Đây là kinh nghiệm phẫu thuật LASIK SMILE (ReLEx) của mình. LASIK SMILE là phương pháp mới tiên tiến, dù chi phí cao: 35 triệu/mắt (nhưng VN vẫn rẻ so với TG: ví dụ ở Đức, €2,200/mắt). Lúc mình tìm hiểu loại phẫu thuật này để chuẩn bị mổ cận thì thấy không có nhiều thông tin và kinh nghiệm của người đi trước.


Một năm sau ngày mổ, mình quyết định chia sẻ những gì mình biết, kể cả kinh nghiệm cá nhân – là bệnh nhân từng trải qua phẫu thuật LASIK SMILE. Hy vọng giúp bạn có thêm nhiều thông tin, và từ đó có nhiều lựa chọn hợp lý cho bản thân. Mình không phải là bác sĩ, cũng không phải nhà nghiên cứu y học; do đó, bạn cần tiếp nhận những gì mình chia sẻ một cách có cân nhắc, và sự tư vấn chính thức của BS phẫu thuật cho bạn sẽ là quyết định cuối cùng. Bạn có thể kiểm chứng những thông tin mình cung cấp qua Internet (chỉ cần bỏ 1 tuần lang thang trên Google, tìm hiểu chủ đề này, nhất là các trang tiếng Anh uy tín, như http://www.lasikcomplications.com/ hoặc http://www.zeiss.com/). Những thông tin mình cung cấp, bạn nên xét thời điểm là tháng 4/2013. Qua một năm biết đâu nhiều sự đổi thay mà mình ít cập nhật. Ví dụ như hiện nay, ngoài Bệnh viện Mắt TPHCM (BVMTPHCM), đã có bệnh viện 30-4 thực hiện LASIK SMILE, nhưng không rõ chi phí bao nhiêu, ai phẫu thuật.



Nhận xét chung:


Thông tin về phẫu thuật LASIK trên mạng khá nhiều, nhưng đáng chú ý nhất là: với phương pháp thường quy, BS dùng dao cơ học nên sẽ ít chính xác; với phương pháp Femto, BS dùng Femtosecond Laser để cắt vạt giác mạc, chính xác hơn nhiều, hạn chế rủi ro liên quan cắt vạt giác mạc. Tuy nhiên, cả 2 phương pháp này đều lật vạt giác mạc lên, sau đó chiếu Excimer Laser, nhằm bào mòn (làm bốc hơi, làm tan) các tế bào mặt trước của mắt một cách chính xác để đưa độ lồi lõm của mắt về gần với trạng thái mắt tự nhiên, qua đó “hết cận”. Vạt giác mạc này tiếp đó sẽ được đậy lại, và lành theo thời gian, nhưng không thể nào “lành như chưa mổ”. Tìm hiểu trên mạng, từ các nguồn uy tín, mình biết được một số chuyện như: một bệnh nhân nọ mổ LASIK (thường quy) sau vài năm, người đó bị tai nạn và “vạt giác mạc” cũ bị bung ra! Hy vọng đây là chỉ là trường hợp hiếm. Ngoài ra, do vạt giác mạc bị lật đáng kể như vậy, khó lành như xưa, phẫu thuật LASIK (thường quy + Femto) không được khuyến khích với những người có rủi ro cao va chạm mạnh vào mắt như cảnh sát, vận động viên, võ sĩ… Phương pháp SMILE (ReLEx) khắc phục được các điểm yếu này: dùng Femtosecond Laser để cắt một khối rời rạc bên trong lớp tế bào giác mạc trước con ngươi (corneal stroma), thiết bị cũng sẽ tạo một vết cắt khoảng 4mm để BS sau đó rút khối này ra từ vết cắt (https://www.youtube.com/watch?v=fdnPAg_y52M). Vết cắt của SMILE chỉ 4mm so với 2 phương pháp kia, đến 24mm (gấp 6 lần). Phương pháp SMILE vì vậy được xem là “ít xâm lấn”, giúp mắt mau lành và ổn định hơn, kể cả trước mắt và lâu dài. Giống như các bệnh khác, mổ ít xâm lấn, như mổ nội soi bao tử, thường tốt hơn “phương pháp dao kéo” (cho bệnh nhân hôn mê sâu, rạch da, mổ, khâu lại => nhiều rủi ro, biến chứng, cả lúc mổ và sau mổ). Tóm lại, theo mình nghĩ, nếu điều kiện tài chính cho phép, tốt nhất nên phẫu thuật LASIK SMILE.



Mình nghĩ khi tác động lên bề mặt trước con mắt, ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến mắt. Chẳng hạn như hiện tượng khô mắt sau mổ LASIK (bất kể phương pháp): giác mạc bị cắt, bắn Laser, có thể dẫn đến việc các tế bào thần kinh ở mắt kém nhạy, vì thế nó không phát hiện tốt sự khô mắt và không đánh tín hiệu kịp thời cho ta chớp mắt, dẫn đến khô mắt nghiêm trọng. Cũng có khả năng các tuyến tiết nước mắt sau mổ không còn nhạy như xưa. Xét vậy, ta thấy phương pháp ít xâm lấn của LASIK SMILE góp phần đáng kể trong việc hạn chế gây tổn hại cho mắt, qua đó ít khô mắt hơn (theo y văn, LASIK SMILE gây ít khô mắt nhất, so với các phương pháp khác).



