường ông đã chọn. Ông đã được vào Đảng, được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, đến bây giờ bà nội vẫn còn giữ. Mọi người trong gia đình và hàng xóm rất kính phục ông.

Nhưng thật cay đắng, đến cuối đời mình ông lại mắc một căn bệnh kỳ quái. Lúc nào tay chân ông cũng run lên bần bật, không thể đi được, suốt ngày ông chỉ nằm hay ngồi một chỗ. Mọi người trong gia đình rất buồn và lo lắng cho nội.

Đêm hôm đó, trước ngày đến giỗ ông, nằm trong mùng tôi nhớ đến ông rồi khóc một mình, từng giọt nước mắt chảy dài trên má, nóng hổi, ướt cả gối. Nhưng tôi không dám khóc lớn, sợ cha mẹ nghe thấy.

Tôi nhớ, mỗi chiều các cô, các bác thường bắc ghế trước cửa cho ông ngồi. Ông mỏi, mọi người xúm lại bóp tay chân cho ông. Còn bọn con nít chúng tôi chạy đùa trước sân. Tôi thấy ông cười khi nhìn chúng tôi chơi. Một nụ cười hiền dịu nhưng chứa sự đau đớn, buồn tủi.

Rồi một buổi trưa, ông ngồi một mình trong nhà, căn nhà vắng lặng, chỉ có bọn con nít chúng tôi chơi bên vách nhà, có cái cửa sổ. Thấy chúng tôi, ông gọi:

- Các cháu à, vào đây xoa bóp cho ông với, ông mỏi lắm.

Chắc chắn tất cả đều nghe thấy, nhưng không đứa nào lên tiếng, cũng không dám vào, có lẽ vì chúng tôi sợ ông. Ông lúc nào cũng run, trông rất sợ. Ông lại lên tiếng, từng tiếng nói mệt mỏi:

- Các cháu đâu rồi?

Cả bọn bỏ chạy. Chạy thật nhanh. Trong lúc chạy tôi cứ ngoái đầu lại phía sau xem có ai vào nhà không, Tuy sợ ông nhưng tôi rất lo cho ông, nếu ông mệt quá không chịu nổi thì sao? Không được! Tôi định trở lại, nhưng thật may vừa lúc đó tôi thấy mẹ bước vào nhà. Lòng tôi nhẹ hẳn.

Chiều về tôi bị mẹ mắng khi nghe ông gọi:

- Sao con hư vậy, ông gọi con không nghe à?

Tôi xị mặt xuống: 

- Dạ con có nghe ạ!

- Vậy sao con không vào với ông?

- Con sợ ông! - Tôi lí nhí.

- Đó là ông nội của con, sao con lại sợ? Chắc con mê chơi, mẹ đánh con mới được!

Tôi là một đứa bé ngang ngạnh, nên cãi lại:

- Sao các anh chị khác cũng chạy đi đó.

Mẹ rất giận định đánh tôi, nhưng cha cản lại. Tôi chạy thật nhanh vào mùng của mình, khóc nức nở, khóc thật lớn để được cha mẹ dỗ dành nhưng hình như tôi bị bỏ rơi. Tôi thoáng nghe cha nói với mẹ:

- Em đừng la con như thế, nó là con nít mà

- Không dạy con từ nhỏ, nó sẽ hư mất. À! Hôm nay anh ngủ với cha à?

- Đúng rồi. Hôm qua anh Bảy đã trông cha rồi. Hôm nay đến lượt anh.

- Thôi anh qua sớm với cha đi.

Tôi nghe có tiếng dép, rồi tiếng chó sủa. Cha đã đi. Nhà nội cách nhà tôi không xa. Chỉ có một căn nhà của chú tôi nằm ở giữa nhà tôi và nhà ông nội.

Tôi bước ra khỏi mùng. Mấy hôm nay ông có vẻ yếu hơn trước. Tôi thấy thế.

Thấy cha về, mẹ hỏi có vẻ căng thẳng:

- Chuyện gì vậy?

- Cha mất rồi! - Cha tôi đáp một cách buồn bã.

"Ông nội mất rồi”. Câu nói đó như sét đánh bên tai tôi, đầu tôi quay cuồng, mắt tôi căng tròn nhìn đăm đăm về hướng nhà nội. Cha vội bế tôi chạy sang đó. Mọi người có mặt ở đó hết rồi. Ai cũng khóc. Một không khí đau buồn, nặng nề tràn ngập cả căn nhà. Tôi khóc theo và gào lớn:

- Ông ơi!

Tôi khóc càng lớn, khóc rất nhiều.

Câu nói của Ông như vang lên trong đầu tôi: “Các cháu vào đây xoa bóp cho ông với, ông mỏi lắm”, xé vào tâm can tôi, như cắt từng đoạn ruột. Tôi sai rồi. “Con sai rồi ông ơi!”...

Sáng hôm ấy ngày giỗ nội. Trời cao, trong xanh. Các cô, các chú đã tập trung đông đủ để làm mâm cơm cúng nội. Mọi người thắp hương. Đến lượt tôi. Cầm nén hương trên tay, vái ba lạy, tôi thầm thổ lộ tình cảm với ông, có lẽ đã rất muộn nhưng tôi vẫn phải nói: “Ông ơi, con xin lỗi ông nhiều!". Nhìn vào bức ảnh của ông trên bàn thờ lòng tôi vô cùng hối hận. Tôi mong sao làn khói kia sẽ mang lời xin lỗi của tôi đến với ông.

Không hiểu vì sao bây giờ tôi rất thích nghe bà nội kể chuyện về ông. Rất vui. Ông có tính tiết kiệm. Bà bảo, hồi đó bà đưa cho ông tờ hai nghìn mới từ ba tháng trước nhưng ba tháng sau lấy từ áo gối của ông ra vẫn còn tờ hai nghìn đó, không sứt mẻ tí nào, Bà hỏi tại sao thì ông cười bảo:

- Tôi quên dùng ấy mà!

Thật buồn cười, tiền mà ông lại quên dùng. Thật ra ông nói dối thôi. Ông muốn để dành tiền đó cho con cháu. Cả đời ông chưa từng bế đứa cháu nào, vì lúc chúng tôi được sinh ra ông đã mắc bệnh rồi, đi còn không được nói gì đến bế cháu. Ông thật tội nghiệp. Mẹ tôi đã từng thấy ông nâng niu tờ hai nghìn đó và khóc. Còn một lần nữa, mẹ và bác tôi vì nghe ông than mỏi quá muốn nằm võng nhưng lúc đó nhà nội khó khăn nên không có võng, hai người nắm tay và chân ông, người một đầu đong đưa ông như đưa võng. Cảnh tượng ấy vừa buồn cười vừa đau xót đến đứt ruột. Nhưng ông lại cười, cười rất mãn nguyện. Mỗi lần nghĩ đến cảnh ấy tôi đều trốn mọi người, bỏ đi nơi khác, ngồi khóc một mình.

Khóc. Những kí ức của tôi về ông đều rất buồn, lẫn giọt nước mắt hối hận.

hình ảnh