Trẻ sơ sinh bị táo bón vẫn có nguy cơ xảy ra dù bé bú mẹ hoàn toàn hay dùng sữa công thức. Đặc biệt với trẻ càng nhỏ, cần phát hiện và cải thiện thật sớm, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm do táo bón để lại. Các giải pháp áp dụng chữa táo bón cho trẻ sơ sinh cần đảm bảo an toàn, hiệu quả và hỗ trợ triệt để. Tránh để tình trạng tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.

Xử trí táo bón cho trẻ sơ sinh tại nhà

1. Tần suất đại tiện bình thường của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Tần suất đại tiện thường được coi là một trong số những tiêu chuẩn xác định táo bón ở người trưởng thành. Nhưng đây cũng là đặc điểm được các bậc cha mẹ quan tâm đến nhiều nhất, và cũng hay thay đổi nhất ở trẻ. Nhiều chuyên gia thường không quan tâm nhiều tới tần suất đại tiện ở trẻ sơ sinh. Mà thay vào đó, họ sẽ quan tâm nhiều hơn về tính chất phân và cảm giác của bé.

  • Sẽ có bé đi 2-3 lần một ngày, nhưng có bé đại tiện 7 lần một ngày.
  • Nếu bé đi 2 – 3 lần/ngày mà phân vẫn mềm và bé không đau thì chức năng tiêu hóa của bé vẫn bình thường.

Với trẻ sơ sinh, tính chất phân là yếu tố quan trọng nhất chẩn đoán xác định táo bón

Trẻ bú mẹ có xu hướng đại tiện nhiều hơn trong những ngày đầu sau khi sinh, nhưng ngay cả trẻ bú mẹ cũng có thể đi tiêu không thường xuyên. Nếu trẻ sơ sinh không cảm thấy bị đau và phân mềm thì mẹ không cần thiết phải thay đổi chế độ ăn hoặc có biện pháp điều trị đối với trẻ sơ sinh.

Thay vào đó mẹ hãy so với chính bé thời gian trước, khi hệ thống tiêu hóa của bé hoạt động bình thường. Nếu em bé của bạn bình thường đều đi tiêu mỗi ngày, nhưng nay đã 2-3 ngày chưa đi. Đó có thể là dấu hiệu của táo bón.

Tần số đại tiện có thể thay đổi từ bé này sang bé khác. Vì vậy các mẹ đừng so sánh bé với “bé khác”. Thay vào đó hãy so tần suất đại tiện của bé với chính bé, so tính chất phân và đánh giá cả cảm giác của bé.

2. Cách nhận biết trẻ sơ sinh bị táo bón

2.1. Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh táo bón

Không khó để xác định xem bé có bị táo bón hay không. Với các bác sĩ Nhi khoa để xác định bé có bị táo bón hay không, họ thường dùng tiêu chuẩn Rome IV để đánh giá. Chỉ cần có ít nhất 2 điều kiện dưới đây xảy ra ít nhất 1 lần/ tuần trong tối thiểu một tháng thì bé được chẩn đoán là táo bón.

  • ≤ 2 lần đại tiện mỗi tuần;
  • Đại tiện khó khăn, trẻ rặn nhiều;
  • Phân khô cứng;

Tuy nhiên, với bác sĩ có kinh nghiệm, chỉ cần 2 triệu chứng tần suất đi đại tiện ≤ 2 lần một tuần và phân có độ sệt, cứng, khô và giống thành khuôn hoặc có vết nứt trên bề mặt, đã có thể đánh giá trẻ bị táo bón.

Biểu hiện khi trẻ táo bón

Với trẻ dưới 1 tuổi, tình trạng táo bón của trẻ có thể do trẻ bú sữa công thức hoặc đang bú sữa mẹ mới bắt đầu chuyển sang chế độ ăn dặm. Khi đó, hệ tiêu hóa của bé chứ kịp thích nghi. Mẹ có thể bắt gặp các triệu chứng như:

  • Phân nhỏ, phân cứng, khô
  • Bé khó đi ra phân, bé nhăn mặt, rên rỉ hoặc khóc khi ngồi bô
  • Số lần đi cầu ít lại.
  • Bụng cứng và săn chắc, đầy hơi chướng bụng.
  • Biểu hiện căng thẳng, khó chịu khi đi ngoài, thậm chí quấy khóc
  • Trẻ lười bú mẹ, biếng ăn.
  • Phân có thể lẫn máu (phân cứng làm rách một số mô hậu môn khi nó đi qua)

Đối với trẻ sơ sinh, số lần đi ngoài thay đổi rất lớn theo tuần tuổi và tháng tuổi. Số lần đi ngoài của trẻ không phải lúc nào cũng là dấu hiệu chính xác của táo bón. Khi bị táo bón, phân trẻ sẽ nhỏ, cứng, khô, trẻ có thể căng thẳng, thậm chí quấy khóc,…

2.2. Phân biệt táo bón và giãn ruột sinh lý

Hiện tượng giãn ruột sinh lý của trẻ là quá trình phát triển tăng thể tích của ruột hơn mức bình thường. Theo cách gọi thông thường đây là hiện tượng giãn ruột hay giãn ruột sinh lý. Hiện tượng giãn ruột sinh lý thường xảy ra với bé sau 2 tháng chào đời. Tuy nhiên thời gian xảy ra ở một số trẻ là khác nhau, có những bé xuất hiện sớm ngay khi bắt đầu bước sang tháng thứ 2 và có thể chênh lệch lên 2,5 – 3 tháng tùy từng bé. Tuy nhiên mẹ không cần quá lo lắng vì đây là tình trạng sinh lý hoàn toàn không gây hại tới sức khỏe của trẻ.

Để phân biệt táo bón và giãn ruột sinh lý, bạn có thể dựa vào những đặc điểm sau đây:

♦ Giãn ruột sinh lý:

Đây là hiện tượng sinh lý xảy ra với trẻ khoảng 2 tháng tuổi với biểu hiện:

  • Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn có thể kéo dài 3-5 ngày thậm chí 7-10 ngày không đại tiện,
  • Đối với trẻ ăn sữa bột công thức có thể kéo dài 3-5 ngày không đi ị.
  • Phân bé vẫn mềm, đều màu và không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào.
  • Bé vẫn ăn ngủ tốt và mọi sinh hoạt của bé không có dấu hiệu bất thường hoặc khó khăn nào.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị táo bón: Nguyên nhân, xử lý và phòng ngừa (imiale.com)