Việc phẫu thuật LASIK (nói chung) an toàn đến mức nào thì có không ít những quan ngại như các kết quả khảo sát ở nhiều nơi trên thế giới bị nghi ngờ làm “biến dạng”, “làm đẹp số liệu”, loại bỏ các trường hợp “bất lợi”. Các nhà sản xuất cố ý dùng các từ ngữ “giảm nhẹ” để thuyết phục các cơ quan y tế về độ an toàn của phẫu thuật LASIK. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bản thân bệnh nhân mổ LASIK chưa chắc biết chính xác về con mắt của họ (họ hy vọng quá nhiều vào phương pháp LASIK, để rồi khi thấy nó không hoàn hảo 100%, thì có cái nhìn tiêu cực. Và họ sẽ phản ánh vào khảo sát, dẫn đến kết quả khảo sát kém khách quan). Trước khi mổ, có khi mắt bệnh nhân cũng đã sẵn có vấn đề khác; mổ LASIK chỉ là “chỉnh sửa quang học” cho mắt chứ không chữa bệnh khác vốn có trước đó của mắt. Tóm lại, khi một bệnh nhân phẫu thuật LASIK than phiền, bạn sẽ tin bao nhiêu phần trăm?



Diễn biến:


Khoảng tháng 4/2013, mình đi khám ở Bệnh viện Mắt Cao Thắng. Đây là bệnh viện tư và chất lượng khám chữa bệnh tốt. Nhưng sau khi nghe tư vấn mổ LASIK (kiểu thường quy), mình cảm giác vết mổ do lật vạt có thể không bao giờ lành lặn như xưa. Tìm hiểu thêm trên mạng thì thấy LASIK SMILE giúp hạn chế tối đa vấn đề này, và hiện ở VN chỉ có BVMTPHCM là thực hiện chữa cận bằng phương pháp đó (thời điểm 4/2013). Vì vậy, mình quyết định chuyển sang LASIK SMILE ở Khoa Mắt BVMTPHCM. Trong khoa, BS Yến là người duy nhất có khả năng thực hiện mổ SMILE.



Sáng thứ sáu (4/2013), mình đóng 500k để “tiền khám” xem phù hợp với loại LASIK nào (các thông số cần cho việc mổ cũng được thu thập như bề dày của giác mạc). Việc khám này mất đến một buổi vì vậy bạn nên đến từ sáng sớm. Kinh nghiệm khám ở BVMTPHCM là nếu muốn xong sớm, phải đến trước cả giờ bên đó thực sự bắt đầu làm việc (ví dụ 7h30 thì nên có mặt trong tầm 7h để mình là một trong những người đầu tiên nhất). Các bước khám sẽ diễn ra ở nhiều phòng. Bạn sẽ được yêu cầu ngồi chờ trước cửa phòng đợi kêu tên. Xong bước khám ở phòng đó, hồ sơ sẽ được chuyển cho phòng khác và bạn được nhắc đợi trước phòng tương ứng. Các bước khám cũng dài nên lần đó do mình không đi sớm vào buổi sáng, dẫn đến buổi chiều phải vô khám tiếp. Buổi chiều, nhân viên tiếp tân gọi tên và mình được nhỏ thuốc liệt điều tiết 3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 5 phút; thuốc này khiến mắt khó nhìn gần (không an toàn nếu tự đi xe đến khám, tốt nhất có người nhà dẫn đi). Thuốc mất một thời gian mới có tác dụng. Và mất khoảng 4-6 tiếng sau đó mắt mới thực sự trở lại bình thường. Đừng cố điều tiết nhìn gần khi bị ảnh hưởng bởi thuốc vì mắt sẽ khó chịu, chảy nước mắt, nhức mắt. Sau khi về, mình ngủ vài tiếng, một mặt để mắt được nghỉ, mặt khác tỉnh dậy thì cũng hết luôn tác dụng của thuốc.



