Dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ em rất dễ nhận biết nếu cha mẹ chịu khó quan sát, để ý một vài biểu hiện đặc trưng được nêu trong bài viết sau. Các triệu chứng không chỉ giúp phát hiện mà dựa vào đó cha mẹ còn có thể đánh giá tình trạng, mức độ nặng nhẹ của bệnh để có hướng xử lý phù hợp.



Bệnh tay chân miệng là gì?


Tay chân miệng là một loại bệnh lây nhiễm do virus đường ruột gây ra. Bất cứ ai cũng đều có thể mắc phải căn bệnh này nhưng trẻ em dưới 10 tuổi thường có nguy cơ cao hơn. Điều này được giải thích là do hệ miễn dịch của các em còn rất yếu. Cộng thêm các yếu tố thuận lợi cho sự lây lan của virus: thường xuyên vui chơi, ăn uống, ngủ nghỉ sinh hoạt tập thể tại trường lớp.



Virus tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch mũi họng. Do vậy chúng có thể dễ dàng bùng phát thành dịch trong khoảng thời gian ngắn. Đặc biệt một số chủng virus tay chân miệng còn tấn công, phá hủy đến mức độ tế bào gây viêm, nhiễm trùng trong và ngoài cơ thể.



Dấu hiệu bệnh theo từng giai đoạn


Giai đoạn ủ bệnh


Virus tay chân miệng có thể xâm nhập, cư trú trong cơ thể trẻ từ 3-7 ngày mà không gây ra bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Trong khoảng thời gian này hệ miễn dịch vẫn có đủ khả năng tiết ra kháng thể để khống chế sự sinh sôi của virus. Tuy nhiên nó không thể ngăn chặn được sự phát tán, lây lan ra những người khác. Do không có triệu chứng rõ rệt nên đây cũng là giai đoạn mọi người mất cảnh giác. Và bệnh dễ bùng phát thành dịch nhất.



Giai đoạn khởi phát


Sau khi mầm bệnh vượt mức kiểm soát, một vài biểu hiện sẽ bắt đầu xuất hiện. Điển hình trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy và sốt nhẹ. Đây cũng là những triệu chứng chung thường thấy với virus đường ruột. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 1-2 ngày trước khi chuyển biến nặng hơn. Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn, điều trị bằng thuốc tại nhà. Đồng thời theo dõi tiến trình phát triển của bệnh để kịp thời xử lý những biến chứng nguy hiểm.



Giai đoạn toàn phát


Đây là giai đoạn cao trào của bệnh, trẻ sẽ phải chịu các triệu chứng dữ dội, phức tạp hơn trước. Các nốt mụn nước bắt đầu xuất hiện ngoài da: lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Thậm chí là sâu bên trong niêm mạc miệng, lợi, lưỡi gây đau rát, lở loét. Mỗi nốt có kích thước từ 2-4 mm hình tròn, phồng rộp giống vết phỏng. Khi vỡ ra làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, lây lan. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ tiết nước bọt nhiều, buồn nôn, bỏ ăn. Kèm theo đó là biểu hiện sốt ngày càng cao gây co giật, mất ngủ, khó chịu. Trường hợp nặng sẽ phát sinh thêm nhiều biến chứng nguy hiểm khác về não, thần kinh, tim mạch, hô hấp...



Giai đoạn lui bệnh


Thông thường sau hơn một tuần phát bệnh trẻ sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục dần dần trong khoảng 3-5 ngày. Nốt mụn tự khô và lành lại tuy nhiên sẽ để lại các vết thâm sẹo gây mất thẩm mỹ. Đồng thời dịch đờm ở họng, mũi cũng dần biến mất. Trẻ sẽ bắt đầu ăn uống, vui chơi trở lại.



Khi nào trẻ cần nhập viện?


Đa số trường hợp mắc tay chân miệng đều có thể tự điều trị tại nhà với sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên nếu xuất hiện các biểu hiện nặng sau cần đưa ngay đến các cơ sở y tế:



Sốt cao, li bì trên 39 độ kéo dài 3 ngày kèm theo giật mình hoảng hốt 2 lần/30 phút


Tê bì, liệt không cử động được chân tay, rung giật nhãn cầu


Nhịp thở và huyết áp tăng nhanh bất thường


Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh


Hiện nay tuy chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng cha mẹ vẫn cần đưa con đến bệnh viện để kiểm soát biến chứng, bảo đảm tính mạng cho con. Nếu điều trị tại nhà nhất thiết phải giữ lịch tái khám 1-2 ngày trong 10 ngày đầu phát bệnh. Hoặc trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày liên tục cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.