Thế giới con rộng mở - Thế giới mẹ cô độc

hình ảnh

Bài viết này được tôi viết lần đầu tiên vào năm 2017! Có lẽ, trong chuỗi những ngày dài hỗn độn của một đời người phụ nữ tuổi Tý mà tôi hết mực yêu thương lại có nhiều xáo trộn đến thế. Bà về hưu sau thời gian làm công tác phụ nữ tại địa phương, và dùng số tiền đó để nuôi ba anh - chị - em chúng tôi học đại học và chăm sóc chồng lớn tuổi bị bệnh ung thư.

Tôi viết dòng tâm sự dưới đây vào thời điểm tôi quay trở lại thành phố Hồ Chí Minh sau một tuần chăm sóc bố tôi tại bệnh viện tỉnh Khánh Hòa sau ca phẫu thuật ung thư ở tuổi 75. Tôi ít chia sẻ câu chuyện này với những người xung quanh vì tôi thật sự sợ làm phiền đến họ, những người biết đến câu chuyện của gia đình tôi thường động viên tôi bằng câu nói: "Mày thật kiên cường và thật mạnh mẽ để giải quyết chuyện gia đình khi có biến cố"... Nhưng không phải vậy! Tôi nghĩ, hai người kiên cường nhất trong câu chuyện này là bố và mẹ tôi! Một người kiên cường, lạc quan để lách qua khe cửa hẹp của cuộc đời khi phát hiện bản thân bị ung thư. Người còn lại luôn cố gắng, luôn toàn tâm và luôn hướng thiện để bảo vệ những gì mà bà ấy yêu thương nhất trên cuộc đời. 

Trong suốt 26 năm làm con của bố mẹ, tôi cũng từng khiến họ phiền lòng. Những câu nói không hay như bát nước hất đi, nó chẳng bao giờ thu lại được. Nhưng rất may mắn khi tôi đã có thể nói lời xin lỗi đến với bố mẹ về những điều chưa đúng đó! 

Những dòng tâm sự dưới đây được viết bởi 3 năm trước, khi đó tôi vẫn chưa đối diện với lằn ranh của sự sống và cái chết trong phòng cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi chưa trải qua thời khắc nhìn 3 người mình vừa gặp gỡ nói chuyện vào ngày 28 Tết tại khoa bệnh K - Bệnh viện Tỉnh Khánh Hòa để rồi cách đó vài tiếng họ đã trở về với đất mẹ. Tôi 3 năm trước chưa chứng kiến tình cảnh "trút hơi thở cuối cùng" trong phòng bệnh nhân nặng... Những tranh đấu để phụ huynh "được sống" nhờ máy thở hay để ra đi... Vì thế những dòng tâm sự dưới đây sẽ có phần ngô nghê, đôi chỗ hơi "lên gân" quá đà theo kiểu viết thật kêu để mọi người "có cái mà đọc"... Nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ dòng tâm sự này với "Bưu điện yêu thương", vì tôi nghĩ đó thật sự là suy nghĩ sâu thẳm trong con người của tôi, dù có thể còn hạn chế về cách trình bày. Mẹ tôi từng dạy tôi rằng: Đừng sợ, đừng xấu hổ bởi những quan điểm hay suy nghĩ non nớt trong quá khứ! Nếu một ngày nào đó con nhìn thấy những gì mình viết trong quá khứ có đôi chỗ lấn cấn thì không phải con sai trong quá khứ mà hiện tại con đã trưởng thành hơn rất nhiều!

---------

Bài viết được đăng lúc 9:39 ngày 23 tháng 9 năm 2017 trên Facebook Minh Minh Đạt

Thế giới con rộng mở - Thế giới mẹ cô độc

"Thiên chức làm mẹ là điều thiêng liêng và may mắn nhất trong cuộc đời mỗi người phụ nữ.Làm mẹ đồng nghĩa với việc phải bắt đầu tập quen với nhiều điều thay đổi trong cuộc sống như: ăn uống, đi lại, ưu tiên thời gian dành cho con cái, gia đình… Guồng quay của thiên chức làm mẹ tạo nên một cuộc sống mới cho mỗi người phụ nữ. Có người yêu thích, có người sợ hãi, có người cảm thấy bất lực, mệt mỏi….

Khi chứng kiến thiên thần nhỏ của mình chào đời với tiếng khóc, chắc chắn ai cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc. Khi con cái đã là vật hữu hình song hành cùng cuộc sống chắc chắn mỗi người mẹ lại có thêm nhiều điều thay đổi. Hi sinh luôn là từ được gắn với cuộc đời người mẹ. Họ hi sinh cuộc sống cá nhân của mình để tạo dựng cuộc sống của con. Con đứng – con cười – con bi bo tập nói….. là những món quà quý giá nhất của mỗi người phụ nữ. Tuổi xuân của mẹ là con. Mẹ sẽ là người thầy để dìu con đi qua những tháng năm đầu tiên của cuộc đời, mẹ sẽ là người bạn tư vấn – đồng hành cùng con với những thay đổi của bản thân.

Nhưng rồi một ngày mẹ sẽ trở về là mẹ và mẹ sẽ phải tập quen với nhiều điều thay đổi khi con lớn khôn, bắt đầu rời xa mái nhà, rời xa mẹ.

Người ta nói nhiều về những khó khăn, sự thay đổi của người trẻ khi bước ra ngưỡng cửa căn nhà. Nhưng có ai nói về những khó khăn, những thay đổi lớn trong cuộc sống của mẹ khi con bước vào đời.

Nếu con tập làm quen với cuộc sống nhộn nhịp, sôi động thì mẹ tập quen với sự cô đơn, vắng bóng hình con trong căn nhà quen thuộc.

Nếu con tập làm quen với những mối quan hệ mới thì mẹ lại tập chấp nhận với sự thiếu vắng, thay đổi những thói quen ngày xưa cũ.

Thế giới con sẽ đầy đủ sắc màu, rộn ràng những lời gọi kêu hấp dẫn của những thử thách. Thế giới mẹ cô độc với hàng vạn câu hỏi lo lắng về những bước đi chập chững đầu đời của những thiên thần mãi bé nhỏ của mình.

Nhưng sự thay đổi lớn này có thể là sự thay đổi cuối cùng của mẹ.

Có những người mẹ thay đổi chính mình bằng cách tạo dựng cuộc sống tương đồng với con cái. Họ cũng sử dụng các công cụ mạng xã hội như: facebook, zalo, facetime.... Thế nhưng đâu phải sự thay đổi nào của mẹ cũng được con chấp nhận. Đôi khi sự hòa nhập đó là điều phiền toái của những đứa trẻ không thích bị giám sát, hỏi thăm một cách thường nhật khi thấy các dòng trạng thái trên các trang mạng xã hội.

Sự thay đổi cuối cùng, có thể thành công cũng có thể thất bại, thế nhưng mẹ vẫn luôn cố gắng để yêu thương con, để quan tâm con, theo cách mẹ vẫn từng làm.

Đối với những người mẹ, yêu thương con cái không phải là nghĩa vụ mà đó là một thói quen trong cuộc đời bất kì người đàn bà nào trải qua thiên chức làm mẹ.

Thiêng liêng".

#GU