From www.home.vnn.vn/gocyte


Trẻ biếng ăn: Nguyên nhân và cách chăm sóc




Biếng ăn là hiện tượng mất hoặc giảm cảm giác thèm ăn, trẻ ăn ít hơn bình thường hoặc chỉ ăn rất ít một vài loại thức ăn, thậm chí không chịu ăn, sợ ăn hay nôn ọe khi nhìn thấy thức ăn.



Biếng ăn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả những trẻ khỏe mạnh, phát triển thể chất bình thường. Nguy cơ biếng ăn sẽ cao hơn đối với những trẻ mắc bệnh.



Nguyên nhân biếng ăn



Biếng ăn do dinh dưỡng không hợp lý



- Cho trẻ ăn quá nhiều trong mỗi bữa ăn hoặc ăn quá nhiều bữa dẫn đến ức chế bài tiết các men tiêu hóa, đồng thời làm cho trẻ sợ ăn.



- Trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ít bị biếng ăn nhưng có thể biếng ăn ở thời kỳ ăn bổ sung do thay đổi chế độ ăn, ngoài bú mẹ, trẻ bắt đầu ăn bột, thức ăn hoàn toàn mới lạ, trẻ hay bị biếng ăn kéo dài cho đến khi quen với chế độ ăn mới.



- Cách chế biến thức ăn đơn điệu, ít thay đổi món ăn, không phù hợp với khẩu vị của trẻ cũng làm trẻ biếng ăn.



- Ngoài ra, biếng ăn là do chế độ ăn thiếu hụt vi chất dinh dưỡng như vitamin A, B1, C và các vi khoáng như kẽm, sắt, đồng...



Biếng ăn do yếu tố tâm lý



Thường gặp ở những trẻ hay hờn dỗi, dễ khóc, dễ xúc cảm.



- Do thay đổi môi trường, giờ ăn, nơi ăn, người cho ăn, nhất là trẻ phải xa mẹ dễ gây sang chấn tinh thần làm trẻ không muốn ăn.



- Những trẻ là con một hoặc con út thường được bố mẹ quá nuông chiều, hoặc bắt ép ăn gây tâm lý sợ hãi khi ăn.



- Một số trẻ biếng ăn là do thái độ cư xử của bố mẹ lạnh nhạt với trẻ hoặc quát mắng, dọa dẫm trẻ trong khi ăn gây ức chế sự thèm ăn.



- Biếng ăn có thể gặp ở những trẻ sống trong gia đình bố mẹ ly dị, hay cãi cọ xích mích, thiếu tình cảm, ít chăm sóc trẻ.



Biếng ăn do bệnh lý



- Biếng ăn là triệu chứng thường gặp ở hầu hết trẻ bị bệnh, phổ biến nhất là các bệnh nhiễm khuẩn. Khi bị nhiễm khuẩn dù nhẹ hay nặng, cấp tính hay mạn tính đều ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa làm trẻ biếng ăn.



- Biếng ăn cũng thường là biểu hiện sớm của bệnh về tiêu hóa, hay kèm nôn trớ, táo bón hoặc tiêu chảy. Các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp là tiêu chảy, viêm đường hô hấp, tai mũi họng, tiết niệu, giun sán... Các bệnh nhiễm khuẩn mạn tính như sốt rét, lao... hay gây chứng biếng ăn kéo dài.



Biếng ăn do thuốc



Biếng ăn có thể gặp ở những trẻ dùng thuốc như sử dụng kháng sinh kéo dài, uống viên sắt, uống vitamin A, D quá liều. Ngừng thuốc sẽ hết biếng ăn.



Biếng ăn sinh lý hoặc giả biếng ăn



- Trẻ mọc răng thường hay quấy khóc, khó chịu và biếng ăn, nhất là lần mọc răng đầu tiên. Biếng ăn xuất hiện trong vài tuần và hết khi răng mọc. Đây chỉ là triệu chứng nhất thời không cần điều trị.



- Trẻ tưa miệng, viêm loét lưỡi không muốn ăn vì sợ đau. Trẻ bị ho gà sợ ăn vào sẽ kích thích ho.



