Nhiều người mẹ trẻ trong thời đại công nghiệp hoá hiện nay, thấy con bị ngạt mũi, sổ mũi... là đi mua thuốc tây về điều trị bệnh cho con ngay. Lợi thế điều trị rất rõ ràng nhưng những di hại có thể xảy ra thì cũng nhãn tiền.Chị Nguyễn Thị Huyền (ở Quan Hoa, Cầu Giấy, TP. Hà Nội) kể: Thấy mọi người mách, khi con bị ngạt hoặc sổ mũi, tôi đến hiệu thuốc mua loại thuốc xịt mũi đắt tiền nhất về xịt cho cháu. Vài ba lần đầu, chỉ cần xịt 1-2 lần là cháu đỡ ngay. Sau đó, cháu không những không đỡ mà còn bị nặng thêm. Tôi đến hiệu thuốc, đổi thuốc khác, tóm lại vẫn "tiền mất, tật mang", tôi đem con đi viện Tai mũi họng khám. Bác sỹ chẩn đoán, cháu bị viêm mũi nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ mất hết cảm giác của khứu giác. Bác sỹ Trần Đông Tiến - Khoa phòng khám, bệnh viện Tai mũi họng cho biết: Ngạt mũi là do tình trạng viêm, làm cho đường mũi bị tắc. Thuốc chống ngạt mũi làm co mạch, giảm phù nề, trả lại sự thông thoáng cho mũi nhưng chỉ có tác dụng chữa triệu chứng. Đối với trẻ em, khi dùng thuốc chống ngạt mũi cần chọn loại thuốc dùng cho trẻ em và dễ sử dụng. Hiện nay, vì thiếu hiểu biết, nhiều bà mẹ thường mua những loại thuốc dùng cho người lớn về xịt cho con để chóng khỏi bệnh như: Các loại có chứa menthol hay tinh dầu bạc hà: menthol hay tinh dầu bạc hà (có chứa 60- 70% menthol) khi xoa vào da hay ngửi, xịt thấy nóng, sau đó lại lạnh, dễ chịu. Loại này được dùng để chế cao xoa hay thuốc ngửi, xịt cho người lớn. Trẻ em dưới 2 tuổi xoa vào mũi hay ngửi, xịt menthol hay tinh dầu bạc hà gây ức chế tuần hoàn hô hấp dẫn đến ngừng tim, ngừng thở. Ngoài ra còn có nhiều loại tinh dầu khác có thể gây kích ứng, đặc biệt có thêm methyl salicylat rất dễ gây bỏng rát niêm mạc mũi. Naphazolin, Xylomethazolin, Phenylephrin (humoxal, polydexanal)... hiện đang được bày bán nhiều ở các hiệu thuốc và được rất nhiều người mẹ ưa chuộng mua về xịt cho con khi bị ngạt mũi là loại thuốc gây cường giao cảm, gây co mạch mạnh, giảm sung huyết chỉ dùng cho người lớn. Thực tế, bệnh viện liên tục tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhi có vấn đề về khứu giác do cha mẹ lạm dụng thuốc xịt chống ngạt mũi. Nhiều bệnh nhi khi cha mẹ cho đến khám, niêm mạc đã khô, nhức đầu, buồn nôn, mất ngủ, ngộ độc thuốc...phải điều trị dài ngày mới có khả năng phục hồi hoạt động được tự nhiên như cũ. Thậm chí, có những bệnh nhi, khi bác sỹ khám, vạch lỗ mũi ra đã ngửi thấy mùi thối. Có nhiều bệnh nhi, do sự nôn nóng chữa bệnh của cha mẹ mà vĩnh viễn không có cảm giác về khứu giác.


Theo lời khuyên của bác sỹ Đông, khi trẻ em bị ngạt ngũi, cần cho trẻ đến bác sỹ chuyên khoa hoặc cơ sở y tế để khám. Hãy dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Nếu không có điều kiện đưa trẻ đi khám thì dùng dung dịch nhỏ mũi chứa 0,9% Natriclorid nhỏ cho trẻ. Cơ chế tác dụng của Natriclorid rất đơn giản là nước muối gây co niêm mạc mũi, co mạch, làm thông thoáng mũi. Vì là dung dịch có nồng độ natriclorid bằng với nồng độ sinh lý (0,9%) nên không gây rát niêm mạc. Có thể dùng cho trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh. Mỗi ngày có thể dùng 3- 4 lần, mỗi lần 2-3 giọt cho mỗi bên mũi.



webtretho


Quế Ngân


http://www.doisongphapluat.com.vn/Story/giadinhphapluat/2009/3/12188.html