Kiểm tra sức khỏe đúng thời điểm là một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm được cho sức khỏe của mình. Việc kiểm tra này sẽ giúp bạn phát hiện được nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, tiểu đường... trước khi những triệu chứng của bệnh thể hiện ra bên ngoài; và nhờ phát hiện sớm, việc điều trị cũng sẽ dễ dàng hơn.



Nhưng bạn nên thực hiện kiểm tra nào, vào lúc nào thì còn phụ thuộc vào độ tuổi của bạn và nhiều yếu tố khác.



Chẳng ai muốn đi kiểm tra sức khỏe để rồi biết mình đang có vấn đề gì đó, nhưng nếu chẳng may có bệnh thì càng biết bệnh sớm, bạn sẽ càng có cơ hội thay đổi tình thế. Trước tiên, hãy thảo luận thật kỹ càng về những loại xét nghiệm mà bạn sẽ làm với bác sĩ. Một số xét nghiệm kiểm tra như PAP (chẩn đoán ung thư cổ tử cung) hay kiểm tra vùng ngực cần được thực hiện mỗi năm một lần.




(Ảnh: WebMD)




1. Kiểm tra ung thư vú



Phát hiện ung thư vú sớm sẽ làm tăng đáng kể cơ hội sống sót của bệnh nhân. Những khối ung thư vú càng nhỏ càng ít khả năng di căn sang các tế bào máu và các cơ quan khác trong cơ thể như phổi và thậm chí là não, và do đó cơ hội thực hiện thành công việc phẫu thuật điều trị càng cao. Nếu bạn đang trong độ tuổi từ 20 - 30 và không nằm trong diện có nguy cơ cao, hãy thực hiện kiểm tra ung thư tuyến vú mỗi 3 năm một lần; tần suất kiểm tra nên tăng lên thành mỗi năm một lần khi bạn đã bước qua tuổi 40 hoặc nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ cao.



Việc kiểm tra ung thư tuyến vú nên thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa bởi những tia X liều thấp có thể phát hiện ra những khối u trong ngực của bạn 3 năm trước khi bạn có thể cảm nhận được chúng, trong khi phim chụp X-quang thông thường không thể xác định được hết nguy cơ.



2. Kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung



Cổ tử cung là một phần của tử cung kéo dài vào khoang âm đạo. Yếu tố nguy cơ chính cho căn bệnh này là nhiễm trùng dai dẳng do HPV, việc kiểm tra thường xuyên có thể phát hiện sớm loại virus này và khả năng chữa khỏi bệnh rất cao. Xét nghiệm kiểm tra cũng tìm thấy được những tế bào bất thường khác có thể gây ung thư trên bề mặt cổ tử cung để loại bỏ trước khi chúng gây bệnh.



Tuy vậy, không phải tất cả các ca ung thư cổ tử cung đều có nguyên nhân từ virus HPV, cũng như có những loại virus HPV có thể gây ung thư cổ tử cung mà vaccine chưa ngăn ngừa được. Vì vậy, cho dù vaccine đã làm giảm đáng kể số lượng phụ nữ bị ung thư cổ tử cung, việc kiểm tra Pap để phát hiện virus vẫn là rất quan trọng đối với sức khỏe của phụ nữ.




(Ảnh: WebMD)




3. Kiểm tra loãng xương và gãy xương



Loãng xương là tình trạng xương yếu đi và dễ gãy, thường gặp ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh. Dấu hiệu đầu tiên là xương đau nhức sau khi chỉ có va chạm, ngã nhẹ, thậm chí chỉ sau một cái vặn người. Tình trạng này tuy đe dọa đến hơn một nửa số người trên 50 tuổi nhưng lại hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được.



Kiểm tra bằng tia X-quang kép (DXA) có thể đo lường được tỷ trọng các chất vô cơ trong xương và phát hiện ra bệnh loãng xương trước khi bệnh nhân có thể nhận thấy; việc kiểm tra này cũng giúp cho các bác sĩ có thể dự đoán trước nguy cơ về xương khớp của bệnh nhân. Các xét nghiệm kiểm tra loãng xương được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ trên 65 tuổi cũng như những phụ nữ trung niên dưới 65 tuổi nhưng có nguy cơ bị loãng xương cao.



4. Kiểm tra tầm soát ung thư da



Có nhiều loại ung thư da, có những loại phổ biến nhưng không nguy hiểm nhiều như ung thư da tế bào đáy hay ung thư da tế bào vảy. Hình thức ung thư da nguy hiểm nhất là u sắc tố - là một loại ung thư ác tính tác động đến các tế bào sản sinh ra sắc tố da. Một số người có thể đã mang sẵn trong người loại gen di truyền có nguy cơ ung thư ác tính cao, nhưng với những người bình thường khác, nguy cơ bị ung thư da vẫn có thể tăng lên nếu làn da phải chịu nhiều tác động của ánh mặt trời.



Những biện pháp ngăn ngừa và điều trị ung thư da từ sớm mang lại hiệu quả rất cao. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người nên tự kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện khi có bất cứ thay đổi nào về hình dạng, màu sắc và kích thước của các dấu vết trên da. Ngoài ra, việc kiểm tra da do các bác sỹ chuyên khoa da liễu hay chuyên gia y tế thực hiện cũng nên là một phần trong kiểm tra tầm soát ung thư định kỳ.




(Ảnh: WebMD)




5. Cao huyết áp



Nguy cơ bị cao huyết áp của bạn gia tăng theo tuổi tác, nó cũng liên quan đến cân nặng và những thói quen sinh hoạt của bạn. Huyết áp cao có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm, trong đó có cả chứng phình động mạch, mà không có bất kỳ một dấu hiệu nào báo trước. Huyết áp được biểu hiện bằng 2 con số. Con số đầu tiên là biểu hiện áp suất máu lên thành động mạch khi tim co bóp, con số sau biểu hiện áp suất giữa hai nhịp đập.



Huyết áp bình thường của một người trưởng thành thường xấp xỉ và dưới mức 120/80, huyết áp cao sẽ ở mức 140/90 trở lên, nếu chỉ số huyết áp nằm giữa 120/80 và 140/90 thì bạn cũng có nguy cơ tăng huyết áp. Tùy theo tình trạng hiện tại của bạn mà bác sỹ sẽ đưa ra lời khuyên về mức độ thường xuyên phải kiểm tra huyết áp.



Phòng ngừa và điều trị bệnh cao huyết áp cũng đồng thời giúp bạn giảm nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ và suy thận. Vậy nên phát hiện ra sớm bệnh cao huyết áp và phối hợp tốt với bác sỹ điều trị tức là bạn đang làm phúc rất lớn cho sức khỏe của mình.