- Trẻ đẻ nhẹ cân (dưới 2.500g) phản xạ bú và nuốt kém, chưa phối hợp được động tác bú và thở.



Nguyên nhân biếng ăn rất đa dạng, có thể do nhiều yếu tố kết hợp.



Hậu quả của biếng ăn



- Giảm số lượng thức ăn đưa vào cơ thể làm cho trẻ sụt cân, chậm lớn, thường dẫn đến suy dinh dưỡng do thiếu protein - năng lượng và các vi chất dinh dưỡng. Trẻ thiếu dinh dưỡng thường dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.



- Biếng ăn còn ảnh hưởng đến phát triển tinh thần của trẻ. Trẻ ít năng động, giảm khả năng nhận biết, thiếu tập trung, kết quả học tập kém.



Chăm sóc trẻ biếng ăn



Khi thấy trẻ biếng ăn cần tìm nguyên nhân và can thiệp sớm, điều cơ bản là cần kết hợp chăm sóc dinh dưỡng và chăm sóc tâm lý.



Chăm sóc dinh dưỡng



- Trẻ đang bú mẹ thì cho bú nhiều lần hơn bình thường. Nếu trẻ đã ăn bổ sung thì phải bảo đảm bữa ăn có đủ các nhóm thực phẩm (ngũ cốc + đạm động vật hoặc đậu đỗ + rau xanh + dầu mỡ) và chia làm nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít.



- Nếu trẻ đã cai sữa thì hằng ngày cho uống thêm 1-2 cốc sữa có năng lượng cao và các dưỡng chất cần thiết, giúp trẻ đuổi kịp đà tăng trưởng.



- Khi cho trẻ ăn những món ăn mới lạ thì phải tập dần cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, xen kẽ giữa thức ăn mới và cũ.



- Chế biến món ăn phù hợp khẩu vị và theo lứa tuổi, thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.



- Không để trẻ nhịn đói vì sẽ làm cho trẻ mệt mỏi lại càng không muốn ăn.



- Không nên cho trẻ uống nước ngọt, ăn bánh kẹo trước bữa ăn, vì những thức ăn này tạo cảm giác no làm trẻ chán ăn.



- Hạn chế ăn quà vặt.



- Cần lưu ý cho trẻ uống thêm nước hoa quả để cung cấp vitamin và khoáng chất.



Chăm sóc tâm lý



- Cho trẻ ăn những thức ăn theo sở thích. Không nhồi nhét, ép buộc trẻ ăn gây tâm lý sợ hãi khi ăn.



- Nếu trẻ có phản xạ sợ khi nhìn thấy thức ăn thì cho trẻ chơi, làm quen dần với thức ăn bằng cách bạn ăn cùng với trẻ, cho trẻ chơi với thìa để quen với dụng cụ cho ăn.



- Tạo cho trẻ không khí vui vẻ, thoải mái trong bữa ăn, khi trẻ có khả năng ăn cùng mâm với gia đình thì cho trẻ cùng ăn càng sớm càng tốt.



- Trò chuyện và đối xử với trẻ như người lớn vì trẻ luôn muốn được thể hiện chính mình về cách ăn uống (món ăn, giờ ăn, nơi ăn...).



- Động viên, khen ngợi khi trẻ có những biểu hiện tích cực, kích thích trẻ ăn ngon miệng.



- Điều quan trọng là bố mẹ nên gương mẫu trong cách ăn uống để dạy trẻ.



Chăm sóc trẻ bệnh biếng ăn



Biếng ăn ở trẻ bệnh có ảnh hưởng nhiều đến tình trạng dinh dưỡng, trẻ dễ sụt cân nhanh. Cho trẻ chế độ ăn tăng dần protein - năng lượng, bữa ăn có đủ 4 nhóm thực phẩm. Bột, cháo, súp nấu loãng hơn bình thường; uống thêm sữa, nước quả. Động viên khuyến khích trẻ ăn đủ lượng thức ăn.



Khi trẻ khỏi bệnh thì cho ăn thêm mỗi ngày một bữa và kéo dài trong vài tuần với chế độ ăn giàu protein (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ) và giàu năng lượng (dầu, mỡ) để trẻ đuổi kịp sự tăng trưởng bình thường theo lứa tuổi.