Chú của tôi lúc còn tại thế, thường ước ao “ Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng…”


Bởi lẽ, chim Bồ câu luôn được mọi người cho là biểu tượng của hoà bình, hữu nghị, đoàn kết thậm chí là cả tình yêu. Điển hình, trên quảng trường của nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới đều nuôi chim bồ câu hoặc dựng tượng đài của loài chim này.


Chim bồ câu có ngoại hình xinh xắn, đôi mắt trong suốt ngây thơ, hiền lành, gần gũi với con người….Và chúng tôi đã gọi nhau như thế trong suốt cuộc hành trình du lịch trải nghiệm Cambodia – Phú Quốc – 9 tỉnh miền Tây Nam bộ vào ngày 14/6/2017 – 27/6/2017 do Vietravel tổ chức

Một chị bồ câu đầu đàn, từ bên trời tây đã cất tiếng hót vang thấu cả trời xanh, từ Bắc chí Nam, từng đàn bồ câu văn nghệ sĩ bay về tụ họp, để rồi chúng tôi đoàn kết, yêu thương, sẻ chia lẫn nhau tiếng hát, tiếng cuời, làm nên kỳ tích cho chuyến “Bồ câu phiêu lưu ký”

Một người chị….không biết dùng lời gì để diễn tả, mặc dù vốn từ điển trong đầu tôi tạm gọi là dồi dào. Chị đã cho chúng tôi được trở về tuổi trẻ, “vui hết mức, chơi hết mình” quên đi cả tuổi tác trung niên hiện tại, quên đi những bọc thuốc giắt theo trong người. Tôi không khoa trương, sáo rỗng thần tượng, vì cách đối xử của chị luôn ân cần, chăm sóc chu đáo mọi người từ cái ăn đến giấc ngủ.

Hai chim bồ câu chị là Nguyễn Thị Thuý Ngoan và Nguyễn Bính Hồng Cầu tựa như pha lê dễ vỡ, đi bên hai chị, tôi chợt cảm thấy mình là nữ trung hào kiệt, cần phải bảo vệ hai người trên mọi nẻo đường. Một bồ câu Trần Thu Hương điềm đạm, ngay thẳng, mang dáng dấp của nhà mô phạm, theo sát mọi người như giữ học trò. Bồ câu mệnh phụ Bảo Lan yểu điệu thục nữ, có tiếng nói, tiếng hát vùng Kinh Bắc như chim hót líu lo. Thiếu nữ Trần Mai Hường đầy cá tính, nhiệt huyết sôi động, xuất hiện nơi nào âm u thì nơi đó rực sáng, nơi nào tĩnh lặng thì nơi đó sẽ ồn ào. Bài hát “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy…” vùng đất chín rồng, đích thị là tên của Chín, cô nàng hoa hậu bốc lửa, vui tính, yêu và phục tùng chàng bồ câu hiệp sĩ Don Quijote Bạch Đằng Giang tài ba, lịch lãm, tốt bụng, tuôn trào những vần thơ lục bát. Một chị bồ câu cần cù, vui vẻ luôn nở nụ cười trên khuôn mặt, chị đứng hàng thứ hai trong ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đầu năm cặp vợ chồng Bình + Nghĩa đến nhà, có lẽ suốt năm gia chủ nhận được sự bình an, an nhiên tự tại. Bác bồ câu hoạ sĩ Nguyễn Hoàn Thiện một chàng trai luôn khát vọng, khắc khoải về một tình yêu “bao la, vô bờ bến” bác đi từ phía sau, người đi phía trước cũng cảm nhận được mùi thơm nực nồng của thuốc 555. Chàng hiệp sĩ Hương Thảo Nguyên trầm lặng, ít nói, nhưng lại xông xáo, luôn xuất hiện kịp thời để giải cứu giúp đỡ mọi người, do chiếc va li quá nặng. Tôi cũng không quên con bồ câu hay đi lạc là Nguyễn Tất Hanh, chàng họa sĩ này rất thích khám phá, vô tư len lỏi vào các hang cùng, ngõ hẻm, tìm cảnh non bồng thiên thai, để rồi quên mất lối ra, đi với anh chàng này, tôi có cảm giác mình đã lớn rồi đấy, để có thể bảo vệ cho chàng…vô điều kiện. Ôi sư phụ khí công Lâm Hải Phong đẹp trai, trực tính, là người luôn muốn mọi người sống dai, sống khoẻ, anh tha thiết mong mỏi các chim bồ câu hãy tập khí công như mình, để phòng tránh bệnh tật. Chú chim Trần Đức Lộc luôn trầm tính, kín đáo, nhưng cực kỳ tốt bụng, hễ thấy con bồ câu nào múa hát mà ko có ai like, thì chú like cho…bỏ ghét. Tôi là người đã từng chịu ơn mưa móc đó, mọi người ạ! Hai con chim non Đăng Minh và Minh Phương luôn ríu rít bên tai chim mẹ Thu Hoài, như dặn dò đừng đi đâu xa nhé! Cuối cùng là cậu bé hiền triết, dịch giả Nguyễn Ngọc Châu nhỏ tuổi nhất đoàn, cậu bồ câu này luôn chăm chỉ bày tỏ cảm xúc của mình vào chiếc điện thoại… Còn tôi? Con bồ câu có cái nghiệp biên kịch, luôn mở đôi mắt thật to…. nhìn và theo dõi những bước đi của mọi người, thế thôi ạ!

