Bệnh loãng xương diễn tiến âm thầm, đến khi nhận thấy các biểu hiện của bệnh là lúc tình trạng loãng xương đã nặng mà hậu quả cuối cùng là gãy xương. Biến chứng này khó hồi phục và khả năng gây tử vong cao. Vậy những ai sẽ là đối tượng nguy cơ của bệnh?


Xương phát triển từ bé và đạt đỉnh ở tuổi 30, sau đó xương sẽ mất dần, khoảng 1% mỗi năm. Tuy nhiên, xương sống sẽ bị mất nhiều nhất, trung bình 2% mỗi năm. Gãy xương do loãng xương thường xảy ra ở các vị trí như xương cổ tay, cổ xương đùi, cột sống – đều là những vị trí nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Nếu là một trong các đối tượng sau, bạn hãy thận trọng vì có nguy cơ loãng xương cao.


Phụ nữ tiền và hậu mãn kinh: Phụ nữ sinh nở nhiều lần và nuôi con bằng sữa mẹ nhưng thường ăn uống không đủ chất, nhất là protid và canxi để bù đắp lại. Quá trình mất xương ở nữ giới cũng diễn ra nhanh hơn ở nam giới, nhất là giai đoạn tiền và hậu mãn kinh. Đặc biệt, thời kỳ mãn kinh sẽ mất xương nhiều nhất bởi lúc này, cơ thể giảm sản xuất estrogen mạnh ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp canxi. Phụ nữ mãn kinh sớm hoặc từng cắt bỏ buồng trứng càng có khả năng bị loãng xương.


Thể trạng kém phát triển, ít hoạt động thể chất: Những người thấp bé, thiếu cân hoặc còi xương, suy dinh dưỡng từ nhỏ, chế độ ăn thiếu protid, canxi, vitamin D sẽ dễ bị loãng xương. Còn thể dục điều độ kích thích sự tạo xương. Ngoài ra, vận động dưới nắng sớm còn giúp cơ thể tiếp nhận vitamin D có tác dụng tăng hấp thụ canxi. Vì vậy, người ít hoạt động thể dục hoặc nằm bất động lâu do bệnh tật thường hay bị loãng xương.


Hút thuốc, lạm dụng bia rượu: Thuốc lá, bia rượu, thậm chí cà phê nếu uống nhiều sẽ thúc đẩy việc thải canxi qua đường thận, làm giảm hấp thu canxi ở đường tiêu hóa. Do đó, những người hút thuốc và lạm dụng chất kích thích có nguy cơ loãng xương rất cao.


Xương bắt đầu mất đi từ sau tuổi 30 và phụ nữ mãn kinh là đối tượng dễ loãng xương nhất


Bị các bệnh nội tiết, suy thận: Người mắc bệnh nội tiết như cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận, … hoặc bị suy thận mãn, phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất nhiều canxi qua đường tiết niệu sẽ dễ mắc loãng xương.


Sử dụng một số thuốc: như thuốc chống đông, thuốc lợi tiểu, hen suyễn, chống động kinh (Di-hydan), thuốc trị viêm đa khớp (Corticoid) trong thời gian dài rất có hại cho xương.


Di truyền: Ba mẹ có tiền sử bệnh loãng xương thì con cái cũng dễ bị loãng xương nên bạn hãy đi kiểm tra càng sớm càng tốt.


Để phòng loãng xương, hãy chú ý đến chế độ ăn uống, tăng cường thể dục, hạn chế bia rượu và nói không với thuốc lá. Nếu đã bước vào tuổi trung niên hoặc rơi vào một trong các đối tượng trên, việc uống bổ sung canxi là cần thiết. Tuy nhiên, phần lớn canxi trên thị trường được lấy từ đá hay đá vôi, sử dụng lâu ngày sẽ gây lắng đọng canxi trên các mảng xơ vữa động mạch gây tắc nghẽn mạch máu. Vì vậy, hãy ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có thành phần canxi từ thiên nhiên để đảm bảo hiệu quả và an toàn.