Đến hơn giữa buổi chiều là mình xong hết các giai đoạn khám. Tiếp đó, vào phòng tư vấn, mình được tư vấn là mắt thích hợp cho mổ LASIK “thường quy” (bề dày giác mạc đủ). Tuy nhiên, BS tư vấn (không phải BS Yến) nói một câu khiến mình băn khoăn: “Giác mạc đủ độ dày, nên ngay cả khi bị tái cận thì chiếu Laser lần 2 cũng dễ vì chỉ cần lật lại vạt cũ”. Suy luận ra, vết mổ vạt giác mạc sẽ “không bao giờ” lành như xưa (vị bác sĩ này hàm ý đó với LASIK thường quy, nhưng mình nghĩ phương pháp LASIK nào cắt giác mạc cũng sẽ thế). Do đã chuẩn bị trước nên mình yêu cầu được sử dụng phương pháp SMILE, với hy vọng cách tiếp cận “xâm lấn tối thiểu” sẽ tốt hơn. Vị bác sĩ cho biết hiện chỉ có BS Yến thực hiện mổ SMILE và ghi trên hồ sơ cho nhân viên tiếp tân đặt lịch hẹn tư vấn với BS Yến. BS đó cũng nói là mổ bằng SMILE thì thời gian hồi phục chậm hơn; và nếu bị tái cận, sẽ chỉ có thể điều trị tiếp bằng phương pháp thông thường (LASIK thường quy) – nói cách khác, SMILE chỉ có thể thực hiện một lần trong đời! Sáng ngày khác, đúng 7h30, mình có mặt và đợi trước phòng “Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt” (BS Yến). Mình đã chuẩn bị trước vài câu hỏi.



1). Vạt có lành như xưa (không ám chỉ cụ thể phương pháp mổ nào)? BS Yến trả lời: “lành 85%”.



2). Độ cận thấp vậy (mình cận 2 mắt khác nhau, nhưng chỉ khoảng trên 2 độ), thì có bảo đảm 100% chữa khỏi cận/loạn? BS Yến trả lời: “Trong mổ không thể chắc chắn 100% mọi chuyện, ngay cả khi tôi mổ cho người nhà, tôi cũng không thể chắc chắn 100%”. Một điều chú ý đặc biệt là BS Yến có vẻ nhấn mạnh tính phức tạp của loạn trong điều trị: độ loạn làm cho việc chữa trị trở nên khó khăn hơn, và sau mổ chưa chắc độ loạn trở về 0, đặc biệt là “loạn do sinh lý”. Theo BS, nếu độ loạn diễn biến phức tạp sau mổ thì có 2 tình huống: nếu 0.75 – tức là ảnh hưởng lớn đến thị lực thì BS sẽ xem xét giải quyết tiếp tục.



3). Mổ LASIK này thì nó có thể sẽ làm phức tạp trong việc chữa trị các chứng bệnh mắt khác sau này, nên mình yêu cầu đưa hồ sơ chi tiết chẩn đoán bệnh cho mình. BS Yến trả lời: “Hồ sơ là để lưu trong bệnh viện, trường hợp bệnh nhân qua nước ngoài và chữa bệnh về mắt, họ có thể yêu cầu bệnh viện xuất hồ sơ này dưới dạng tiếng Anh”). Thiết nghĩ việc không tự tiện cung cấp hồ sơ bệnh án cũng có lý do riêng: nếu bệnh nhân tiếp nhận quá nhiều thông tin bệnh lý, trong khi bản thân họ lại không đủ trình độ hiểu, tất yếu dẫn đến lo lắng, thậm chí tung hê lên, làm khó BS nếu vô tình chớp được một dòng nào đó trong bệnh án mà họ tìm trên mạng và biết mơ hồ nó thể hiện “tiêu cực”!



4). Giá mổ 2 mắt? BS Yến trả lời: “35 triệu/con”.



5). Có cách nào chuyển khoản được không vì đây rõ ràng là một số tiền lớn? BS Yến trả lời: “Bệnh viện hình như chưa hỗ trợ chuyển khoản”, nhưng BS không chắc nên yêu cầu nhân viên tiếp tân hỏi lại phòng tài vụ xem có cách nào linh động giải quyết trường hợp này.



6). Khi nào có thể dụi mắt được và đeo kiếng bảo vệ bao lâu? BS Yến trả lời: “Mổ SMILE thì sau đó vẫn có thể dụi tay vào mắt được (không kiêng cữ như LASIK thường quy, và thậm chí có thể không cần đeo kính trong tuần đầu)”. Nói thì nói vậy, nhưng chắc cũng không nên “thử xem BS nói có đúng không”.



