(Webtretho) Trẻ từ 3 - 5 tuổi thường có rất nhiều thói quen nghịch ngợm, có khi sẽ trở thành tật xấu sau này, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của bé. Trong số đó, ngoáy mũi là một tật xấu mà cha mẹ nào cũng muốn con mình hạn chế hoặc tốt nhất là từ bỏ.



Việc ngoáy mũi trước khi trở thành tật thì thường xảy ra khi trẻ cảm thấy khó chịu hoặc bị ngứa/ dị ứng ở mũi. Nếu bạn phát hiện con thường xuyên nghịch mũi, hãy kiểm tra vấn đề sức khỏe của con trước, sau đó là yếu tố môi trường và khí hậu.



Ngoáy mũi là tật khó bỏ của trẻ (Ảnh: Getty Images)



Ngoài lý do mất thẩm mỹ, việc ngoáy mũi đáng lo hơn ở vấn đề vi trùng. Vi trùng từ ngón tay có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, gây nhiễm trùng mũi hoặc khiến lây lan nhanh hơn các bệnh đường hô hấp. Nếu con bạn khó chịu vì nước mũi hay do dị ứng, hãy khuyến khích bé sử dụng khăn giấy đồng thời điều chỉnh môi trường sinh hoạt của bé không quá nóng hay quá lạnh dễ khiến mũi bị khô; nếu bé bị cảm, sốt, nên cho bé uống thuốc để bệnh khỏi dứt điểm. Ngoài ra, hãy thử áp dụng các "chiến thuật" sau:



Để đôi tay trẻ luôn bận rộn


Có ý kiến cho rằng, trẻ em rất hiếu động và việc nghịch mũi chỉ đơn giản vì chúng không có gì để làm. Vì thế, để khắc phục tình trạng này, bạn có thể thu hút sự chú ý của con vào các trò chơi, họat động cụ thể, chủ động yêu cầu con phụ bạn làm những việc nhỏ quanh nhà, hay giành thời gian đọc sách, chơi đùa cùng con, hạn chế để bé ở một mình và không biết làm gì... Cách này sẽ giúp bé quên dần và không có cơ hội để ngoáy mũi nhiều nữa.




Nên để trẻ hoạt động đôi tay nhiều hơn là ngồi không (Ảnh: Gettty Images)



Tìm hiểu môi trường sinh hoạt của con


Có thể con bạn bị dị ứng với lông động vật hoặc các loại lông nhân tạo có từ thú bông, chăn gối... hoặc dị ứng các loại thực phẩm có nhiều gia vị. Nếu bạn không biết điều này, chúng sẽ khiến con bạn luôn cảm thấy khó chịu và việc liên tục ngoáy mũi dần trở thành thói quen là không thể tránh khỏi. Hãy chú ý và tìm hiểu để có những phương pháp giúp con tốt hơn.



"Trừng phạt thẳng tay"


Sau khi bạn đã giảng giải nhiều về những tác hại của tật ngoáy mũi mà con vẫn tái phạm, bạn đành thử áp dụng phương pháp mạnh thôi. Bôi một ít dầu gió dành cho trẻ em (loại không quá cay nồng như dầu Khuynh Diệp, Phật Linh), hoặc rắc tiêu vào bàn tay bé nhằm tạo mùi khó chịu. Bạn nên làm khi con không để ý và nhớ chỉ bôi một chút để "hù" con thôi nhé. Thường thì trẻ con sẽ không dám đưa tay có mùi lạ vào mũi nữa đâu.




Đôi tay sạch, đôi tay xinh (Ảnh: Getty Inmages)



Giữ sạch đôi bàn tay của con


Trong thời gian con bạn vẫn chưa "cai" được thói quen xấu và vẫn chưa "khuất phục" dưới bất kỳ phương pháp nào, hãy rèn cho bé thói quen giữ vệ sinh bàn tay sạch sẽ hàng ngày, cắt móng gọn gàng để tránh làm trầy xước da trong mũi. Luôn chuẩn bị sẵn khăn giấy hoặc khăn tay. Nếu con bạn học mẫu giáo, bạn nên nhờ giáo viên chú ý và can thiệp ít nhiều vào tật ngoáy mũi của bé. Đồng thời bạn vẫn nên tiếp tục áp dụng các biện pháp như đã nêu ở trên nhằm đạt hiệu quả tốt nhất nhé.