Cầu Thê Húc, chiếc cầu cong cong màu đỏ như con tôm, quen thuộc trong những bài văn tả về thủ đô Hà Nội. Đây là chiếc cầu nối liền bờ Hồ Hoàn Kiếm sang đền Ngọc Sơn, là một di tích lịch sử đã được nhà nước tu sửa lại và trở thành địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu bạn cách di chuyển đến cây cầu, nơi đây có gì đặc sắc và các điểm tham quan gần đó.

Xem thêm những điều thú vị về cầu Thê Húc

hình ảnh

Vị trí và cách di chuyển

Cầu Thê Húc thuộc Hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm, nằm ngay tại trung tâm quận Hoàn Kiếm nên rất thuận tiện cho di chuyển đến đây cũng như ghé qua các địa chỉ tham quan khác quanh Hà Nội.

Nếu bạn là du khách ở nơi xa đến thì có thể tìm các nhà nghỉ hoặc khách sạn quanh khu vực phố cổ, thế là chỉ cần vài bước đi bộ bạn đã có thể đến ngay với cầu Thê Húc, hồ Hoàn Kiếm rồi. Còn nếu bạn ở khu vực xa trung tâm thì có thể di chuyển bằng các phương tiện cá nhân hoặc công cộng như taxi hay xe bus. Xung quanh hồ có rất nhiều điểm gửi xe máy hoặc ô tô, bạn chỉ cần hỏi trước giá để tránh bị “chặt chém” là được. Với những ai lựa chọn phương tiện xe bus thì có thể tham khảo các tuyến đi qua bờ hồ như tuyến 09, 14 và 16 với tần suất 15 – 20 phút/chuyến, thời gian hoạt động từ 5h05 đến 21h05 hàng ngày.

Ý nghĩa cầu Thê Húc

Cái tên “Thê Húc” mang ý nghĩa là nơi lưu giữ ánh sáng, với màu sơn đỏ - màu của hạnh phúc và sự sống - cây cầu thể hiện ước mong có thể đón nhận được dưỡng khí đất trời quanh đó. Cây cầu được xây vào năm 1865 dưới triều đại của vua Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu (thánh Siêu), được làm hoàn toàn bằng gỗ và thiết kế rất đơn sơ, gồm 15 nhịp, 32 chân gỗ chống đỡ cầu được xếp thành 16 đôi, mặt cầu được lát bằng ván gỗ, thành sơn màu đỏ thẫm, chữ Thê Húc thếp vàng ở trung tâm thành cầu.

Các địa điểm tham quan xung quanh cầu Thê Húc

Hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm là hồ nước ngọt tự nhiên, với diện tích khoảng 12ha. Hồ còn có một số tên gọi khác như hồ Gươm, hồ Lục Thủy, hồ Thủy Quân, hồ Tả Vọng hay Hữu Vọng. Cái tên hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết Rùa Vàng lên đời vua Lê Lợi gươm thần trong một lần vua dạo chơi trên thuyền. 

Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn cũng nằm trong khu vực hồ Hoàn Kiếm, là một di tích cấp quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Đền Ngọc Sơn không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa quốc gia mà còn là một địa điểm mà nhiều du khách lựa chọn ghé thăm khi lần đầu du lịch Hà Nội. Đi qua cầu Thê Húc là đến đền Ngọc Sơn, nơi đây có thiết kế thể hiện sự hòa hợp trong tôn giáo qua nhiều giai đoạn lịch sử, lối kiến trúc hình chữ Tam với những bức hoành phi, câu đối và các vật bài trí linh thiêng trong đền. Khi đến với đền Ngọc Sơn bạn sẽ phải mua vé với giá là: 30.000VNĐ/ người lớn và 15.000VNĐ/ trẻ em.

Tháp Bút – Đài Nghiên

Một địa danh tham quan nổi bật khác ngay gần cầu Thê Húc là Tháp Bút và Đài Nghiên, nằm trên bờ hồ Gươm theo hướng Đông Bắc, được xây dựng vào năm 1865. Đây là một biểu tượng tiêu biểu của văn chương Việt Nam, gồm 5 tầng, trên đỉnh là hình ảnh một ngòi bút hướng thẳng lên trời. Phần thân của tháp được khắc 3 chữ “Tả Thanh Thiên”, nghĩa là “viết lên trời xanh”, còn thân tầng thứ ba có khắc một bài thơ “Bút Tháp Chí”.

Tháp Rùa

Cụm di tích cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa từ lâu đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của thủ đô ngàn năm văn hiến Hà Nội. Trong đó, Tháp Rùa được xây dựng trên một gò đất nhỏ rộng khoảng 350m2, từ giữa 1884 đến tháng 4 năm 1886 và nằm chính giữa hồ Hoàn Kiếm. Tháp Rùa có thiết kế mang một hơi hướng kiến trúc Châu Âu do được xây vào thời Pháp thuộc. Tháp cao ba tầng và nhỏ dần từ chân lên đến đỉnh. Tầng trên cùng được thiết kế trông như một chiếc vọng lâu, bên trên chiếc cửa tròn của tầng ba có chữ Quy Sơn Tháp, có nghĩa là tháp Núi Rùa.

Ngoài các địa điểm trên, bạn có thể tham quan và mua sắm ở một số nơi gần đó như: Nhà hát lớn Hà Nội, phố Cổ Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, phố Hàng Mã, Tràng Tiền Plaza,..

Cầu Thê Húc cùng với di tích Đền Ngọc Sơn và những cảnh quan quanh hồ Hoàn Kiếm từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa không thể thiếu của người dân Hà Thành. Cho dù bạn là người Hà Nội hay không thì cũng hãy một lần ghé thăm cây cầu này để cảm nhận dòng chảy lịch sử vẫn tiếp nối bao đời nay bạn nhé!