Sau đó, BS Yến yêu cầu làm thêm một loạt xét nghiệm khác. Mình nghĩ các xét nghiệm thêm này một mặt để đáp ứng với kiểu mổ SMILE, mặt khác nó thể hiện sự khám kỹ lưỡng, chi tiết hơn (tương ứng với giá tiền 70 triệu!). Các bước khám thêm này dài hơn toàn bộ quá trình khám dành cho kiểu LASIK thường quy! Mình bị đưa vào gần như hết thảy các máy móc trong đó. Có những máy rất lạ như Ocular Response Analyzer của hãng Reichert (http://www.reichert.com/product_details.cfm?pcId=418&skuId=2976&skuTk=1036239258); rồi các BS (không phải BS Yến) cũng khám độ khô mắt thông qua việc bỏ giấy đo vào mắt và yêu cầu nhắm mắt lại trong 5 phút; rồi khám nhận biết tương phản ở các điều kiện ánh sáng khác nhau; rồi chụp X-quang cho mắt. Lần khám thứ 2 này cũng dễ hiểu là kéo dài sang cả buổi chiều. Nói ngoài lề, mình nghĩ để khám độ cận thì tốt nhất nên đo và làm tròng ở bệnh viện chuyên khoa mắt như BVMTPHCM hay Bệnh viện Mắt Cao Thắng. Ở ngoài mua thì quá lắm chỉ nên mua cái gọng. Mình rất nghi ngờ khả năng chuyên môn của các “kỹ thuật viên” ở tiệm kính tư nhân nhan nhản ngoài đường trong việc chẩn đoán đúng độ cận. Khi khám xong thì cũng hơn 5 giờ chiều, lúc này nhân viên tiếp tân có nói là hiện bệnh viện chưa hỗ trợ chuyển khoản. Trước khi ra về, nhân viên tiếp tân còn yêu cầu mình thực hiện xét nghiệm máu (trong bệnh viện), giá 60k. Lúc đầu mình tưởng xét nghiệm HIV thì mình nói mới xét nghiệm bên Bệnh viện Bình Dân, có dùng được kết quả không thì được trả lời là chỉ xét nghiệm trong nội bộ bệnh viện mới được chấp nhận (cái này là bệnh dài tập của bệnh viện VN khi mà không tin kết quả lẫn nhau). Mình đi vô phòng xét nghiệm ở khu khác và được lấy máu (hình như không chỉ xét nghiệm HIV). Người ta cần xét nghiệm HIV vì nếu có, BS sẽ cẩn trọng hơn với bệnh nhân đó, ví dụ như sắp xếp mổ sau cùng, để hạn chế tối đa rủi ro lây nhiễm cho bệnh nhân khác. Kết quả xét nghiệm gần như có ngay. Lấy kết quả quay trở lại phòng LASIK thì được thông báo là mọi chuyện đều xong. Họ cũng dặn dò thêm, ngoài việc đưa tờ rơi: ăn mặc thế nào (như mặc áo ấm vì phòng mổ lạnh); không mặc áo len (vì có lẽ sợi len bay bay trong không khí và rơi vào vùng mổ); không xịt dầu thơm hay dầu gió (có thể ảnh hưởng đến Laser Excimer). Do mình không muốn xếp hàng đóng tiền ở phòng tài vụ vào ngày mổ (có khi phải xếp hàng chờ gọi tên mỏi mòn), mình nghĩ trước khi mổ nên có tâm lý ổn định thay vì mệt mỏi nên đã lên bệnh viện đóng tiền vào hôm sau (hôm sau nữa mới mổ).



