Trẻ có bệnh TMH: Khám ngay để ngừa viêm màng não


Đứng cạnh giường bệnh con gái, chị T., mẹ của cháu N.T.T. H, 8 tuổi, ngụ ở Thống Nhất, Đồng Nai, nghẹn ngào kể: Ba năm nay, cháu H. bị chảy mủ tai nhưng gia đình nghèo nên lúc có tiền chị mới mua thuốc cho cháu uống, lúc hết tiền lại thôi. Vì thế, bệnh của H. cứ tái đi tái lại nhiều lần.


Ngày 16-12, bỗng nhiên cháu H. bị nhức đầu, nôn ói. Tưởng cháu chỉ bị cảm nên chị T. tự mua thuốc về cho H. uống. Ba ngày sau, H. rơi vào tình trạng hôn mê. Lúc này, chị mới đưa cháu đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán: cháu bị bệnh viêm màng não mủ.


Bệnh nhân tăng gấp đôi


Những ngày gần đây, số trẻ mắc bệnh viêm màng não nhập viện điều trị tại BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 gia tăng rõ rệt. Ngày 22-12, tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 có 32 trẻ mắc bệnh viêm màng não đang nằm điều trị, tăng gấp 2 lần so với các tháng trước đó. Theo dự đoán của bác sĩ Trần Thị Việt, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, bệnh viêm màng não có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Dù chưa xác định được nguyên nhân khiến bệnh viêm màng não gia tăng trong thời gian này nhưng bác sĩ Việt nghĩ nhiều đến khả năng thời tiết chuyển lạnh nên thuận tiện cho loại siêu vi gây bệnh viêm màng não phát triển. Cùng ngày, tại Khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi Đồng 1 có tới 40 trẻ mắc bệnh viêm màng não nằm điều trị, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa, cho biết từ đầu năm đến nay BV Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận điều trị cho gần 900 trẻ mắc bệnh viêm màng não.


Theo bác sĩ Việt, bệnh viêm màng não được chia thành nhiều loại nhưng trong thực tế thường gặp 2 loại. Đó là viêm màng não siêu vi (do siêu vi gây ra) và viêm màng não mủ (do vi trùng gây ra). Dù 2 loại bệnh này có nguyên nhân, cách điều trị khác nhau nhưng lại cùng có triệu chứng nhức đầu, sốt, ói, lừ đừ, bỏ ăn. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết trong tổng số trẻ mắc bệnh viêm màng não đang nằm điều trị tại Khoa Nhiễm -Thần kinh BV Nhi Đồng 1, số trẻ mắc bệnh viêm màng não do siêu vi chiếm 30%, số còn lại là viêm màng não mủ.


Trẻ mắc bệnh tai mũi họng: Cần điều trị ngay


Bác sĩ Trần Thị Việt nhận xét: Viêm màng não do siêu vi lành tính hơn viêm màng não mủ. Viêm màng não do siêu vi không cần điều trị bằng thuốc kháng sinh và có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy vậy, vẫn cần phải cho trẻ đến BV điều trị để ngăn chặn kịp thời các biến chứng có thể xảy ra như co giật, ảnh hưởng đến thần kinh.


Viêm màng não mủ do vi trùng từ đường hô hấp (viêm họng, viêm tai, viêm mũi) xâm nhập vào não gây viêm màng não mủ. Loại bệnh này được đánh giá là khá nguy hiểm vì nếu điều trị trễ có thể ảnh hưởng tới não bộ, gây áp xe não (sẽ phải mổ não để lấy mủ ra), co giật, hôn mê, tử vong. Về lâu dài có thể điếc, rối loạn tâm thần vận động. Triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ nhỏ (dưới 12 tháng tuổi) rất khó chẩn đoán. Bệnh có thể khởi đầu bằng các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên và nhanh chóng diễn tiến thành viêm màng não mủ trong vài giờ. Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý với những trẻ có bệnh lý về tai mũi họng, đặc biệt bị chảy mủ ở tai phải được điều trị sớm vì đây chính là nguyên nhân gây bệnh. Khi trẻ có biểu hiện sốt, ói, nhức đầu phải đưa trẻ đến BV khám bệnh xem trẻ có bị viêm màng não hay không. Còn khi trẻ hôn mê, co giật (đã có biến chứng ở não bộ) phải đưa trẻ đến BV ngay.


Cách phòng tốt nhất là chích ngừa


Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh cách phòng ngừa bệnh viêm màng não hữu hiệu nhất là chích ngừa cho trẻ. 90% số trẻ mắc bệnh viêm màng não do 3 tác nhân: Haemophilus influenzae type B (HIB), não mô cầu, phế cầu gây ra. Hiện nay, tại nước ta đã có thuốc chích ngừa HIB và não mô cầu. Trẻ từ 3 tháng tuổi đến 5 tuổi có thể chích ngừa được. Trẻ dưới 12 tháng tuổi: chích 3 mũi. Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 3 tuổi: chích 2 mũi. Trẻ từ 3 đến 5 tuổi: chích 1 mũi.