1. Đặc điểm chậm phát triển tâm thần

Chậm phát triển tâm thần là một trạng thái chậm hoặc không phát triển về tâm thần bẩm sinh hoặc mắc phải, khi hệ thần kinh trung ương chưa được hoàn chỉnh về cấu trúc. Đặc điểm chung của chậm phát triển tâm thần là toàn bộ sự phát triển của tâm thần nói chung đều bị ảnh hưởng nhưng nổi bật lên là hoạt động trí tuệ bị trì trệ, kém hoặc không phát triển. Chậm phát triển tâm thần nói chung là một trạng thái bệnh lý khá ổn định, hậu quả của nhiều quá trình bệnh lý khác nhau nhưng nhìn chung không mang tính chất tiến triển. 

Đa số các trường hợp, chậm phát triển tâm thần biểu hiện rất sớm, nhất là ở các mức độ nặng. Việc nhận biết các biểu hiện sớm là rất quan trọng để giúp cho chẩn đoán và xử trí kịp thời. Thường gặp trẻ phát triển chậm nhiều hơn về ngôn ngữ, sự thích thú quan tâm với các kích thích của môi trường, khả năng tập trung chú ý, tốc độ phản ứng,... so với phát triển về vận động. 

Trẻ chậm phát triển tâm thần có thể có biểu hiện lâm sàng rõ rệt hay kín đáo ngay từ khi mới sinh. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, trẻ phát triển bình thường tới một độ tuổi nào đó, thường trước ba tuổi, rồi mới xuất hiện chậm phát triển tâm thần dần dần. Ngược lại, một số trẻ có biểu hiện chậm phát triển về tâm vận động cũng như các mặt hoạt động tâm thần khác, đến một độ tuổi nào đó, cũng thường trước ba tuổi, lại phát triển tâm thần nhanh hơn, đuổi kịp những trẻ khác cùng lứa tuổi. 

2. Nguyên nhân gây chậm phát triển tâm thần

Một số trường hợp chậm phát triển tâm thần có thể tìm thấy nguyên nhân rõ ràng như bệnh Down, bệnh não bẩm sinh, các bệnh chuyển hoá,... Song đa số các trường hợp lại không tìm thấy nguyên nhân hoặc là không chắc chắn, nhất là trong trường hợp chậm phát triển tâm thần nhẹ. Các bác sĩ tâm thần thống nhất chia các nguyên nhân theo thời gian tác động vào sự phát triển phôi thai của trẻ trong những năm đầu, bao gồm bốn nhóm: 

  1. Các yếu tố di truyền
  2. Các yếu tố gây hại đến sự phát triển của phôi và thai
  3. Các yếu tố tác động khi sinh
  4. Các yếu tố tác động vào sự phát triển trong những năm đầu

Sự phát triển tâm thần của con người phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản là:

  • Yếu tố thể chất, chủ yếu là hệ thần kinh trung ương. Ở trẻ mới sinh, hệ thần kinh trung ương đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện. Sau khi đẻ, quá trình myelin hoá diễn ra và thường kết thúc sau khoảng 3 năm. Chỉ tới khi này, hệ thần kinh mới được coi là hoàn tất. Từ lúc còn trong bào thai cũng như trong những năm đầu, bất kỳ nguyên nhân nào tác động xấu lên hệ thần kinh trung ương, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của nó, đều có thể gây nên chậm phát triển tâm thần. 
  • Yếu tố kích thích của môi trường văn hoá xã hội. Phải sống trong một môi trường văn hoá xã hội, đứa trẻ bắt chước các hình mẫu khi giao tiếp với con người, mới tập được vận động lẫy, bò, ngồi, đi đứng, chạy nhảy, cầm nắm, giao tiếp bằng ngôn ngữ, biết suy nghĩ, có đời sống tình cảm, vui buồn, yêu thương, hờn giận,... Những kích thích của môi trường văn hoá xã hội phải đầy đủ, đúng lúc, phù hợp với sự phát triển sinh học của hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là trong sáu năm đầu. Các kích thích của môi trường bị thiếu hụt hoặc không đúng lúc đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần của trẻ.

