Chuyến du lịch về nguồn, do một chị mạnh thường quân từ nửa vòng trái đất tài trợ. Chị là người giàu lòng nhân ái, muốn chia sẻ tình thương, vật chất cho đồng bào nghèo vùng cao. Đoàn thiện nguyện chúng tôi gồm toàn những anh chị em văn nghệ sĩ hai miền Nam Bắc, đã tập trung tại Hải Phòng để bắt đầu cho một chuyến đi đầy cảm xúc, thật vui, ý nghĩa và đậm đà bản sắc dân tộc với tôn chỉ là “Lá lành đùm lá rách”.


Từ Hải Phòng, tôi được biết đến tháp Tường Long trên đỉnh núi Ngọc Sơn, ngọn núi đầu tiên trong dãy núi Cửu Long, Đồ Sơn, Hải Phòng. Tháp có 9 tầng, cao 100m trên khu đất rộng 1000m2, lần đầu tiên được xây dựng vào thời nhà Lý. Nền móng tháp gần nghìn năm tuổi, ở thế kỷ 11 – 12 tháp được biết đến như một trung tâm văn hoá lịch sử lớn của Việt Nam.


Chúng tôi đi trên những con đường cheo leo vách núi, cảnh vật lạ mắt, đẹp vô cùng mà miền Tây Nam Bộ chưa bao giờ có được, đó là đường đèo quanh co khúc khuỷu với độ cao hơn 1.000 m, băng qua những dãy núi điệp điệp trùng trùng . Nhìn ruộng bậc thang liên tiếp nối nhau đến tận đỉnh đồi, mới thấy cái công phu, nỗi vất vả và sự khéo léo của đồng bào dân tộc tại đây.


Thời tiết Lào Cai nóng đến khó chịu, dù nơi đây chỉ cách thị trấn Sapa có 35km. Bên Trung Quốc thì gọi là Hà Khẩu, vì nó thuộc huyện Hà Khẩu, một châu tự trị của dân tộc Cáp Nê. Biên giới chỉ cách con sông Nậm Thi nhỏ bé, nối hai bờ biên giới là cây cầu Hồ (Hồ Kiều) dài chừng 100 mét! Bên này cầu là cột mốc biên giới, nhìn sang bên kia với những tòa nhà cao, phố phường, hàng quán, có những chữ Tàu thật to mà bên VN có thể đọc được dễ dàng!


Chợ tình Sapa là một nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc sinh sống ở Sapa, Lào Cai. Nói là “chợ” nhưng nơi đây không có kẻ bán người mua, vì thực tế chợ tình là nơi hẹn hò của trai gái người Mông, người Dao. Chợ tình xưa kia thường “nhóm” mỗi năm một lần vào một ngày chợ phiên sau dịp Tết. Sau khi bán xong những món hàng như thổ cẩm, nông sản… được mang từ bản làng ra, họ tập trung tại một bãi trống trước chợ, rồi thổi khèn, thổi lá, hò hát giao duyên, liếc mắt đưa tình! Khi tìm được ý trung nhân, thì trao nhau kỷ vật, ước hẹn trăm năm…


Chợ tình Sapa ngày nay không còn mang sắc thái văn hóa độc đáo xưa nữa, vì nó không còn là nơi hò hẹn hát giao duyên của những đôi trai gái, mà là nơi trình diễn vào mỗi tối thứ bảy, trước quảng trường Nhà Thờ Đá, để phục vụ khách du lịch. Do vậy, ta sẽ không lạ khi thấy những bé trai, bé gái cũng thổi khèn, cũng nhảy múa trong vòng vây của khán giả, và cuối cũng là xin tiền ủng hộ!


