Em kể các mẹ nghe, hồi biết tin có bầu bé đầu, gia đình mừng quá quá nên có bao nhiêu của ngon vật lạ đều bồi dưỡng cho em ăn mọi nơi mọi lúc luôn. Tới quý thứ 2 của thai kỳ, đi khám bác sĩ mắng xối xả vì bị tiểu đường thai kỳ. Sau đó BS bắt phải kiêng khem theo chiến dịch “bóp mồm bóp miệng” chỉ ăn rau và uống nước, tuyệt đối không được ăn tinh bột và đường... Kết cục sinh con được có 2,2 kg trong khi mẹ tăng hẳn 25 ký lô. Vừa thương, vừa xót con vì bị thiếu cân rồi nhìn lại “đống mỡ” trên người mình mà phát nản. Mất 3 năm trời để em “phóng thích” đi khối mỡ ấy các mẹ ạ. Đến tập 2 thì em đúc kết được một cơ số kinh nghiệm rồi. Suốt thai kỳ em lên có 8kg thôi nhưng trộm vía con sinh ra được 3,6kg và dài 53cm, bác sĩ của ca mổ hôm đó cứ khen cô nàng chân dài ấy mãi.



Nhân đây nếu các mẹ đang mang thai cần một vài kinh nghiệm ăn uống để bổ cho bé mà không mập mẹ thì em triển luôn đây nhé:



Không phải thứ gì bổ mình đều tiêu thụ



Chắc nhiều mẹ cũng có suy nghĩ như em hồi mang thai bé đầu tiên, cho rằng mang thai là phải ăn thêm gấp đôi bình thường vì nghe người ta nói ăn một mà cho hai. Rồi những thứ gì người nhà bảo ngon bổ là cứ thể ăn cho bằng hết (thật ai mới mang thai lần đầu cũng trong tâm thế mọi thứ tốt nhất trên đời nên ăn để tốt cho bé). Thế nhưng thực chất không cần tăng gấp đôi khẩu phần ăn lúc mang thai đâu các mẹ nhé. Chúng mình chỉ cần tăng khoảng khoảng 350 -500 kcal mỗi ngày thôi (Lượng calories tăng hơn nhu cầu thường nhật chỉ khoảng 300-450 calories/ngày (một hũ sữa chua khoảng 250 - 300 calories) trong 6 tháng cuối thai kỳ. Thời gian 03 tháng đầu có thể ăn uống ít do nghén và đôi khi có sụt cân). Bữa ăn thì nên đa dạng cân đối, bao gồm thịt, cá, sữa, các loại hạt, rau xanh, hoa quả chứ đừng giống em ngày xưa nghe người ta nói cái gì bổ là mua về ăn. Không nên ăn quá nhiều nhưng các mẹ cũng đừng sợ mất dáng mà kiêng khem khiến cả mẹ lẫn con đều thiếu chất là không tốt đâu nhé!



Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày



Các mẹ cứ nghe em chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày để cơ thể tiêu hóa và hấp thụ tốt hơn. Cài này còn giúp khắc phục tình trạng nghén trong những tháng đầu và kiểm soát cân nặng trong những tháng tiếp theo đó các mẹ. Cùng với chia nhỏ bữa ăn thì trong các bữa ăn các mẹ cũng đừng quên chia các thực phẩm theo tỷ lệ: 25% đạm, 25% tinh bột, 50% rau củ. Rau xanh, hoa quả không chỉ giúp bổ sung vitamin, chất xơ và khoáng chất mà còn giúp mẹ bầu tránh được tình trạng táo bón, đầy bụng, khó tiêu.



Ăn vặt vui miệng nhưng cũng cần hợp lý



Bầu bì chúng mình rất thích ăn vặt phải không các mẹ? Thế nhưng các mẹ cũng nên lưu ý, kiểm soát khối lượng thức ăn vặt nhé. Nếu mẹ nào giống em bị nghén và nôn liên tục khi mang thai thì càng nên thường xuyên ăn vặt nhé. Bởi khi nôn cơ thể sẽ bị hao hụt dinh dưỡng (kiểu như bao nhiêu thứ mình ăn trong bữa chính sẽ vì nôn ói mà hao hụt đi), vậy nên ăn vặt là các bổ sung đều đặt các dưỡng chất bị mất đi đấy. Món ăn vặt vừa ngon vừa thú vị cho mẹ đây: các món trái cây sấy khô (nho khô, khoai lang sấy, chuối sấy…) bổ sung vitamin, cung cấp năng lượng tức thì khi mệt mỏi; hay như hạt điều, hạnh nhân, óc chó, mắc ca,… rất tốt cho sự phát triển trí não của em bé trong bụng.



Một số nhóm thực phẩm mẹ cần “nói không”



Nhóm thức ăn không bao giờ nên có trong list thực đơn suốt thai kỳ của em là thịt đỏ sống, thịt bò tái và thịt gia cầm chưa nấu chín… Chúng có thể bị nhiễm toxoplasmosis hoặc salmonella gây hại cho thai nhi (cái này là em đọc trên mạng thấy các chuyên gia dinh dưỡng nói thế). Nên hạn chế các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao (vd như cá thu, cá kình, cá ngừ.v.v… mình có thể ăn ít nhé nhưng đừng vì thèm thuồng mà ăn nhiều) vì có thể gây dị tật cho thai nhi. Mẹ chỉ nên ăn khoảng 350gr các loại thủy hải sản một tuần, đừng ăn quá nhiều. (Cá rất tốt, nhất là các loại chứa DHA nhiều như cá hồi, cá thu. Nên ăn cá 2-3 lần/tuần)



Nếu mẹ nào chẳng may bị đái tháo đường thai kỳ như em trong lần mang thai đầu thì phải đặc biệt chú ý tới nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết / GI cao để tránh. Dưới đây là hình chụp tài liệu ngày xưa em được phát liệt kê ra các thực phẩm có chỉ số GI cao, các mẹ tham khảo nhé:


webtretho




Lưu ý tới chế độ “dinh dưỡng cho tâm hồn”



Dinh dưỡng cho tâm hồn mà em muốn nói tới ở đây chính là việc vận động hợp lý và giữ cho tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ đó các mẹ. Tập 1, em rất ngại vận động vì sợ ảnh hưởng tới bé. Nhưng sang tập 2, được sự tư vấn của bác sĩ sản khoa và kiến thức tìm hiểu, em biết rằng việc vận động thường xuyên với cường độ phù hợp sẽ giúp thai phụ tránh được tình trạng tăng cân quá mức, ngăn ngừa các triệu chứng về cơ xương như đau lưng hoặc đau vùng chậu.


Mỗi tối trước khi đi ngủ, em thường pha một chậu nước muối gừng ấm khoảng 40C ngâm chân 15 phút để dễ ngủ hơn. Các mẹ cũng có thể thay thế nước muối gừng bằng dầu tràm cũng rất tốt. Mẹ ngủ ngon, sâu giấc thì đương nhiên là em bé cũng sẽ phát triển tốt rồi .



Ngoài ra các mẹ nếu có kinh nghiệm gì thì hãy chia sẻ thêm nhé! Chúng ta cùng thu thập thông tin và kinh nghiệm để trở thành những bà mẹ thông thái nào!