Hầu hết các mẹ nuôi con nhỏ đều đã trải qua những lúc bối rối, stress và kinh qua nhiều kinh nghiệm từ việc chăm con, mỗi người mỗi phương pháp. Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, trong bài viết này mình chia sẻ chút kinh nghiệm của mình về phòng bệnh viêm đường hô hấp trên cho bé vào mùa đông lạnh, hoặc khi thời tiết giao mùa. Các mẹ cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bé nhé.


Xuất phát điểm của bé thấp, mẹ chăm sóc bé tốt, bé sẽ đạt chuẩn của Tổ chức y tế thế giới.


Trẻ sinh thiếu tháng, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, phổ biến nhất là viêm đường hô hấp trên. Từ kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân (Bé nhà mình lúc sinh ra là 34 tuần và nhẹ cân). Trộm vía đến nay con 3 tuổi đạt chuẩn của Tổ chức y tế thế giới cả về cân nặng và chiều cao.


Trẻ sinh thiếu tháng, lại bị 1 bên phổi chưa phát triển, thở supat, thở máy, ôxy lồng kính 10 ngày, lại sinh vào mùa đông nên việc chăm sóc nỗ lực hơn. Mình cũng không đủ sữa mẹ nên đề kháng cho con từ nguồn sữa mẹ rất ít . Sau 2 lần con vào viện vì viêm phổi, có thêm kinh nghiệm chăm con. Sau đó hầu như tháng nào con cũng ốm, quanh đi quẩn lại vẫn là viêm đường hô hấp trên. Ốm, đi khám, rất nhiều bác sĩ phòng ngừa kê luôn kháng sinh, một số bác sĩ không kê kháng sinh. Sau này, dù có đưa bé đi khám, mình tập làm bà mẹ thông thái, tham khảo ý kiến bác sĩ, và quyết định khi nào cho con dùng kháng sinh. Trộm vía gần 2 năm chăm sóc cho con, bé nhà mình không phải dùng đến kháng sinh.



Cơ thể con người luôn có sức đề kháng tiềm ẩn bên trong. Căn cứ vào tình trạng bệnh của con, và theo kinh nghiệm của mình, khi con bị viêm đường hô hấp dẫn đến sốt cao nên dùng thêm kháng sinh theo đơn thuốc của bác sĩ. Trường hợp bé chỉ ho, mũi xanh mà chưa sốt mình cho con uống thuốc long đờm (theo đơn thuốc của bác sĩ), kết hợp các si rô thiên nhiên (như bổ phế Nam Hà).


Trong nhà, mình luôn ngâm sẵn 1 bình thủy tinh to mật ong + quả chanh đào. Nước chanh đào mật ong đôi khi mẹ cho bé uống độc lập (khi có một trong các dấu hiệu: ho gió, long đờm, ho dị ứng thời tiết vào buổi sáng, hoặc ho vào ban đêm), đôi khi mẹ pha cùng với bổ phế Nam Hà. Hoặc hấp cách thủy quả phật thủ + đường phèn ( đường phèn mát); Hoặc trong nhà nên có thêm một chai mật ong ngâm tỏi. Con hợp loại nào ta dùng loại đó. Người lớn dùng rất tốt.


Song song với việc cho bé dùng thuốc có nguồn gốc thiên nhiên, mình chia sẻ với các mẹ kinh nghiệm rửa mũi cho bé. Vệ sinh mũi sạch làm tiền đề giúp cho việc phòng bệnh viêm đường hô hấp trên hiệu quả.


Đối với trẻ dưới 1 tuổi bác sĩ đã hướng dẫn cách rửa mũi rất hiệu quả như sau:


Cách 1: Đặt đầu con nằm nghiêng. Dùng lọ nước muối nhỏ mua ngoài hiệu thuốc xịt mạnh từ mũi phía trên, theo phản xạ con sẽ xịt ra mang theo cả đờm. Tiếp tục ở phía bên kia. Bố mẹ phải mạnh tay, con khóc vẫn làm, nhiều lần con sẽ quen không sợ nữa. Mình làm cách này đến khi con 2 tuổi. Cách này cũng dạy con biết xì mũi.




