Tăng động giảm chú ý có thể xem là một bệnh thiểu năng của trẻ ở dạng tiềm ẩn. Nếu không điều trị sớm và đúng sẽ ảnh hưởng đến nhân cách và tâm lý của trẻ.


Di chứng của bệnh để lại sẽ là một nhân cách chống đối xã hội như trộm cắp, đánh nhau, đua xe, phạm pháp và cả ma túy, thuốc lắc...


Thế nào là một trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý?


- Thời gian chú ý: Trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý thường khó tập trung chú ý trong một khoảng thời gian nào đó. Chúng thường dễ bị chia trí bởi những tác động bên ngoài.


- Mức độ hoạt động: Thường thì những trẻ mắc chứng này đều có mức độ hoạt động cao hơn so với trẻ cùng độ tuổi. Chúng hoạt động không ngơi nghỉ, lúc nào cũng cựa quậy và rất khó ngồi yên được một lúc lâu.


- Tính hấp tấp: Phần lớn những trẻ em này thường hay tỏ ra bốc đồng và hăng hái. Tính bốc đồng của chúng thường đưa đến những hoạt động sai lầm, chẳng hạn như nói dối, ăn cắp, hoặc thậm chí là đốt cháy thứ gì đó, đánh nhau...


- Trí nhớ tạm thời: Trẻ mắc chứng này đặc biệt gặp khó khăn trong việc lưu giữ thông tin. Khi chúng học được một điều mới, khoảng một, hai tuần sau điều đó được nhắc lại chúng cũng không thể nào nhớ.


- Ương ngạnh: Chúng thường có thái độ cố chấp và phản kháng lại những sự thay đổi của môi trường chung quanh hoặc thay đổi của những sự việc mà chúng đã quen thuộc.


- Những biểu hiện cảm xúc khác: Trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý thường dễ có khuynh hướng hay gây gổ, sinh sự với người khác. Do đó, chúng sẽ thường xuyên bị hăm dọa hơn những trẻ khác dù ở ngay chính trong môi trường của chúng. Để phản ứng lại chúng có thể có hai thái độ: hoặc là tự rút lui chịu thua, hai tà tìm cách gây hấn.


- Lời nói: Một nét khá nổi bật trong phần lớn những trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý là chúng diễn đạt từ ngữ chậm. Những trẻ này phát triển khả năng nói bình thường như những trẻ khác vào những năm đầu, nhưng về sau thì khả năng phát triển đó chậm lại, đặc biệt là trong cấu trúc câu và diễn đạt bằng lời nói.


Nếu trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý thì phải làm gì?


- Cha mẹ, người thân của trẻ hãy khuyến khích hoặc khen ngợi khi trẻ có thể tập trung. Điều này giúp định hình hành vi của trẻ, giảm thiểu sự tăng hoạt động của chúng.


- Tránh các hình thức phạt. Việc giữ gìn kỷ luật sẽ có hiệu quả ngay tức khắc, vì qua đó trẻ có thể ổn định hành vi của mình tốt hơn.


- Bố mẹ trẻ hãy thảo luận vấn đề của con mình với giáo viên của chúng ở trường để giải thích tại sao những nỗ lực học tập của trẻ chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, những sự khen thưởng kịp thời sẽ khích lệ sự chú ý. Những khoảng thời gian chú ý trong lớp cần được giáo viên tận dụng.


- Nhấn mạnh những yêu cầu để giảm thiểu tối đa sự phân tán tư tưởng ở trẻ. Thí dụ, buộc trẻ phải ngồi bàn đầu trong tớp, tránh cho trẻ quay ngang, quay ngửa và đùa nghịch.


- Nên cho trẻ tập một môn thể thao mà chúng ưa thích hoặc bạn cho là phù hợp với trẻ. Thí dụ như cho chúng đi bơi, tập một môn võ. Các hoạt động đó có thể giúp làm giảm sự dư thừa năng lượng.


- Đừng bao giờ để con bạn phải thiếu thốn tình cảm của cả cha lẫn mẹ, đừng để con bạn bị tổn thương về tinh thần.


- Nếu thấy có nhiều triệu chứng trên ở trẻ, bạn hãy đưa con mình đến một bác sĩ chuyên khoa hoặc một chuyên gia tâm lý lâm sàng. Các nhà chuyên môn sẽ giúp bạn được nhiều hơn.


(Ngày 26/12/2005 - Phụ nữ TP Hồ Chí Minh - ND)