Nguyên nhân nào gây ra bệnh kiết lỵ?

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh lỵ nhưng nhiễm khuẩn vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất. Hai loại vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất là:

  • Shigella (lỵ trực khuẩn): Với khoảng 500.000 trường hợp được chẩn đoán mỗi năm.
  • Entamoeba histolytica (Lỵ amíp): Ít phổ biến ở các nước phát triển và thường được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới có điều kiện vệ sinh kém.

Bạn và các thành viên trong gia đình sẽ có nguy cơ cao nhiễm khuẩn nếu: 

  • Ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm
  • Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm
  • Bơi trong nguồn nước bị ô nhiễm 
  • Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như chạm, ôm hôn
  • Không có thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn

Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, tuy nhiên, bệnh có thể tấn công tất cả mọi người. Do đó, bạn đừng bao giờ lơ là, chủ quan trong việc phòng bệnh. 

Người mắc bệnh lỵ cần điều trị như thế nào?

Các trường hợp nhiễm lỵ trực khuẩn thường không cần điều trị, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng một tuần. Trong thời gian này, bạn nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước bị mất do tiêu chảy. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen  để kiểm soát tình trạng đau bụng. Tránh tự ý sử dụng thuốc cầm tiêu chảy bởi những loại thuốc này có thể làm cho bệnh lỵ diễn tiến nặng hơn. Với những trường hợp nặng, bác sĩ sẽ điều trị bằng kháng sinh. Nếu người bệnh uống thuốc kháng sinh mà không thấy cải thiện, hãy đi khám lại bởi chủng vi khuẩn Shigella rất dễ kháng thuốc.

Với các trường hợp bị bệnh lỵ amip, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc để tiêu diệt ký sinh trùng trong máu, ruột và gan. Người bệnh sẽ dùng các loại thuốc này trong khoảng 10 ngày.

Về dinh dưỡng, trong thời gian bị bệnh, bạn nên ăn những món ăn nhạt, không dầu mỡ, dễ tiêu hóa. Đặc biệt, cần bổ sung lợi khuẩn probiotic để cải thiện sức khỏe ruột bằng cách ăn nhiều sữa chua, yến mạch… Bạn cần kiêng hoặc hạn chế dùng những thực phẩm như rau hẹ, rau cần, hành tây, giá đậu do những thứ này nhiều xơ, kích thích các vết loét đường ruột, làm tình trạng đi ngoài nặng thêm. Những món kích thích như ớt, hạt tiêu, rượu, nước giải khát có ga, rau xanh, trái cây, các món ăn nhiều dầu mỡ và các thực phẩm giàu protein như sữa bò, cá, thịt, trứng… cũng nên tránh.

Bệnh lỵ rất dễ lây nên khi mắc bệnh, bạn cần ở nhà nghỉ ngơi cho đến khi hết tiêu chảy để tránh lây cho người khác. Lưu ý là bạn cần rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay sạch khuẩn và không chuẩn bị thức ăn cho các thành viên trong gia đình trong thời gian bị bệnh. Khi bệnh đã hết, hãy dọn dẹp nhà cửa thật sạch để diệt khuẩn. Bạn nên giặt drap trải giường, khăn tắm và quần áo bằng nước nóng. Khử trùng toàn bộ những vật dụng bạn đã chạm vào để tránh vi khuẩn còn bám lại và gây bệnh.