http://www.suckhoe360.com/Song-khoe/Chat-beo/Nhung-dieu-can-biet-ve-omega-3-omega-6.php


Hỏi: Acid béo omega-3 là gì?


Đáp: Acid béo omega-3 (acid béo đa chưa bão hòa ở vị trí chuỗi carbon n-3) là chất béo thiết yếu cho hoạt động của cơ thể nhưng cơ thể lại không thể tự sản xuất được nó.



Nguồn cung cấp acid béo này cho cơ thể con người là các loại thực phẩm như các loại hải sản: cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá sardines hay sò ốc. Acid béo omega-3 có ích cho tim trên người khỏe mạnh và những người có nguy cơ cao hay đang mắc các bệnh tim mạch.


Hỏi: Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo gì về acid béo omega-3?


Đáp : Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo người chưa có tiền sử mắc bệnh mạch vành (coronary heart disease - CHD) nên ăn các loại cá, đặc biệt là các loại cá có chứa nhiều chất béo trong thịt như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích ít nhất hai lần mỗi tuần. Người có tiền sử mắc bệnh mạch vành được khuyên nên uống khoảng 1 gam EPA và DHA (eicosapentaenoic và docosahexaenoic acids, EPA và DHA) mỗi ngày, đặc biệt là từ dầu cá, mặc dù bác sĩ có thể phải tính toán cân nhắc việc bổ sung EPA+DHA khi khám tư vấn cho bạn. Người tăng triglyceride máu có thể cần từ 2 đến 4 gam EPA và DHA mỗi ngày bằng thuốc uống dưới sự theo dõi của thầy thuốc.


Hỏi : Thành phần acid béo omega-3 có trong cá nuôi và cá đánh bắt trong tự nhiên có gì khác nhau không?


Đáp: Vài loài cá chứa acid béo omega-3 nhiều hơn các loại khác. Vài loại cá nuôi có thể có thành phần acid béo cao hơn các loại cá trong tự nhiên hay ngược lại. Thành phần acid béo omega-3 của cá trong tự nhiên thay đổi tùy nhiệt độ mội trường sống của chúng (nghĩa là trong mùa hè thì thành phần acid béo omega-3 trong cá cao hơn mùa đông), trong khi thành phần acid béo omega-3 trong cá nuôi có thể dao động rất nhiều tùy theo việc cá được nuôi bằng thức ăn gì. Cho dù có sự khác biệt như đã nói, Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo mọi người nên ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần, đặc biệt lả những loại cá giàu acid béo omega-3 như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, không phân biệt là cá nuôi hay cá đánh bắt trong tự nhiên.


Hỏi : Tôi được khuyên nên ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần, ăn nhiều cá như vậy có sợ bị nhiễm độc gì hay không?


Đáp: Đối với nam giới tuổi trung niên và nữ giới sau khi mãn kinh, ích lợi mang lại từ việc ăn cá vài lần mỗi tuần vượt xa các nguy cơ tiềm ẩn. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng acid béo omega-3 có thể giúp giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim và giảm tỉ lệ hình thành các mảng xơ vữa gây tắc động mạch.


Đối với phụ nữ sắp hay đang mang thai, đang nuôi con bằng sữa mẹ và trẻ nhỏ, lợi ích của việc ăn cá hai lần mỗi tuần cũng lớn hơn mối lo về các nguy cơ tiềm ẩn có thể có rất nhiều. Tuy nhiên, với 4 loài cá tiêu biểu là cá mập, cá kiếm, cá ngừ đại dương và cá tilefish (một loại cá biển lớn, có đốm vàng trên thân) thì nên tránh ăn để hạn chế nguy cơ tiếp xúc thủy ngân. Ngoài ra, cá ngừ “albacore” chỉ được ăn không quá 6 ounces (khoảng 170g) mỗi bữa và chỉ được ăn một lần trong tuần do có lượng thủy ngân cao hơn nhiều so với loại cá ngừ khác. Nguy cơ tiềm ẩn bị nhiễm phải các chất độc khác (chẳng hạn như dioxin cũng có thể tìm thấy dấu vết qua xét nghiệm định tính trên nhiều loại thực phẩm) là cực kỳ nhỏ nếu so với lợi ích to lớn do ăn cá mang lại, vì vậy bạn chẳng cần phải lo ngại khi thưởng thức món cá thơm ngon chỉ vì những những quan ngại xa lắc xa lơ như vậy. Còn nếu bạn chén rất nhiều cá nước ngọt câu được từ những điểm câu cá giải trí quanh vùng bạn ở thì nên tham khảo các thông tin từ các cơ quan hữu trách về mức độ an toàn thực phẩm