Ngày mổ, người ta hẹn 7h sáng. Mình 7h10 có mặt nhưng thấy cũng đã có nhiều người (không quá đông) ở phòng chờ bên ngoài phòng mổ. Phòng mổ là ngay phía trên khu khám LASIK (lầu 1). Khi đưa phiếu hẹn mổ và biên lai, mình được y tá yêu cầu đi rửa mặt. Họ cũng đưa mẫu giấy cam kết để mình ký và người nhà ký (có thể bệnh viện muốn tránh bị kiện cáo, nên ép bệnh nhân thế; nhưng nếu nghĩ tích cực sẽ thấy khi đặt bút ký, chúng ta sẽ đọc thật kỹ mọi điều khoản; đây là biện pháp tốt hơn hẳn chuyện nhắc suông phải đọc các rủi ro gắn liền với Phẫu thuật LASIK SMILE). Tiếp đó ngồi chờ gọi tên, khi được gọi vào, mình được yêu cầu để giày bên ngoài và mang dép nhựa riêng của phòng mổ. Khi vào bên trong đã có sẵn vài bệnh nhân đợi. Mình được cho mặc áo khoác mỏng và mũ màu xanh lơ (nút phía sau lưng, cũng giống như mọi cuộc phẫu thuật khác, chắc để tránh phân tâm BS lúc mổ, chỉ tập trung đúng vùng mổ; và cũng tránh nhiễm khuẩn, bụi từ quần áo bệnh nhân). Sau khi mặc, mình được yêu cầu uống 1 viên thuốc màu trắng, sau đó ngồi đợi sát trùng mặt. Mình được yêu cầu nằm trên giường, mở to mắt, BS (không phải BS Yến) đổ nước gì đó để rửa mắt, rồi dùng dung dịch sát trùng toàn bộ vùng mặt. Sau đó BS dặn không được chạm tay vào mặt. Mình được yêu cầu vào phòng đợi thứ 2, không gian phòng này khá nhỏ hẹp. Trong đó, mình được yêu cầu nhắm mắt (cho mắt nghỉ ngơi trước mổ). Mình có nghe vài bác sĩ nói chuyện trong phòng: “Có mấy ca? 2 Femto và 1 smile; mổ cái nào trước? Smile” (mình nghĩ không phải do tiền mổ smile gần gấp đôi mổ Femto nên được ưu tiên, chẳng qua là vì khi mổ SMILE chỉ tốn duy nhất một bước, một máy. Cái gì nhanh gọn thường được ưu tiên). Khi được gọi vào phòng mổ chính, mặc dù được yêu cầu nhắm mắt và được dìu vào, nhưng mình thỉnh thoảng vẫn mở mắt ra và nhận ra cái máy VisuMax (http://www.zeiss.com/meditec/en_de/gateway/visumax.html) mà mình đã tham khảo từ trước. Nói thêm, về công nghệ cao thì nhìn chung mình có thiện cảm nhất với Đức, kế đến là Nhật, và sau là Mỹ. Carl Zeiss là hãng nổi tiếng về các ống kính máy ảnh đắt tiền nhưng chất lượng rất cao. Lúc này, mình đang ngồi và BS Yến che khẩu trang đi ra, yêu cầu mình mở to mắt, nhìn thẳng, trái và phải để BS đánh dấu vị trí gì đó lên mắt của mình (chắc là bằng bút lông). Sau đó, mình mở mắt ra luôn. Tiếp, mình được nhân viên phòng mổ yêu cầu nằm lên giường của máy VisuMax. Lúc đầu mình để tay ngang bụng nhưng được yêu cầu duỗi thẳng ra và để cơ thể thư giãn. Tiếp đó, cái bàn của chiếc máy này quay vào bên trong, phía trên mình lúc này là ống phóng Laser. BS dùng băng dán cố định 2 mi trên dưới (chắc để tránh vô tình đóng mi mắt lại trong lúc bắn Laser. Chú ý: khi bắn Laser thì mắt LUÔN mở to!). Mình bị đổ chất gì đó lên mắt (có lẽ để tránh khô mắt), rồi kế tiếp máy bắt đầu khởi động. Ống Laser được đưa xuống đến gần mắt mình, mình được yêu cầu nhìn cái vòng xanh xanh trong đó, cái vòng này nó di chuyển từ bên này qua bên kia. Mình được yêu cầu chỉnh tư thế đầu. Mình cố gắng giữ thật yên cái đầu (mặc dù tin tưởng máy móc hiện đại nhưng không rõ họ sẽ làm gì nếu khi đang chiếu Laser, mình đột nhiên quay đầu? Liệu hệ thống có tự động ngắt Laser? Liệu Laser có thay vì bắn vào giác mạc nó bắn vào chỗ khác? Rồi bắn nửa chừng vậy, hệ thống làm sao phát hiện đang “chính xác” bắn đến đâu để tiếp tục phần còn lại? Chỉ cần sai lệch 1-2 mm là xong!). Khi nhìn cái vòng màu xanh lá cây thì đột nhiên mình không thấy nó nữa (có lẽ Laser vừa bắn). Việc bắn chỉ kéo dài khoảng vài giây. Mình nghe những âm thanh phát ra từ máy như thế này: “Session On ➨ Ready ➨ Session Off ➨ Safe Distance”. Có thể “Ready” là lúc bắn Laser, còn “Safe Distance” là lúc cái giường nằm di chuyển ra bên ngoài. Sau khi bắn Laser, mình vẫn nằm trên giường và giường được kéo ra phía trước để BS Yến tiếp tục công việc, ánh đèn mổ chiếu vào mắt bấy giờ mình không còn nhìn thấy rõ nữa (toàn bộ ánh sáng thu nhận được giống như cảm giác đèn sợi tóc đốt phát sáng phía sau cánh cửa kiếng phòng tắm mờ đục). Có lẽ, giai đoạn này là lúc BS Yến lấy miếng giác mạc đã cắt thông qua khe hở nhỏ được cắt ở mắt (LASIK SMILE). Khi xong hết mọi chuyện, mình được y tá dìu ra ngoài phòng chờ tạm (như trên). Lúc này mắt vẫn thấy nhưng khung cảnh lờ mờ (dù vẫn thấy đường để đi). Người ta để mình ở phòng tạm này khoảng 10 phút, xem có biến chứng gì nghiêm trọng không. Khi ổn ổn thì họ ra dẫn mình ra ngoài. Lúc này y tá sẽ giúp cởi áo mổ, cho cái kiếng bảo vệ để đeo. Mình đổi dép, ra ngoài, lúc này mới biết là người thân đã nhận được thuốc và hướng dẫn hậu phẫu (cách dùng thuốc, chăm sóc mắt....). Người thân đưa mình ra ngoài và kêu một chiếc taxi để chở về. Theo mình, mặc dù có thể ngồi sau yên xe máy để về nhưng rủi ro lớn nhất của mổ LASIK là nhiễm trùng. Thử tưởng tượng khi bạn ra về thì đột nhiên trời mưa, nước mưa cuốn bụi vào mắt, mang cả ổ vi trùng, hoặc đơn giản khói bụi lọt vào mắt. Tất cả những nguy cơ này phòng nó rất mệt mỏi nhưng có thể hóa giải dễ dàng nếu đi xe hơi kín về nhà. Khi về nhà (9h30 sáng), mình đi ngủ liền (vẫn đeo cặp kiếng bảo vệ), ngủ đến gần 3 giờ chiều thì thấy mắt cũng đỡ đỡ, dù rằng vẫn không nhìn thấy rõ (mình nhớ lúc ra taxi, cảm giác thế này: vẫn thấy cảnh vật nhưng giống như sáng ngủ dậy, mắt mở khó, ánh sáng đi vào không trung thực dù rằng vẫn thấy cảnh quan chung nhưng không thấy rõ ở các đường nét khung cảnh).



