Vái tứ phương



Lâu lắm rồi tôi mới nhận được cuộc điện thoại từ một người bạn từ miền Trung. Đó là một cậu bạn chơi khá thân từ hồi cấp III. Chúng tôi chơi với nhau từ hồi cấp II và lên cấp III vẫn chơi với nhau khá tốt. Đến đại học thì mỗi đứa đi một ngả. Sau một thời gian thì cậu ấy chuyển vào trong Huế sinh sống cùng với gia đình.



Nhận được điện thoại của cậu bạn, tôi rất vui và khá ngạc nhiên vì lâu lắm chúng tôi mới có cuộc trò chuyện. Nhưng sau đó là một vấn đề làm cho cậu bạn đau đầu.



Chả là thằng bé lớn nhà cậu bạn đang bị tiêu chảy kéo dài lâu quá. Đợt trước, em bé bị đau tai, đưa nó tới khám chỗ bệnh viện, bác sỹ soi tai bảo nó bị viêm tai giữa và có mủ. Điều trị thuốc thang, nhùng nhằng mãi tới tận 2 tuần mới khỏi. Trong khi đang điều trị kháng sinh, thằng bé tiêu chảy dữ lắm. Một ngày, cháu đi đại tiện phải tới 6-7 lần. Lần nào cũng phân xanh, mùi tanh và nhiều nước. Vừa mới thay quần, nhoáng cái lại phải thay cái nữa. Có lần, thay quần quá tải phải đóng bỉm cho cháu. Đi khám lại, bác sỹ bảo do kháng sinh và tiếp tục dùng thuốc, sử dụng thêm men tiêu hóa vi sinh uống kèm. Nó chỉ giảm chứ không hết tiêu chảy hẳn.



Điều làm cho anh bạn tôi lo lắng là tình trạng tiêu chảy của cháu cứ kéo dài. Lẽ ra, sau khi điều trị tai giữa xong phải hết tiêu chảy. Đằng này, giờ cháu nó vẫn còn. Mỗi ngày đi không nhiều, chỉ chừng độ 2-3 lần là cùng. Nhưng phân lần nào cũng nhão nhoét và có mùi hơi chua.



Cũng đã nghe theo bác sỹ, anh cũng đã cho uống men tiêu hóa nhưng chưa thấy đỡ bệnh. Do quá sốt ruột nên chừng độ 5 ngày sau, anh cho tới thầy lang bốc thuốc. Vì nghe đâu vị thầy lang xã kế bên có bài thuốc hay lắm. Có thể chữa trị cho táo thành lỏng, lỏng thành táo, có thể biến một đứa trẻ biếng ăn thành một đứa trẻ ham ăn. Anh hăm hở vác con đến nhà ông lang. Ông sờ sờ, nắn bóp sau đó đưa cho anh 5 gói cao đặc về bảo mỗi ngày lấy ra 1 nửa gói cao cho cháu bé uống. Anh vui vẻ làm theo. Nhưng sau khi dùng cao xong, bé vẫn tiêu chảy, vẫn đi 3 lần/ngày và phân có mùi chua khẳm. A lại thôi không dùng cao chuyển sang dùng các loại lá lẩu tự chế như lá ổi, cỏ sửa. Nhìn chung, ai mách cái gì anh đều làm theo hết. Nhưng đến nay, đã cho cháu uống đến ngày thứ 5-6 rồi mà cháu vẫn y hệt như thế. Bất lực quá, anh đành gọi điện cho tôi.



Nghe qua tình hình, tôi đã biết cháu bé nhà anh bị rối loạn hệ tiêu hóa do sử dụng kháng sinh kéo dài. Việc cần kíp bây giờ là bình ổn đường ruột của cháu bé.



Cách xử lý



Bị bệnh, uống kháng sinh, đó là điều không cần bàn. Nhiều trẻ em và một số người lớn tuổi khi uống kháng sinh bị tiêu chảy. Có mấy nguyên nhân gây ra tình trạng này. Một, kháng sinh làm chết vi khuẩn gây bệnh đồng thời cũng làm chết luôn vi khuẩn có ích trong ruột. Vì thế, hệ vi khuẩn trong ruột bị rối loạn và do đó, bé bị tiêu chảy. Hai, kháng sinh không can thiệp vào vi khuẩn ruột nhưng thuốc đi kèm kháng sinh lại tương tác với vi khuẩn ruột. Do đó, cũng làm rối loạn hệ vi khuẩn ruột và cũng gây tiêu chảy. Việc rối loạn tiêu hóa do sử dụng kháng sinh thường là nhẹ, bé chỉ đi bô ngày chừng 3-4 lần, ít khi có trường hợp bị tiêu chảy nặng tới 8-10 lần. Khi có tiêu chảy xuất hiện nhiều như vậy, cần suy nghĩ tới tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa đồng nhiễm đi kèm. Sau đó, ngừng kháng sinh thì tình trạng tiêu chảy giảm dần và tiến tới hồi phục.