Cách 2: Dùng ống hút mũi để rửa mũi (loại ống hút có 02 dây, nối một cục tròn bên dưới). Con ngồi đầu hơi ngửa ra hoặc nằm cao đầu, một bên mũi đặt đầu hút, bên mũi con còn lại xịt mạnh lọ nước muối nhỏ vào, đầu hút kia mẹ ngậm dùng hơi của mình để hút. Làm song song vừa xịt vừa hút. Cách này mẹ phải chấp nhận nước mũi của con sẽ chui tọt vào miệng mẹ khi bình chứa đầy. Đổ dịch mũi trong bình chứa đi và đổi chỗ, tiếp tục làm như vậy với mũi bên kia.



Nước muối sinh lý 0,9%: Vào mùa đông lạnh, các mẹ hãy ngâm những lọ nhỏ nước muối vào nước ấm (thường 03 lọ nhỏ là đủ 1 lần rửa mũi), thử nhỏ vài giọt lên tay của mẹ để thử độ ấm nhè nhẹ. Nóng quá là hại đến niêm mạc mũi của con. Trước khi rửa mũi hãy nhỏ mỗi bên 2 giọt nước muối để đờm mềm ra.


Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên và trẻ lớn:


Có thể áp dụng cách 2 (ở trên). Hoặc dùng xi lanh 20ml (bình xịt) rửa mũi hàng ngày. Mẹ hướng dẫn bé đứng, đầu mặt dựa nghiêng vào thành bồn rửa mặt. Mẹ đứng cạnh, dùng xi lanh (bỏ mũi kim tiêm nhé) hút nước muối từ cốc đựng, từ từ bơm vào mũi bé. Dịch mũi sẽ theo nước muối từ mũi bên xịt chảy sang mũi bên kia. Mẹ làm lặp lại tương tự với mũi bên kia khi đầu mặt của bé nghiêng ngược lại. Rửa mũi nhiều lần cho đến khi mũi sạch. Nếu không có bồn rửa mặt, mẹ hãy đặt trước mặt bé một chiếc chậu và bé ngồi trên ghế nhựa, đầu hướng về phía lòng chậu, để nước rửa mũi không chảy ra nền nhà cũng như làm ướt áo của bé.



Cả 3 cách trên đều đòi hỏi bố mẹ kiên trì, chấp nhận lích kích thêm động tác, thêm việc. Nếu con đi học mẫu giáo, sáng và tối trước bữa ăn hoặc trước khi con đi ngủ bố mẹ hút rửa mũi, rửa mũi sạch trước bữa ăn của con. Đảm bảo mũi sạch, họng sạch con sẽ không ho, giảm nôn trớ.


Đều đặn vệ sinh mũi họng sạch, đảm bảo mũi xanh giảm nhanh, nhanh hơn nhiều so với việc chỉ nhỏ nước muối vào rồi con xì ra (con xì mũi còn có thể dẫn đến viêm tai rất nguy hiểm, vì cấu tạo tai có lỗ thở thông với mũi, khi mũi ngạt dịch mũi sẽ chạy ra phía tai, gây viêm tai ).


Bên cạnh đó bố mẹ luôn nhắc con, kiên trì dỗ dành con uống nước ấm hoặc nước hoa quả (đặc biệt khi con có đờm). Nước sẽ làm loãng đờm, giúp tống khứ đờm khi con ho. Hướng dẫn con khi ho, có đờm con nhè ra, không nuốt vào bụng.


Khi bé lớn hơn, bố mẹ hãy hướng dẫn con tập hít thở sâu bằng mũi, thở chậm bằng miệng. Việc này rất tốt cho phổi của bé.



Chăm sóc con hàng ngày, thực hành các trên bước ngay khi con có dấu hiệu chảy nước mũi trong sẽ giảm và phòng tránh được dịch mũi xanh - vàng, dịch mũi xuống họng gây ho, biến chuyển thành viêm phế quản, viêm phổi... Con khỏe mạnh, trí tuệ phát triển tốt, đạt chuẩn của Tổ chức y tế thế giới về cân nặng, chiều cao là niềm mong mỏi, hạnh phúc của bố mẹ, gia đình.