Toa thuốc mình có kèm theo đây, trong đó là thuốc kháng sinh, kháng viêm, nước mắt nhân tạo. Có thể diễn dịch toa thuốc này là: phòng chống nhiễm trùng và viêm, cộng với mang lại cảm giác dễ chịu (bệnh nhân sau mổ LASIK dễ bị khô mắt, đặc biệt với phương pháp thường quy và khi độ mổ cận cao). Trong tuần đầu tiên mình thực hiện kiêng cữ cao độ như không xem TV, không xài máy tính, không xài điện thoại, không đọc báo giấy, sách truyện…; chỉ ăn ngủ, đi lòng vòng trong nhà, làm vài việc vặt. Mặc dù ngay cả mổ LASIK bình thường, trong toa thuốc cũng ghi không cần kiêng cữ gì cả, nhưng cẩn tắc vô áy náy. Nếu mắt bệnh nhân có làm sao thì đưa bệnh viện chữa, họ hì hục làm đủ mọi cách rồi cuối cùng mắt mình cũng bị thiệt. Tốt nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Như mình nói lúc đầu về nhiễm khuẩn, sau mổ mà lang thang ngoài đường, khói bụi, nước dơ vào thì nguy cơ nhiễm trùng cao. Bạn đọc phần rủi ro trong tờ giấy bệnh viện phát cho, trong đó chú ý câu: “Nhiễm trùng: một số trường hợp không kiểm soát được bằng thuốc”. Bị nhiễm khuẩn đã mệt, đằng này còn có rủi ro thuốc chữa không có hiệu lực! Lúc đầu, mình nghĩ luôn đeo kính bảo vệ sau mổ sẽ rất vướng víu. Nhưng có nó rất lợi, vì đôi lần mình vô ý lấy tay dụi mắt lúc ngủ dậy, may có kiếng cản lại. Chưa kể mang kiếng sẽ phòng tránh những rủi ro như khi ăn súp, nếu lỡ tay rớt cái muỗng xuống thì nước tung tóe lên mắt. Mắt bình thường trường hợp này xử lý cũng mệt, huống hồ mắt vừa mổ. Dù BS không bắt kiêng cữ chi hết, người nhà mình cũng không làm những thức ăn dễ có vấn đề như cá biển, hải sản, vì biết đâu nó làm cơ thể phản ứng không tốt (ngứa, phong…), ảnh hưởng đến quá trình lành mắt. Mắt là chuyện cả đời, mình sẵn sàng kiêng cữ cả tuần để hạn chế rủi ro.



Hồi phục:


Sau mổ, thị lực nói chung càng về sau càng cải thiện, nhưng thời gian đầu có một số vấn đề như: đọc chữ trên smartphone hơi lâu một chút là thấy chóng mặt, xem chữ trên máy tinh rất khó chịu mặc dù đọc chữ trên báo không có vấn đề gì. Sau đúng 1 tuần thì mình không đeo kính bảo vệ 24/24 nữa, nhưng vài tuần sau đó, mỗi khi ra ngoài trời đi xe là mình đeo kính bảo vệ cho chắc ăn, không để mưa gió bụi bặm hành hạ con mắt. Làm việc với máy tính lúc đầu hơi khó chịu nhưng càng làm việc thì có vẻ mắt nó thích ứng được và cảm thấy dễ chịu hơn. Sau này, mình có mua kiếng mát để đi đường, tránh trường hợp trời nắng gắt, mắt phải gắng sức làm việc. Để vết mổ ổn định, tuần đầu, mình nghĩ không nên đưa đẩy bản thân vào những tình huống bực dọc, tức giận. Khi tâm lý kém thoải mái thì ít nhiều cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành của mắt.



Nhìn chung sau 1 năm, mình thấy mắt khá ổn (“chưa” thấy vấn đề gì nghiêm trọng). Một mắt của mình có độ loạn và sau phẫu thuật, độ loạn bớt nhưng vẫn không hết hoàn toàn. Mình không bị lóa mắt. Tuy nhiên, trong bóng tối mình có cảm giác rất khó điều tiết nhìn rõ những ánh đèn nhỏ (có thể do độ loạn vẫn còn). Và mỗi sáng tỉnh dậy hoặc mỗi khi đi gió nhiều, mình có cảm giác hơi khô mắt (trong người mình thường thủ sẵn nước mắt nhân tạo, và mỗi ngày dùng trung bình 1 chai nhỏ). Mình không chắc sự khô mắt này là do LASIK SMILE hay người nào cũng vậy, đi gió nhiều ai mà không khô mắt?