Nhưng một số em bé lại không chịu đi theo quy luật này, cứ tiêu chảy mãi không thôi và làm cho bố mẹ rất bất an. Vậy bố mẹ sẽ làm thế nào đây?



Có rất nhiều việc bố mẹ làm được để gắng giúp cho con.



Thứ nhất, chế độ ăn phải thay đổi hoàn toàn. Cả mẹ và con (nếu mẹ đang cho con bú) phải ngừng việc ăn đồ tanh và đồ béo. Tất cả những đồ tanh, béo phải loại trừ ra mâm cơm. Tôm, cua, cá, ốc, ếch, trứng…phải bị biến mất. Thay vào đó, mẹ sẽ sử dụng tinh bột là chính, thịt lợn nạc và thịt bò để ăn thay thế. Rau củ quả nên sử dụng cà rốt, bí ngô, rau ngót, khoai tây…những thứ có thể làm se phân. Trong chế độ ăn cần loại bỏ các thức ăn lạ, thức ăn gây dị ứng, thức ăn mới thử nghiệm.



Thứ hai, cần bổ sung men tiêu hóa vi sinh dạng gói hoặc dạng ống. Bạn cần phải kiên trì cho bé uống. Vì có bé đáp ứng nhanh và có bé đáp ứng chậm. Bạn chọn loại nào cũng được, gói hay ống đều được cả. Chủ điểm của những loại men vi sinh này là bổ sung thêm một ít vi khuẩn có lợi ở trong ruột non và phần nhiều bổ sung các vi khuẩn cư trú ở ruột già. Chúng sẽ tăng cường khả năng tương tác và làm giảm tiêu chảy cho con bạn.



Bạn cũng có thể sử dụng thêm smecta, loại thuốc ít tác dụng phụ và làm băng xe niêm mạc, hữu ích cho việc làm giảm số lần tiêu chảy cho bé. Việc sử dụng smecta nhất định cần sử dụng đi kèm men tiêu hóa vi sinh. Không chỉ nên dùng smecta đơn thuần.



Thứ ba, cần ngừng hoàn toàn các liệu pháp điều trị ngoài luồng như cao đặc, cao lỏng, nước lá này lá khác. Chúng tôi không cho là các chế phẩm đó không có tác dụng điều trị song việc đảm bảo vệ sinh là rất khó. Vì thế, có khả năng xảy ra, một chế phẩm bổ sung bên ngoài có thể làm se phân nhưng lại vô tình làm nhiễm thêm vi khuẩn vào trong đường ruột thì thực sự tai hại.



Thứ tư, chế độ ăn của bé phải là chế độ nấu trực tiếp. Không ăn thức ăn thừa, không ăn thức ăn hâm nóng vi sóng, không ăn thức ăn hâm lại cách thủy, không ăn thức ăn nhai từ mẹ. Vì những cách chế biến này không hoàn toàn loại bỏ mầm bệnh tạp nhiễm từ bên ngoài.


Thứ năm, bạn cần ngừng tất cả các loại kẹo bánh, nước hoa quả, sữa tươi, sữa hút. Vì những thực phẩm này làm tăng gánh nặng thêm cho hệ tiêu hóa và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bên ngoài trong quá trình chế biến.



Nếu bạn áp dụng đầy đủ và bài bản, em bé của bạn sẽ ổn định trong vòng từ 3-7 ngày điều trị hậu kháng sinh.



Xin mời xêm thêm:


http://www.webtretho.com/forum/f87/bac-sy-mach-nuoc-thu-be-can-kieng-neu-lo-tieu-chay-me-nhat-dinh-phai-nho-2417766/?utm_source=SubFanpage&utm_medium=FanpagePost&utm_campaign=LamMe


http://www.webtretho.com/forum/f87/bo-me-dung-mua-nhung-chiec-phao-boi-nay-cho-con-nua-no-se-giet-con-minh-day-2468155/?utm_source=SubFanpage&utm_medium=FanpagePost&utm_campaign=KNH


http://www.webtretho.com/forum/f87/dieu-tri-bai-nao-tai-hoa-do-thieu-hieu-biet-2400256/?utm_source=SubFanpage&utm_medium=FanpagePost&utm_campaign=LamMe


BS. Yên Lâm Phúc