Suy nhược thần kinh là một loại bệnh thuộc phạm vi rối loạn chức năng thần kinh, xảy ra do nguyên nhân tâm lý hoặc có liên quan đến những chấn thương tâm lý (stress). Các tổn thương do chấn thương sọ não, vữa xơ động mạch não, thiểu năng tuần hoàn não, nhiễm khuẩn, căng thẳng thần kinh kéo dài, lao động trí óc cường độ cao… đều có thể dẫn đến suy nhược thần kinh.



Các biểu hiện chính gồm: cảm giác đau mỏi cơ, bệnh nhân cảm thấy đau mỏi cơ bắp, đau khắp mình mẩy do giảm ngưỡng chịu đựng với các kích thích. Chóng mặt, choáng váng xảy ra khi thay đổi tư thế như từ nằm, ngồi chuyển sang đứng, đi lại, leo cầu thang …Đau căng đầu lan tỏa, âm ỉ cảm giác như đang đội mũ chặt quá, đau không thành cơn, đau tăng khi suy nghĩ, lo lắng, có khi chỉ tiếng động nhỏ cũng khó chịu và làm đau đầu tăng lên, có thể kèm theo chóng mặt. Rối loạn giấc ngủ: ngủ nông, hay gặp ác mộng, có thể mất ngủ hoàn toàn, nhiều trường hợp do ngủ không sâu nên bệnh nhân có cảm giác mất ngủ trắng đêm. Không có khả năng thư giãn, tính tình cáu kỉnh, dễ kích thích. Bệnh nhân thường phàn nàn mệt mỏi dai dẳng và đau khổ vì mệt mỏi tăng lên sau một cố gắng trí óc, suy yếu cơ thể, kiệt sức sau một gắng sức về thể lực. Bệnh nhân rất kém lòng kiên nhẫn, tỏ ra rất khó chịu khi phải chờ đợi, dễ kích thích nóng nảy, cáu gắt, phản ứng quá mức. Muốn làm việc gì thì bệnh nhân rất nôn nóng làm ngay, nhưng nếu gặp khó khăn lại mau chán, thối chí, bỏ cuộc. Bệnh nhân cũng dễ xúc động, dễ khóc, lo lắng, mất tự chủ, giảm khí sắc. Khả năng lao động trí óc và thể lực của bệnh nhân giảm sút do mau mệt, nhất là sau một gắng sức về trí óc hoặc sau căng thẳng tâm lý bệnh nhân cảm thấy suy sụp, không thể làm tiếp được hay có làm cũng không có hiệu quả.






Tỷ lệ bệnh suy nhược thần kinh ngày càng gia tăng cùng với nhịp sống bận rộn trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, suy nhược thần kinh là “sản phẩm” không thể tránh khỏi của nền văn minh và cũng là căn bệnh mang tính toàn cầu. Suy nhược thần kinh xảy ra chủ yếu do người bệnh làm việc quá sức, căng thẳng về mặt tâm thần. Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy: Khoảng 20% dân số thế giới bị căng thẳng quá mức trong công việc. Còn tại Việt Nam, theo nghiên cứu, tỷ lệ bình quân người bị căng thẳng do áp lực cuộc sống trên cả nước là hơn 52%. Một số nguyên nhân khác như thói quen hút thuốc lá, ít vận động và mắc một số bệnh mạn tính cũng có thể dẫn tới tình trạng suy nhược thần kinh. Tuy nhiên, theo quan điểm của thiên nhiên liệu pháp, nguyên nhân thực sự của suy nhược thần kinh là do dinh dưỡng không phù hợp, lối sống và lối suy nghĩ tiêu cực cũng làm thần kinh bị suy nhược.






Trong việc điều trị, Tây y dùng thuốc an thần để trị bệnh với tác dụng chính là giúp trấn tĩnh, gây ngủ để cơ thể nghỉ ngơi, nhưng về lâu dài, tác dụng phụ là điều khó tránh. Vì vậy, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên đang là xu thế trong việc điều trị suy nhược thần kinh ngày nay.