Không biết mọi người thế nào, chứ kinh nghiệm của mình là kinh nguyệt bất thường, bỗng dưng không ổn định; hoặc là bẩm sinh đã “không bình thường” thì đều có nguyên nhân của nó. Mình từng ngồi đồng ở phòng khám phụ khoa tư nhân (vì có mẹ của đứa bạn thân làm nghề này); nên mình thường được nhắc nhở là nếu có điều gì bất thường là phải theo dõi và đi khám ngay lập tức.



Chu kỳ bất thường là như thế nào? Nói cho dễ hình dung là nếu các chị em thấy "bạn thân" có sự khác lạ như tự nhiên biến mất, chậm hoặc nhanh hơn so với bình thường, quá nhiều hoặc quá ít so với bình thường… thì hãy đi kiểm tra ngay lập tức.



Thường thì nguyên nhân chỉ vòng quanh mấy thứ sau đây, và chị em cũng nhớ là đây chính là những câu mà bác sĩ sẽ hỏi/kiểm tra cho chị em mình khi thăm khám nhé:



1. Bạn có chắc là mình không mang thai chứ?



Nếu không thấy nguyệt san đến như thường lệ, điều đầu tiên mà chị em cần nhớ đó là có chắc mình không mang thai không? Liệu trong tháng qua có lúc nào cao hứng "yêu" không an toàn không? Kể cả khi mang thai rồi, thì đến đúng lịch của chu kỳ kinh, vẫn có thể ra một chút máu báo nhé các mẹ. Rất nhiều trường hợp các mẹ có bầu mà không biết mình đã vỡ kế hoạch, do chủ quan.



2. Bạn có đang bị stress quá không?



Chúng ta đều biết là tuyến yên ở não tác động đến sự rụng trứng. Nhưng tuyến yên chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có cả cảm xúc, tâm trạng như căng thẳng, lo âu… Đây chính là lý giải tại sao khi quá stress, chị em có thể gặp hiện tượng mất hoặc chậm kinh. Ngay cả thức khuya lâu ngày, căng thẳng mệt mỏi, suy nghĩ quá nhiều... cũng khiến chu kỳ đến nhanh hoặc chậm hơn.



3. Có phải bạn vừa tác động đến biện pháp tránh thai của mình?



Thời gian bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai, chu kỳ sẽ đến sớm hơn và kéo dài hơn bình thường. Khi ngừng dùng thuốc, chu kỳ cũng sẽ trở chứng đôi chút - đó chính là lý do vì sao các bác sĩ khuyên chúng ta nên ngưng dùng biện pháp tránh thai 1-2 tháng rồi hãy "thả" để có thai. Hoặc ngay khi bạn thay đổi biện pháp tránh thai cũng khiến chu kỳ trở nên đỏng đảnh hơn.



Nếu mà dùng các biện pháp tránh thai, thì các chị em cũng phải "tập xác định" ngay từ đầu là chúng có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt. Những biện pháp tránh thai liên quan nhiều đến nội tiết như thuốc uống, tiêm, cấy que tránh thai thường có tác động nhiều hơn so với biện pháp khác như vòng tránh thai, màng ngăn âm đạo hay bao cao su. Biết để lựa chọn biện pháp nào tốt nhất cho cơ thể mình nhé các chị em.



4. Liệu có phải bạn đang bị bệnh?



Đừng coi thường ạ, vì có những bệnh tưởng chừng không liên quan đến kinh nguyệt như cảm lạnh, cảm cúm cũng có thể tác động đến nội tiết và làm cho chúng ta bị chậm hoặc mất kinh.



5. Bạn có đang gặp vấn đề với tuyến giáp?



Chị em mắc bệnh về tuyến giáp chắc sẽ hiểu rõ điều này hơn; vì dú nếu mắc bệnh cường giáp có thể khiến lượng kinh nguyệt ít đi (hoặc không có gì cả), trong khi bệnh suy giáp có thể gây chảy máu nặng. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng khác thường trong kì kinh nguyệt, nên nói chuyện với bác sĩ sớm để kịp thời tìm nguyên nhân và kịp thời khắc phục là vậy.



6. Bạn có đang bị bệnh mãn tính?



Bệnh mãn tính liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt như hội chứng buồng trứng đa nang và lạc nội mạc tử cung là 2 bệnh chắc chắn có thể ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt, thường làm cho chúng kéo dài hơn, nhiều hơn hoặc ra máu bất thường. Thậm chí còn khiến chị em bị đau khi đến ngày. Nếu thấy các triệu chứng này thì bạn rất cân đến gặp bác sĩ, vì hậu quả của nó không chỉ dừng lại ở việc chu kỳ thất thường mà còn ảnh hưởng đến cả khả năng làm mẹ.



7. Có thể bạn đang trong thời kì tiền mãn kinh!



Tùy vào thể trạng của mỗi người mà tuổi mãn kinh sẽ sớm hay muộn. Nếu bước vào độ tuổi 40, thì khả năng mãn kinh là khó tránh khỏi. Triệu chứng của thời kì này là kinh nguyệt không đều, có thể chậm 1-2 tháng/lần hoặc lâu hơn.



Nhiều nghiên cứu đã chứng minh có thể bạn có thời gian mãn kinh tương tự như mẹ, vì vậy, hãy hỏi bà về vấn đề này để biết mình có khả năng gặp nguyên nhân này không.



8. Có khi kinh nguyệt thất thường mà chẳng có nguyên nhân nào hết!



Đây mới là điều đáng lo. Đôi khi cơ thể chúng ta có những biểu hiện lạ mà không biết lý do tại sao. Nhất là ở những chị em đang cố gắng để có thai và không phải lúc nào các bác sĩ cũng có thể tìm ra nguyên nhân và giải thích tại sao. Chỉ biết là với một vài trường hợp, kinh nguyệt luôn thất thường dù họ chẳng có nguy cơ nào như kể trên.



Tốt nhất, các chị em hãy biết cách chăm sóc “người bạn” đặc biệt của mình một cách cẩn thận. Đối với người thế chất yếu, nên tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý và duy trì một tâm trạng thoải mái.