TP Hồ Chí Minh: Dịch bệnh quai bị bùng phát




Khám bệnh quai bị tại Bệnh viện Nhi Đồng I TP.HCM.


Hôm qua Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh xác nhận tình trạng dịch bệnh quai bị đang bùng phát tại hai trường tiểu học Đồng Hòa và Long Thạnh (thuộc xã Long Hòa, H.Cần Giờ).


Bệnh bắt đầu khởi phát một tháng nay, từ một học sinh của lớp 4B Trường Tiểu học Đồng Hòa và đã nhanh chóng lan sang các lớp học lân cận gồm: 1A, 3A, 5A, 2B và 4B cùng trường. Không dừng lại, bệnh tiếp tục lan sang Trường Tiểu học Long Thạnh cùng xã.


Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng đã đến khảo sát địa bàn, môi trường xảy ra dịch bệnh tại hai trường nói trên và được biết tại Trường Tiểu học Đồng Hòa, mặc dù mỗi lớp có một bình nước uống riêng, nhưng chỉ có hai ly để uống nước nên học sinh phải uống chung ly. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã cấp phát khẩu trang cho hai trường trên để trang bị cho những học sinh chưa mắc bệnh đang tiếp tục đi học. Riêng những trường hợp mắc bệnh thì được tạm thời cho nghỉ học, cách ly tại nhà. Đồng thời Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã làm vệ sinh, khử trùng môi trường, ly uống nước... bằng thuốc khử Cloramin B ở hai trường nói trên.


Tính đến chiều qua 16/11, trên địa bàn H.Cần Giờ đã có tổng cộng 122 trường hợp mắc bệnh quai bị, trong số đó có 115 trường hợp là học sinh tiểu học, dịch bệnh đã lan sang trường thứ ba là Trường Tiểu học Hòa Hiệp (cũng thuộc xã Long Hòa), 7 ca mắc bệnh còn lại ở trong dân cư, trong đó có 5 người lớn.



Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng I TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh quai bị thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi đi học và bệnh thường xảy ra nhiều vào mùa đông - xuân. Trẻ mắc bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt, sưng quai hàm (hai bên), nôn ói, đau họng, đau hai bên tai... Biến chứng nặng, nguy hiểm của bệnh quai bị là gây viêm tinh hoàn (ở trẻ trai) hoặc viêm buồng trứng (ở trẻ gái), và có thể gây nên tình trạng vô sinh về sau. Biến chứng tiếp theo do bệnh quai bị gây ra là viêm não và viêm tụy cấp (hiếm gặp hơn). Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh thì phần lớn trẻ mắc bệnh được điều trị ngoại trú (nếu bệnh nặng có biến chứng mới điều trị nội trú), cần phải cho trẻ nghỉ ngơi, cách ly tại nhà, hạn chế vận động (để ngăn ngừa biến chứng viêm tinh hoàn và viêm buồng trứng). Trẻ từ 12 - 18 tháng cần cho chủng ngừa bệnh quai bị, chỉ tiêm chủng một mũi duy nhất (nếu trẻ ngoài 18 tháng mà chưa tiêm ngừa thì vẫn còn tiêm được). Sai lầm thường mắc phải của người lớn theo bác sĩ Khanh là hay dùng lá cây hay vôi ăn trầu đắp lên hai cục u nổi hai bên quai hàm của trẻ, gây nên tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.


Thanh Tùng


COPY TU THANHNIEN ONLINE