Hỏi: Có nên uống bổ sung chế phẩm dầu cá không?


Đáp: Ăn cá làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo người chưa có tiền sử mắc bệnh mạch vành (coronary heart disease - CHD) nên ăn các loại cá, đặc biệt là các loại cá có chứa nhiều chất béo trong thịt như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích ít nhất hai lần mỗi tuần. Uống bổ sung dầu cá chỉ nên cân nhắc áp dụng cho từng đối tượng mắc bệnh tim hay có nồng độ triglyceride máu cao và có chỉ định của bác sĩ điều trị. Người có tiền sử mắc các bệnh lý mạch vành được khuyên nên dùng 1 gam dầu cá có chứa eicosapentaenoic và docosahexaenoic acids (EPA & DHA) mỗi ngày, đặc biệt là các chế phẩm dầu cá trích xuất từ các loại cá thịt có nhiều dầu, mặc dù bác sĩ có thể phải tính toán cân nhắc việc bổ sung EPA+DHA khi khám tư vấn cho bạn. Người tăng triglyceride máu có thể cần từ 2 đến 4 gam EPA và DHA mỗi ngày bằng thuốc uống dưới sự theo dõi của thầy thuốc. Ở liều quá cao (trên 3 gam EPA+DHA mỗi ngày) trên lý thuyết có thể gây xuất huyết trầm trọng đối với một số người.


Hỏi : Acid béo omega-6 là gì?


Đáp: Acid béo omega-6 (acid béo đa chưa bão hòa ở vị trí chuỗi carbon n-6) là chất béo thiết yếu cho hoạt động của cơ thể nhưng cơ thể lại không thể tự sản xuất được nó. Do đó, cơ thể cần thu thập chất này từ thức ăn. Nguồn thực phẩm cung cấp acid béo omega-6 bao gồm các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu cọ...), ngũ cốc và các loại hạt có dầu. Ăn nhiều acid béo omega-6 thay cho chất béo bão hòa và các loại chất béo chuyển dạng từ chất béo chưa no sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.


Hỏi : Ăn quá nhiều acid béo omega-6 có sao không?


Đáp: Không sao hết. Acid béo omega-6 là một trong những chất béo “có lợi hơn” các chất béo khác ở chỗ trên thực tế nó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy vậy, điều quan trọng là không nên ăn quá nhiều một loại loại chất béo cho dù đó là các chất béo có lợi hay bất kỳ nguồn cung cấp calori nào khác bởi vì vấn đề là nó sẽ làm bạn có nguy cơ bị tăng cân. Vì thế nên ăn vừa phải lượng acid béo omega-6 ở liều lượng khuyến cáo.


Hỏi: Khi sử dụng các chất béo chưa bão hòa thay cho các chất béo bão hòa và các chất béo chuyển dạng từ chất béo chưa no, thì chọn lựa giữa chất béo chưa no đơn và đa có quan trọng không?


Đáp: Chưa có đủ bằng chứng kết luận là chất béo chưa no đơn tốt hơn chất béo chưa no đa hay ngược lại về mặt ích lợi trong việc bảo vệ sức khỏe tim. Lượng chất béo ăn vào nên chiếm khoảng từ 25–35% tổng lượng calories.


BS.Đặng Thanh Huy – Sức khoẻ 360