Mới nghe vụ 46 bé ở Hưng Yên bị sùi mào gà mà em thấy nóng máu, thời buổi nào rồi mà còn có chuyện bác sĩ tắc trách cẩu thả, vô lương tâm như vậy. Nhiều khi nhớ lại trước đây mình cũng cho con nong bao quy đầu ở một phòng khám tư mà em lạnh người. Cũng may con em vẫn bình an.



Có điều nhớ lại chuyện này em thấy ân hận quá. Thằng bé mới 7 tháng tuổi, thấy nó mỗi lần đi tiểu rặn è è, mặt đỏ tía tai, lại nghe người ta đồn không cắt bao quy đầu sẽ bị ung thư dương vật nên em đưa thằng bé đi nong. Nó khóc thét khi bác sĩ nong làm mẫu. Về nhà em định nong cho nó mỗi ngày như lời bác sĩ dặn nhưng mỗi lần chạm vào chỗ nhạy cảm của con, chưa kịp làm gì là nó đã vùng vẫy và khóc ngặt nghẽo. Xót con nên thôi em kệ. Vậy mà lớn một chút, nó đi tiểu ngon lành cành đào, tè vổng xa 3 mét.



Nhân có chuyện đau lòng ở Hưng Yên, báo chí đưa tin rầm rộ, người ta bắt đầu cảnh báo việc cha mẹ đưa trẻ đi cắt bao quy đầu một cách vô tội vạ, em mới có thêm kiến thức về điều này.



Thực ra, bao quy đầu là phần da che phủ quy đầu. Trước khi trẻ chào đời, bao quy đầu và đầu dương vật phát triển như một thể thống nhất, dính chặt với nhau. Dần dần, mặt trong của bao quy đầu và lớp da của đầu dương vật bắt đầu tách rời nhau, nhờ hiện tượng bong tế bào ở bề mặt mỗi lớp. Biểu mô của hai lớp này thường xuyên được thay mới. Tế bào chết tích tụ thành chất tiết trắng, dần dần được đẩy ra ngoài qua phần chóp của bao quy đầu. Trên thực tế, có khi phải mất 5-10 năm hoặc hơn, quá trình tách mới hoàn thành, và bao quy đầu mới có thể lộn được khỏi đầu dương vật về phía bụng.



Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao da bó chặt quy đầu, không thể lộn hoàn toàn ra khỏi quy đầu. Tuy nhiên, cần phân biệt hẹp bao quy đầu sinh lý và bệnh lý.



Hẹp bao quy đầu sinh lý là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, tỷ lệ hẹp sẽ giảm dần theo lứa tuổi. Khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, nhưng càng lớn lên, bao quy đầu sẽ tách khỏi quy đầu gần như không cần phải can thiệp. Theo đó, 96% trẻ sơ sinh bị hẹp bao quy đầu; 50% trẻ 1 tuổi vẫn còn tình trạng trên; 10% trẻ 3 tuổi gặp rắc rối với tình trạng hẹp và chỉ có 1% thanh niên 17 tuổi thực sự có vấn đề với bao quy đầu của mình vì quá hẹp.


Khác với hẹp bao quy đầu sinh lý, hẹp bao quy đầu bệnh lý là hẹp vì có sẹo xơ, hình thành sau viêm nhiễm hoặc do cố gắng quá mạnh để nong bao quy đầu trước đó.



Như vậy, các mẹ đừng vội vàng đưa con đi nong hoặc cắt bao quy đầu quá sớm, chẳng những tiền mất mà việc này còn có thể dẫn đến tình trạng hẹp bao quy đầu bệnh lý do thủ thuật gây viêm nhiễm, tạo xơ.



Các bác sĩ khuyến cáo chỉ cắt bao quy đầu ở thanh thiếu niên, người trưởng thành bị hẹp bao quy đầu, thắt nghẹt bao quy đầu, dài da bao quy đầu, viêm nhiễm bao quy đầu tái phát, bao quy đầu có sùi mào gà. Việc thực hiện cắt phải ở cơ sở y tế chuyên khoa có đủ kỹ thuật và đảm bảo vô trùng để tránh tai biến, viêm nhiễm sau cắt.



Xem thêm



BS tiết lộ nguyên nhân động trời khiến 37 trẻ ở Hưng Yên bị sùi mào gà mọc dày như súp lơ


Rúng động 11 người nhiễm HIV, 46 trẻ bị sùi mào gà lây từ phòng khám tư nhân, tính mạng con người đang bị xem nhẹ


Vụ 46 trẻ bị nhiễm sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu ở Hưng Yên, nhìn mức án mà choáng


Xem thêm clip Phòng khám cắt bao quy đầu cho 46 trẻ ở Hưng Yên không giấy phép