Những vấn đề liên quan:


Ngoài vấn đề chính như trên, trong quá trình phẫu thuật mắt, mình cũng gặp một số chuyện linh tinh như bệnh viện linh động mổ cả ngày thứ bảy dành cho bệnh nhân ở xa nếu họ chịu chi thêm 1 triệu so với chi phí chuẩn. Ngoại trừ các trường hợp như giác mạc mỏng phải mổ bằng phương pháp SMILE, các BS tư vấn (không phải BS Yến) sẽ mặc định bạn chọn phương pháp thường quy, và khi đồng ý, họ cũng sẽ là người phẫu thuật mắt cho bạn. Mình thấy có đôi điều không ổn: BS tư vấn có chút ép buộc tiến hành phương pháp LASIK thường quy, vì bản thân BS đó không mổ được SMILE (lúc đó chỉ có BS Yến là đủ khả năng) nên ít nhiều họ muốn có thêm việc để làm, dạng như giảng viên ĐH dạy càng nhiều tiết thì có thêm nhiều lương. Nếu thực sự bạn muốn mổ SMILE thì phải dứt khoát chọn SMILE và không để bị thuyết phục mổ bằng phương pháp khác.



Trước đó không lâu, mình có thói quen “tiết kiệm điện”, kiểu như nếu mắt vẫn thấy máy tính, báo, sách ổn thì cứ để vậy. Nói nôm na, dùng ánh sáng ít nhất. Nhưng về sau mình thấy điều này hết sức nhảm nhí, vì tiết kiệm không bao nhiêu nhưng nó bắt mắt mình điều tiết quá sức, và hậu quả là dễ bị cận. Phòng mình hồi đó chỉ có 1 đèn huỳnh quang 1m2 và 1 đèn 3 tấc. Mình vẫn để vậy một thời gian dài. Bây giờ, trong phòng đã thay bằng 1 đèn 1m2 và 4 đèn COMPACT 25W, khiến cho phòng sáng trưng. Mình cũng hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại trong ánh sáng yếu. Số tiền mổ mắt SMILE này mình tin rằng lớn hơn tất cả số tiền tiết kiệm được từ sự tắt vài ba cái bóng đèn. Lưu ý: ngay cả khi mổ LASIK, dù phương pháp gì, thì cũng khó sánh bằng một cặp mắt không bị tật (cận/viễn là “tật”, không phải “bệnh”), khỏe mạnh tự nhiên.



Bạn nên chọn đúng thời điểm tiến hành mổ mắt, ví dụ như trước khi xin việc, hoặc sắp xếp để xin nghỉ hẳn một tuần. Mặc dù LASIK thường quy ghi là chỉ cần 2 ngày sau là có thể làm việc như thường, nhưng liệu bạn có nên như vậy? Đặc biệt với mổ SMILE thì thời gian hồi phục lâu hơn (BS Yến cảnh báo). Bản thân mình thấy mổ SMILE có lẽ cần đến 2 tuần sau mổ để mọi chuyện đều tốt.



Ở thời điểm 5/2013, cách mổ SMILE, FDA (Mỹ) chưa phê chuẩn: họ chỉ mới tiến hành nghiên cứu khảo sát, có thể có quyết định trong năm 2013. Tìm hiểu thì mình cũng được biết mổ LASIK được chỉ định cho các quân nhân Mỹ, điều này chứng tỏ nó an toàn. Tuy nhiên, ngẫm kỹ hơn thì thấy tiềm ẩn “xung đột lợi ích” của quân đội Mỹ trong chuyện xử lý những quân nhân bị cận trong quá trình tại ngũ: nếu ép họ giải ngũ thì chi phí đào tạo, huấn luyện sẽ mất, cộng thêm việc quân số sẽ hao hụt. Hiệu quả LASIK dù sao đã chín mùi, nên Mỹ chỉ định thực hiện phẫu thuật này trong quân đội là điều dễ hiểu. Dù vậy, nếu cho rằng LASIK như “tiên dược” thì không ổn: không phương pháp phẫu thuật nào trả lại đôi mắt khỏe mạnh một cách tự nhiên.



