Phát hiện và điều trị phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ em


Bệnh phình đại tràng bẩm sinh là bệnh bẩm sinh ở trẻ em không có đám rối thần kinh tự động ở đoạn đại tràng xích ma-trực tràng khiến đoạn đại tràng này biến thành một ống cứng, mất nhu động, hậu quả là đại tràng ở phía trên phình to ra, có khi chiếm gần hết khoang bụng.


Bệnh có tính di truyền, phần lớn gặp ở trẻ em nam.


Bệnh có thể xuất hiện khi mới đẻ, trẻ chậm đi ra phân su hoặc biểu hiện rõ sau tuần đầu với bệnh cảnh tắc ruột như nôn, bụng trướng, bí đại tiện. Nếu dùng ngón tay thăm trực tràng sẽ làm hơi và phân trào ra. Cũng có trường hợp bệnh không rầm rộ từ đầu, triệu chứng táo bón tăng dần kết hợp với bụng trướng. Sờ nắn đại tràng thấy nhiều cục phân rắn trong khi thăm trực tràng lại rỗng. Bệnh gây suy dinh dưỡng ở trẻ do hấp thụ thức ăn kém.


Gặp thể bệnh nhẹ, các triệu chứng ban đầu giảm dần, trẻ có thể lớn lên và trưởng thành.


Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào chụp Xquang bụng: nếu chụp không có thuốc cản quang thấy đại tràng căng trướng hơi. Nếu chụp có thuốc cản quang sẽ thấy đoạn đại tràng xích ma-trực tràng không co bóp trong khi đoạn đại tràng phía trên phình rất lớn.


Ðiều trị: Ðối với trường hợp có chỉ định mổ, cần nuôi dưỡng trẻ tốt, chờ cho trẻ đủ 1 tuổi trở lên mới mổ. Nuôi trẻ bằng thức ăn ít chất bã như sữa, nước thịt, nước rau quả. Ðể tháo phân có thể đặt một ống thông mềm cỡ to lên quá đoạn hẹp hoặc thụt bằng huyết thanh mặn đẳng trương pha 1-2 thìa vazơlin.


Ðối với thể nhẹ khi trẻ lớn lên các biểu hiện bệnh lý sẽ giảm dần. Cần giữ cho trẻ phản xạ tự động đi đại tiện hàng ngày hoặc 2 ngày 1 lần.


Tóm lại đối với trẻ nhỏ khi mới sinh nếu nghi mắc bệnh phình đại tràng cần đưa trẻ đến bệnh viện để thầy thuốc thăm khám, chẩn đoán bệnh sớm và chỉ dẫn về cách chữa trị.