Đại tràng co thắt còn có tên gọi khác là hội chứng ruột kích thích. Đây là một rối loạn phức tạp về chức năng của đại tràng với hàng loạt triệu chứng vô cùng khó chịu như đau quặn bụng, tiêu chảy nhiều lần trong ngày hoặc táo bón kéo dài, phân có nhầy, nát lỏng...


Trong thực tế, một số thực phẩm có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh đại tràng co thắt, song một số lại làm cho bệnh tình trở nên nặng hơn. Tuy nhiên, nhiều người bệnh lại lo lắng và kiêng khem quá mức dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng. Điều này là không cần thiết và thậm chí có thể gây ra các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn. Do đó chúng ta cần phải lên một kế hoạch ăn uống hợp lý nhất.



Chế độ ăn cho người đại tràng co thắt


Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ: giúp hệ tiêu hóa phục hồi và ngăn không cho nó làm việc quá sức. Các chất dinh dưỡng cũng được hấp thu dễ dàng hơn và ít có khả năng gây đau bụng sau khi ăn.


Ăn thực phẩm giàu Lecithin: như lòng đỏ trứng, não động vật…Lecithin sẽ giúp phục hồi các tế bào nội mô bị hư hỏng trong bệnh viêm ruột.


Khi bị táo bón: Giảm chất béo, tăng chất xơ (đặc biệt là dưới dạng hòa tan như pectin, oligofructose...).


Khi bị tiêu chảy: Tránh chất xơ dạng không tan như cellulose để thành ruột khỏi bị “cọ xát”. Không ăn rau sống, trái cây khô, trái cây đóng hộp, nếu ăn trái cây tươi thì phải gọt bỏ vỏ (kể cả nho). Có thể ăn trái cây xay nhừ như chuối, táo.



Ngoài ra, hàng ngày người bệnh nên:


Uống nhiều nước (1,5- 2 lít/ ngày) để đủ lượng nước cho cơ thể hoạt động và ngăn ngừa táo bón,đồng thời tránh khả năng mất nước do đi lỏng.


Hạn chế mỡ: Tránh những thức ăn có hàm lượng dầu mỡ quá cao như các món rán, xào, sốt.


Nên tránh các chất kích thích làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh như cà phê, rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas và các chất kích thích khác, các loại gia vị chua, cay….



Bệnh nhân cần tránh rượu, bia, thuốc lá


Giờ giấc ăn uống cố định, không nên bỏ bất cứ bữa nào cho dù không thấy đói, ăn chậm nhai kỹ, không để bụng quá no hoặc quá đói.