Trước 5/2013 rất lâu, mình cũng đã muốn đi mổ LASIK, nhưng cứ lần lữa mãi đến tận thời điểm đó. Dù vậy, mình cảm thấy có nhiều điều may mắn: do chờ đợi nên phương pháp SMILE mới ra đời (chỉ có ở VN 1-2 năm nay), mắt người thực ra vẫn tiếp tục phát triển đến năm 30 tuổi (tài liệu nào đó nói điều này), mình hiện nay 30 – gần chót thời gian phát triển nên độ ổn định mắt khá ổn; mặt khác, kể từ ĐH thì mắt mình giữ nguyên độ cận). Người ta khuyên bạn sau 18 tuổi mới được mổ, ghi vậy nhưng nhiều nguồn tin cho rằng tốt nhất hãy để trên 21 tuổi. Ngoài ra, theo mình biết được, phẫu thuật LASIK tối ưu nhất đối với độ cận không quá cao, cụ thể là không nên quá 6 độ. Khi bị cận nặng, Excimer Laser phải bào mòn nhiều hơn, đòi hỏi giác mạc phải dày hơn (không phải tất cả mọi bệnh nhân đều thỏa mãn yêu cầu này). Tác động của Laser đến mắt nhiều hơn dẫn đến rủi ro hơn. Mặt khác, cận nặng tiềm năng có thể do mắt “thực sự có vấn đề” (không đơn giản chỉ là “tật”), nên khi mổ LASIK xong, khả năng tái cận ở người có độ cận cao trước đó có thể diễn ra, dù rằng độ tái cận không cao như cũ. Nếu ba mẹ bị cận thì xác suất cận của đứa con rất cao, và độ cận/loạn của nó cũng sẽ phức tạp. Tóm lại, bạn nên cân nhắc cẩn thận, đặc biệt nếu có độ cận cao. Hơi cực đoan nhưng mình nghĩ BS đa phần muốn có bệnh nhân nên ít nhiều sẽ tác động bạn tiến hành phẫu thuật, cố ý che đi các rủi ro. Mình từng mong muốn có người quen thân là BS mắt: qua đó biết được những thông tin “nội bộ” trong ngành.



Trước đây, mình rất thích sử dụng V-Rohto. Mặc dù cũng thỉnh thoảng nghe cảnh báo, như trên báo, hoặc người bán ở nhà thuốc nói xài một thời gian thì nên nghỉ rồi mới xài tiếp. Thậm chí họ còn khuyên chỉ nên xài trong vòng 2 tuần kể từ lúc mở nắp! Trong khi khám mắt, các BS có hỏi có xài thuốc nhỏ mắt nào không, và mình nói là V-Rohto, họ khuyên không nên dùng. Tìm kiếm trên mạng mình cũng thấy một số thông tin về chuyện này: gần như tất cả đều khuyên không nên dùng, cho rằng nó là “thuốc”, cần có sự chỉ định của BS, xài hạn chế, xài lâu ngày có thể gây hại cho mắt, lệ thuộc vào thuốc... Sau vụ mổ LASIK này, dĩ nhiên trong 6 tháng đầu, mình không xài bất cứ loại thuốc nào ngoài chỉ định của BS. Nhưng sau 6 tháng này, mình sẽ không sử dụng V-Rohto nữa. Cái thứ thuốc duy nhất không cần kê đơn dùng cho mắt có lẽ là nước mắt nhân tạo.



BS nào mổ thì bác sĩ đó sẽ thực hiện tái khám định kỳ luôn. Tổng cộng mình thực hiện 6 lần tái khám: sau mổ 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Trong đó, lần khám đầu tiên và thứ hai là quan trọng nhất (giá nào cũng phải đi đúng hẹn). Chi phí tái khám theo mình nhớ khoảng 100-150k. Trong phiếu điều trị, mình có đến 7 lần là vì một lần, BS Yến bận đi công tác nên phải hẹn lại khi khác. Tái khám không đơn giản là đến để BS xem sơ qua mắt, mà phải thực hiện một loạt các xét nghiệm như đo độ cận/loạn (xem có tái cận không), đo độ khô mắt, nhận biết độ tương phản hình ảnh, v.vv… Sau đó, BS đã mổ bệnh nhân sẽ xem hồ sơ, kiểm tra nhanh mắt thêm rồi đưa kết luận cho lần tái khám đó. Sau hết 1 năm từ lúc phẫu thuật, BS Yến nói nếu muốn có thể tái khám định kỳ 6 tháng hay 1 năm. Theo mình được biết thì người ta khuyên nên khám mắt định kỳ 1 năm 1 lần (giống như khám sức khỏe định kỳ).



Vài mẹo vặt: Để tránh điều tiết quá sức khi làm việc với máy tính, trong Windows 8, bạn có thể chỉnh kích cỡ các đối tượng trên màn hình trở nên to hơn (Control Panel è Display). Với trình duyệt Google Chrome, bạn có thể dùng chức năng Page Zoom (mình xài 150%). Bạn có thể tìm hiểu thêm trên mạng các cách để tăng độ thoải mái cho mắt khi làm việc với máy tính, ví dụ như dùng ClearType Text. Hạn chế xài máy tính, smartsphone… trong điều kiện ánh sáng yếu. Ánh sáng phòng nên lan tỏa khắp nơi, và không nên để ánh sáng đèn/mặt trời chiếu vào màn hình máy tính, vốn đã sáng (kiểm tra bằng cách: tắt màn hình, nhìn vào và thấy bóng đèn/mặt trời trong đó là không được).



Đây là bản Scan các tài liệu quan trọng liên quan đến phẫu thuật Lasik Smile của mình




Hy vọng kiến thức và kinh nghiệm của mình về phẫu thuật LASIK SMILE giúp ích cho các bạn. :)


Hết!