Hoàng Liên Sơn là một dãy núi vùng Tây Bắc Việt Nam. Đúng với tên gọi, có rất nhiều cây thảo dược Hoàng Liên nơi đây. Chiều rộng 30 km, chạy dài 180 km theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, nằm giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, kéo dài đến tận phía Tây tỉnh Yên Bái. Đây là phần cuối của dãy núi Ai Lao Sơn, đoạn tận cùng phía Đông Nam của dãy núi Himalaya. Phía Tây bắc của dãy núi có nhiều ngọn núi cao trên 2.800 m, trong đó ngọn Fansipan cao 3.143 m; cao nhất ba nước Đông Dương, nên được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” Núi Fansipan cách thị trấn Sapa khoảng 9 km về phía Tây Nam.


Với các nhà leo núi, muốn chinh phục đỉnh núi này họ phải mất từ 1 đến 3 ngày, nhưng với du khách, thì “chinh phục” bằng… cáp treo, chỉ 15 phút mà thôi!


Đỉnh Fansipan sương mù dày đặc, mây giăng tứ phía, từng cơn gió thổi lạnh buốt xương, cách 2, 3m chẳng thấy mặt nhau, tưởng chừng như lạc vào chốn non bồng tiên cảnh. Tôi leo 600 bậc tam cấp đi xuống, ngồi nghỉ mệt trước thềm một ngôi chùa. Bỗng có người mặc y phục màu nâu đi ra xua đuổi, dù lời khẩn khoản có tội nghiệp đến đâu, cũng không được chấp nhận.


Thì ra câu “Cửa chùa rộng mở”, chỉ rộng mở với những ai đến cúng dường. Đức Phật thật từ bi, nhưng sao lại có hàng đệ tử như thế? Tôi ngao ngán bước xuống thềm, quay người nhìn lại… Qua sương mù dày đặc, ngôi chùa mờ mờ ảo ảo giống như phủ Diêm Vương ở cõi A Tỳ, và người mặc áo nâu…bỗng giống như quỷ ngưu đầu mã diện!


Tạm biệt Sapa, đoàn của chúng tôi lại trèo đèo lội suối, dưới cơn mưa rừng tầm tã để đến với bản Sin Suối Hồ thuộc tỉnh Lai Châu. Người dân nơi đây 100% là người dân tộc H’Mông. Chính quyền, các anh bộ đội biên phòng đã long trọng tiếp đón đoàn chúng tôi một cách trân trọng và vô cùng ấm áp.


“Sin Suối Hồ” “Thác Trái tim” nằm trên đỉnh Bạc Mây với độ cao 1400 mét, cách thành phố Lai Châu khoảng 30km; có thể nói là một bản làng VĂN MINH ĐÚNG NGHĨA. Ở đây không ai bán rượu, vì họ cho uống rượu rất xấu. Đường lên bản hơn 3 km, không thấy một chút rác hay một bao ny lông nào. Dân bản có khoảng 150 hộ dân, sống trong vùng núi xa xôi hẻo lánh nhưng thực hiện nếp sống “4 không”: 1. Không hút thuốc phiện, thuốc lá. 2. Không uống rượu. 3. Không cờ bạc. 4. Không xả rác bừa bãi.


Dọc đường , khi bắt gặp ai đi ngược chiều, nam hay nữ họ cũng đều cúi đầu, nhoẻn miệng cười thân thiện. Người nam H’Mông hiền lành, người nữ xinh đẹp, dịu dàng, lễ phép. Tôi cảm nhận được như thế!


Chị mạnh thường quân đã mang niềm vui đến cho bà con bản làng, dù chị không phải đại gia, làm từ thiện bằng tiền hưu trí, mà tấm lòng luôn hướng đến bà con quê nhà đất Việt, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn bằng sự yêu thương và cảm thông sâu sắc. Một căn nhà nhỏ, một cái tủ, một chiếc giường, những thùng quần áo, bánh kẹo, thuốc men…Một tấm gương nhân ái, đáng để mọi người học hỏi và noi theo.


Cám ơn tất cả các thành viên trong đoàn thiện nguyện, cám ơn bà con bản Sin Suối Hồ đã để lại cho đoàn những ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp, bằng những tình cảm nồng hậu chất phác, cám ơn những chàng trai, cô gái H’Mông xinh đẹp nơi núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Tôi sẽ nhớ mãi nơi này.