Nhiều người vẫn quan niệm rằng bệnh tiểu đường chỉ gặp ở người lớn, vì thế không ít bậc cha mẹ rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo rằng con họ mắc căn bệnh này.


Hiện nay cả Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 TPHCM đều ghi nhận bệnh tiểu đường trẻ em đang có xu hướng gia tăng, trong đó tại BV Nhi Đồng 1 số trẻ mắc bệnh tiểu đường nhập viện trong tình trạng nặng đã lên tới 70%!


15 tuổi nhưng em Lê Thị T., ngụ tại Thanh Hóa - Long An chỉ nặng 25 kg. Ngày 21-7, trên giường bệnh Khoa Thận, BV Nhi Đồng 1, T. gầy rộc người, da xanh xao. Các bác sĩ cho biết em mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hơn một năm nay. Mới đây, T. lại bị thủng dạ dày và được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 cấp cứu. Đối với bệnh nhân tiểu đường, ăn uống hợp lý cực kỳ quan trọng, thế nhưng gia đình T. không để ý chuyện này. Do đó, đường huyết của T. không kiểm soát được, sức đề kháng giảm, bùng phát nhiều biến chứng.


Trẻ em vẫn có thể bị tiểu đường


BS Nguyễn Bích Phượng, Khoa Thận, BV Nhi Đồng 1, cho biết: Hầu hết người lớn không nghĩ con em mình bị tiểu đường, vì thế dù triệu chứng bệnh rất rầm rộ và dễ nhận biết như: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt ký nhanh, nhưng họ cũng không phát hiện được Tiểu đường, sát thủ âm thầm


Theo Hiệp hội Tiểu đường Quốc tế, tiểu đường...


1. Là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 4 ở các nước phát triển. Tử vong do tiểu đường cao gấp 2 lần so với người không bị bệnh này.


2. Là nguyên nhân gây mù lòa và giảm thị lực ở người trưởng thành tại các nước phát triển.


3. Là nguyên nhân gây loạn thị thường gặp không do tai nạn, 15-40 lần nhiều hơn người bình thường.


4. Bệnh nhân tiểu đường bị bệnh tim mạch cao gấp 2 –4 lần người bình thường.


5. Là nguyên nhân gây suy thận thường gặp nhất giai đoạn cuối, cần phải chạy thận nhân tạo hoặc thay thận.



bệnh sớm cho trẻ. BS Phượng kể, nhiều bậc cha mẹ còn vui mừng khi thấy trẻ đột nhiên ăn khỏe. Về sau, họ mới thắc mắc tại sao ăn uống tốt vậy nhưng lại... sụt ký! Chỉ có rất ít người đưa trẻ đi khám sớm vì nghi ngờ trẻ mắc bệnh thận (tiểu nhiều), suy dinh dưỡng (người gầy rộc). Ghi nhận tại BV Nhi Đồng 1 cho thấy có khoảng 30% trẻ bị tiểu đường được phát hiện sớm, 70% còn lại nhập viện trong tình trạng nặng. Khi ấy, trẻ đã lừ đừ, rối loạn tri giác hoặc hôn mê. Khác với diễn tiến âm thầm ở tiểu đường type 2 (thường ở người lớn), tiểu đường type 1 (thường ở trẻ em) diễn tiến rất nhanh. Từ lúc các bậc cha mẹ phát hiện sự thay đổi của trẻ (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều nhưng lại sụt ký nhanh) đến lúc trẻ vô hôn mê do tiểu đường thường... chỉ khoảng 2-3 tuần!


Trẻ mắc bệnh tiểu đường có thể phát triển bình thường


Theo BS Trần Thị Mộng Hiệp, Trưởng Khoa Nội BV Nhi Đồng 2 và BS Nguyễn Thị Bích Phượng, bệnh tiểu đường trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Trước đây, một năm BV Nhi Đồng 2 chỉ tiếp nhận 2-3 trẻ mắc bệnh tiểu đường thì nay một tháng đã có 2-3 trẻ. Tại BV Nhi Đồng 1 cũng thế, trước đây mỗi năm chỉ ghi nhận 5-7 ca thì nay lên tới hơn 20 ca. BS Mộng Hiệp cho biết, đa số bệnh tiểu đường ở trẻ liên quan đến di truyền, miễn dịch, môi trường. Có thể giải thích do môi trường hiện nay ô nhiễm hơn, thức ăn không được tinh khiết như xưa, nên hệ miễn dịch thay đổi, dẫn đến số trẻ mắc bệnh tiểu đường gia tăng. Do phần lớn trẻ bị tiểu đường nhập viện trong tình trạng nặng, nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, dễ dẫn đến nhiều biến chứng, từ cấp tính như hôn mê, rối loạn tri giác, cho đến mãn tính như ảnh hưởng lên mạch máu võng mạc (gây mù mắt), lên mạch máu thận (gây suy thận), thậm chí là tử vong!


Biết bệnh, nhưng không tuân thủ chế độ điều trị và ăn uống, nhiều trẻ phải trở lại cấp cứu, mà theo BS Hiệp mỗi lần như thế là một lần kề cận với tử vong. Tuy nhiên, BS Hiệp lưu ý: Nếu phát hiện bệnh sớm, chích insulin đầy đủ và có chế độ ăn uống hợp lý, trẻ mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể phát triển như các trẻ bình thường.


ĐÚNG SAI



1. Cần cho trẻ bị tiểu đường kiêng đồ ngọt tuyệt đối. Sai: Cơ thể trẻ đang cần đường để phát triển, nếu kiêng tuyệt đối trẻ không phát triển được. Tốt nhất là nên cân bằng ba chất đạm, đường, béo.


2. Cho trẻ tiểu đường ăn thành nhiều bữa trong ngày. Đúng: Ăn nhiều bữa trong ngày để dễ kiểm soát đường huyết. Không nên ăn một bữa quá nhiều vì điều này sẽ làm cho đường huyết tăng cao, dễ dẫn đến biến chứng.


3. Cho trẻ tiểu đường ăn thoải mái. Sai: Lúc chích thuốc xong, trẻ thường có cảm giác đói, nhưng đây chỉ là cảm giác ảo do thuốc gây ra. Nếu cha mẹ chiều theo đòi hỏi của trẻ, để trẻ ăn theo ý muốn, đường huyết rất khó kiểm soát. Một thời gian sau chích, trẻ sẽ thấy hết đói.


(Ghi theo ý kiến BS Nguyễn Bích Phượng) - Báo Người Lao Động 15/8/2004