3. Chẩn đoán chậm phát triển tâm thần

Chẩn đoán chậm phát triển tâm thần dựa vào 2 tiêu chuẩn chính là lâm sàng và trắc nghiệm tâm lý. Chậm phát triển tâm thần so với mức bình thường thể hiện trên toàn bộ các mặt hoạt động tâm thần như cảm xúc, tư duy, vận động, chú ý, trí nhớ và chủ yếu là trí tuệ. Trạng thái bệnh lý này mang tính chất bẩm sinh hoặc mắc phải chủ yếu trong ba năm đầu. 

Về trắc nghiệm tâm lý, các bác sĩ tâm thần đưa ra nhiều trắc nghiệm tâm lý đánh giá trí tuệ khác nhau. Người ta thường dùng 2-3 trắc nghiệm cho một trẻ và làm lại sau một thời gian nếu thấy cần thiết. Tuy vậy, để có được sự thống nhất trên toàn thế giới, người ta vẫn dùng chỉ số IQ để xác định chậm phát triển tâm thần. 

Căn cứ vào đánh giá lâm sàng và chỉ số IQ, chậm phát triển tâm thần được chia thành các mức độ:

  • Chậm phát triển tâm thần trầm trọng (IQ
  • Chậm phát triển tâm thần nặng (IQ từ 20-34)
  • Chậm phát triển tâm thần vừa (IQ từ 35-49)
  • Chậm phát triển tâm thần nhẹ (IQ từ 50-69). 

Chỉ số IQ từ 70-85 được coi là mức độ ranh giới giữa trí tuệ bình thường và chậm phát triển tâm thần nhẹ. 

Chậm phát triển tâm thần trầm trọng và nặng được biểu hiện ở ba mặt như sau:

  1. Tư duy: hầu như không có ngôn ngữ hay chỉ phát âm những âm, từ mà bản thân bệnh nhân không hiểu. Tư duy hầu như chưa có hoặc chỉ là tư duy cụ thể thô sơ.
  2. Cảm xúc: chỉ có cảm xúc cấp thấp, liên quan đến thỏa mãn nhu cầu cơ thể
  3. Hành vi tác phong: không có hoạt động ý chí, thường là những hành vi tự động theo bản năng hay những phản ứng thô sơ với kích thích bên ngoài. 

Chậm phát triển tâm thần mức độ vừa có biểu hiện lâm sàng như sau:

  1. Tư duy: có ngôn ngữ nhưng vốn từ không lớn, ngữ pháp giản đơn, phát âm sai, khó hình thành ngôn ngữ viết. Có thể có tư duy khái quát thô sơ nhưng không thể có tư duy trừu tượng. Không thể nhận thức được toàn thể, được ý chính của vấn đề, có thể tính toán giản đơn cụ thể nhưng không thể tính toán trừu tượng. Trí phán đoán nghèo nàn. Không có tính độc lập suy nghĩ.
  2. Cảm xúc: cảm xúc không ổn định, khi bàn quan vô cảm, khi thì ngoan ngoãn hiền lành, khi thì vui vẻ dễ bị kích thích.
  3. Hành vi tác phong: đa dạng. Có thể lao động giản đơn, thường lao động có tính máy móc định hình, không thể thay đổi theo hoàn cảnh mới. Đôi khi có sự kiềm chế các xung động bản năng.

Chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ bao gồm:

  1. Tư duy: có thể hình thành ngôn ngữ viết, có khả năng tính toán học tập nhưng kém hơn so với bạn cùng tuổi. Có thể học hết cấp I, tư duy theo nếp cũ, thiếu sáng kiến, khả năng phân tích tổng hợp kém.
  2. Cảm xúc: cảm xúc cấp cao có phát triển, thiếu tự lập, bám vào bố mẹ dù đã lớn, không đủ năng lực để giải quyết những mối xung đột tình cảm trong nội tâm. 
  3. Hành vi tác phong: có thể làm tốt những nghề không phức tạp và thích nghi được với môi trường xã hội song kém hiệu quả so với người khác.

Các mom xem chi tiết bài viết tại đây nhé: https://sns.org.vn/cham-phat-trien-tam-than-la-gi-%7C-safe-and-sound