Chúng tôi vui lắm, đi tới đâu là tiếng cuời giòn tan tới đó, đôi mắt ngây thơ chưa kịp ngạc nhiên thì người hướng dẫn của Vietravel đã giải thích cặn kẽ. Ôi, một đơn vị tổ chức tour thật tuyệt!

Thế rồi đàn chim bồ câu bay đến Biển hồ Tonle Sap, tại đây chúng tôi đã chứng kiến những mảnh đời nghiệt ngã của người Việt lưu vong.

Tonle Sap – Cambodia mà người Việt quen gọi là Biển Hồ Campuchia, rộng khoảng 15.000km2, không nhìn thấy bờ, trải dài qua sáu tỉnh, thành Pursat, Battambang, Kompong Chahnang, Moung Roessei, Kampong Luong và Siem Reap. Đó là nơi sinh sống của hàng ngàn người Việt Nam với gần 600 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu.


Tổ tiên của họ theo dòng Mekong, từ Việt Nam ngược sông Tiền và sông Hậu dùng nghề chài lưới để mưu sinh. Nơi nào có cá thì dừng lại và nơi cuối cùng họ định cư là Biển Hồ Tonle Sap, một cái hồ rộng mênh mông như biển. Hàng ngàn người dân Việt Nam định cư trên Biển Hồ, trong đó có mấy ngàn hộ dân ở Siem Reap, đều là những cư dân vô thừa nhận dù họ can dự vào đời sống xã hội Campuchia từ bao đời nay trong vai trò người cung cấp cá, một thực phẩm quan trọng cho người dân nước này.


Tất cả họ không có quốc tịch Việt Nam vì là người Việt mất gốc, càng không một ai được nhập quốc tịch Campuchia của nước sở tại. Cuộc đời tồn tại với rất nhiều cái “không”, như: Không trạm y tế, không trường học, không giấy tờ tùy thân, không quốc tịch, không điện, nước, không biết đi giầy, dép… Đau đớn thay! Khi họ ở trên biển hồ nước ngọt nhưng không có nước sạch để dùng, nước lại đục ngầu lợn cợn bùn, rác. Chất thải của hàng ngàn con người hàng ngày xả thẳng xuống Biển Hồ, bà con sử dụng nguồn nước ấy để ăn uống, sinh hoạt. Hễ có người đau ốm là phải chuyển vào bờ vì nơi này không có trạm y tế. Đã vậy, họ khổ đến mức… chết cũng không có chỗ chôn, nếu vào mùa nước nổi phải treo xác chết trên bè, chờ nước rút mới mang vào bờ hỏa táng hoặc chôn trên đất chùa. Ngụ cư trên Biển Hồ, cách xa đất liền, cộng đồng người Việt sống như một tộc người biệt lập với thế giới bên ngoài, không tương lai, đói khổ lại quanh năm đeo bám. Bởi lẽ, đánh cá ở Biển Hồ không phải là nghề có thể dễ dàng đổi đời. Cho dù ông bà xưa thường nói “ Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” hoặc “Rừng vàng, biển bạc” e rằng không đúng lắm với những “Việt kiều” này.


Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên Biển Hồ, chính phủ Campuchia quy định một năm chỉ được đánh cá sáu tháng, sáu tháng còn lại… ngồi chơi. Họ không thể lên bờ làm thêm vì không có giấy tờ tùy thân. Nhiều người không còn đường mưu sinh đành dẹp bỏ lòng tự trọng, chèo kéo, xin tiền các du khách.


Bao câu hỏi tôi tự đặt ra mà không có câu trả lời, từ Biển Hồ xuôi theo dòng Tonle Sap để về An Giang và Đồng Tháp chưa đầy 300km, dẫu quê mẹ chưa giàu có lắm nhưng vẫn có đủ cơm no, áo ấm, trẻ em luôn được tạo điều kiện học hành, chăm sóc, yêu thương. Tại sao lại không quay trở về quê hương? Tại sao nước bạn không mở lòng với những số phận tha hương của dân Việt? Trên năm trăm nóc nhà lợp bằng tole rách, lá dừa, lụp xụp, tuềnh toàng  Gọi là nhà cho oai, có căn chỉ là chiếc thuyền cũ rách nát, neo chơi vơi giữa hồ. Ngư dân đóng bè neo chặt trên mặt nước rồi dựng chòi thấp lè tè, che chắn tạm bợ đề phòng giông lốc. Họ cho biết có hôm gió lớn, cả nhà phải nhảy xuống nước níu giữ để chiếc bè không bị cuốn trôi.


Cuộc sống ở đây “cực kỳ lênh đênh” bằng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.


Lênh đênh mùa nắng thì phải dời nhà ra giữa dòng, mùa mưa lại tìm nơi có nhiều bụi cây um tùm để neo nhà núp gió. Lênh đênh cho những cuộc đời gặp nhau, ghép đôi mà nên vợ nên chồng, thêm con thêm cái. Lênh đênh trên chiếc giường ghe cùng đàn con nheo nhóc. Lênh đênh với cuộc sống nổi trôi, chẳng cần biết đến ngày mai như lời nói của một phụ nữ, chị có sáu đứa con, ba đứa lớn đang mò cua, bắt ốc, còn ba đứa nhỏ ngồi trên ghe theo chị xin tiền.Tôi hỏi nhanh khi tiếp cận. “Cuộc sống khó khăn mà sao chị sinh con nhiều quá vậy?” Sau giây phút e ngại, người phụ nữ mạnh dạn “Ở đây hổng có gì chơi…ngủ sớm…kệ mà!” Tôi chợt hiểu.


Trời đã quá trưa, cái nắng rát bỏng của đất Cambodia thiêu cháy da thịt, nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều trẻ em, theo chân những bà mẹ chèo ghe đu bám xung quanh các thuyền du lịch để xin tiền du khách. Đứa trẻ nào cũng gày gò, đen nhẻm, rách rưới, có đứa tay chân quặt quẹo, ốm yếu. Cuộc sống đã cuốn những người cha, người mẹ kia vào vòng xoáy mưu sinh với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đoàn du khách chúng tôi, không ai cầm được nước mắt.


Một nỗi buồn man mác cứ đeo đẳng mãi trong tôi với những khuôn mặt trẻ thơ ngơ ngác, u hoài. Dù rằng tha hương cầu thực thì chẳng thể có niềm vui, nhưng chẳng chốn nào buồn như chốn này. Những chiếc thuyền ăn xin với những cánh tay đen nhẻm chìa ra, một cảm giác đau xót choáng ngợp tâm trí tôi.


Tạm biệt Biển Hồ Tonle Sap, trời chiều nhạt nhòa mưa trên khoé mắt. Lòng chúng tôi như thắt lại, nặng trĩu với bao câu hỏi, bao nỗi niềm khó tả. Có lẽ, đó là nước mắt cho những số phận tha hương, những con người trôi nổi.


Rồi mai đây, những thế hệ trẻ thơ lại đi đâu, về đâu, hay tiếp tục trôi nổi như cha mẹ chúng, như những chiếc thuyền trôi trên Biển Hồ Tonle Sap bao la, rộng lớn…

Những kỷ niệm đong đầy, khó quên trong chuyến hành trình “Bồ câu phiêu lưu ký” của tôi là thế đấy!