Viêm tai giữa ở trẻ là hậu quả của sự viêm nhiễm đường hô hấp trên. Bắt đầu chỉ là cảm cúm, sổ mũi thông thường, nhưng do phụ huynh không quan tâm nên bệnh kéo dài và chuyển sang viêm tai giữa. Hậu quả xấu nhất là trẻ sẽ bị điếc.


Điển hình như trường hợp của cháu T.T., 7 tuổi, quê ở Bến Lức, Long An, vừa được phẫu thuật vá màng nhĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Mẹ em kể: "Lúc 1 tuổi cháu bị cảm và sổ mũi nhưng tôi cứ nghĩ là dị ứng thời tiết. Theo thói quen, tôi ra nhà thuốc kể bệnh và mua thuốc về cho cháu uống, nhưng qua mấy ngày không khỏi. Đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện cháu bị viêm tai giữa, bảo phải điều trị 6 năm mới vá màng nhĩ để không bị biến chứng. Phẫu thuật thành công thì tai phải của cháu cũng bị điếc vĩnh viễn".


Trường hợp như cháu T. không phải là ít. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi năm có hơn 3.000 trẻ được đưa đến khám vì viêm tai giữa. Trong đó, khoảng 300 ca phải phẫu thuật để khôi phục thính lực; nhiều nhất là vá màng nhĩ, chỉnh hình hệ thống xương con trong tai. Nếu thành công, bệnh nhi cũng chỉ phục hồi được 30-60%khả năng nghe. Ở mức 30%, trẻ gần như không thể nghe được, còn nếu phục hồi được 60% thì khả năng nghe của trẻ giống như người bị lãng tai. Trong khoảng 300 ca được phẫu thuật năm 2003, khoảng 30% bị điếc vĩnh viễn; năm 2004 là hơn 24%.


Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng, đó là con số đáng báo động. Hiện hầu hết trẻ bị viêm tai giữa đều do cha mẹ bỏ qua các biểu hiện bệnh, hoặc do không biết về mức độ nguy hiểm của viêm tai giữa nên không quan tâm chữa chạy ngay. Chỉ đến khi bệnh ở vào giai đoạn cuối, tức là màng nhĩ đã bị rách, họ mới đưa con đến bác sĩ. Lúc đó thì đã quá muộn bởi bệnh viêm tai giữa phát triển nhanh theo từng ngày; chỉ cần chữa trị chậm một ngày thì mức nguy hiểm cũng tăng theo.


Bác sĩ Sơn đã kết hợp với các chuyên gia Đan Mạch nghiên cứu về bệnh viêm tai giữa xuất tiết ở trẻ em (là giai đoạn chuẩn bị chuyển sang viêm tai giữa mạn tính). Qua khảo sát 3.300 trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi ở hai vùng có điều kiện kinh tế khác nhau, họ phát hiện có hơn 7% trẻ bị bệnh viêm tai giữa xuất tiết mà các bậc phụ huynh không hề hay biết. Độ tuổi bị nhiễm bệnh nhiều nhất là 1-2 tuổi. Vào mùa mưa, bệnh xuất hiện nhiều hơn do khí hậu ẩm lạnh khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp trên. Không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm bệnh giữa nông thôn và thành thị.


Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, rất khó phát hiện viêm tai giữa ở trẻ trong giai đoạn đầu vì nó có biểu hiện giống các bệnh hô hấp thông thường như sổ mũi, cảm cúm, nóng sốt, hay quấy khóc... Các bậc cha mẹ thường không nghĩ đến viêm tai và chỉ bác sĩ chuyên khoa giỏi mới phát hiện được. Nếu không được điều trị ở giai đoạn đầu, viêm tai giữa sẽ biến chứng thành những bệnh nguy hiểm như viêm tai giữa mạn tính, viêm xương chũm, viêm màng não và Cholesteatone (tức xương tai bị hoại tử). Lúc đó, chắc chắn trẻ sẽ bị điếc và không có khả năng phục hồi thính lực. Điều này đối với trẻ em dưới 12 tháng tuổi thì vô cùng nguy hiểm. Vì không nghe nên trẻ không thể phản ứng lại với môi trường xung quanh, dần dần sẽ mất khả năng nói, trở nên câm điếc.


Do đó, theo bác sĩ Sơn, các cơ sở y tế cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bệnh viêm tai giữa đến các bậc cha mẹ; kêu gọi họ quan tâm hơn nữa đến những bệnh về đường hô hấp trên ở trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu các bệnh về đường hô hấp nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để bệnh được phát hiện kịp thời nếu có.


Nhà nước nên có quy định khám thính lực định kỳ cho trẻ: từ sơ sinh đến 5 tuổi 3 tháng/lần, từ 6 tuổi 6 tháng/lần, để bệnh lý của trẻ sớm được phát hiện và chữa trị kịp thời.


Theo VN express