Các mẹ cho con ăn hải sản phải hết sức cẩn trọng và lưu tâm chứ nếu không rất dễ xảy ra thảm kịch đấy.

Mới đây, mình đọc trên tờ Vietnamnet thì vừa thấy đưa tin: Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa cấp cứu cho một bệnh nhi bị sốc phản vệ rất nặng do dị ứng hải sản.

hình ảnh

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: GĐ&XH

Cụ thể, trường hợp này là bé trai T.Đ.H.P (9 tuổi, trú phường Hưng Bình, TP Vinh). Bé nhập viện trog tình trạng rất nguy kịch vì bị sốc phản vệ do dị ứng với hải sản.

Chị Nguyễn Thị Thắm - mẹ của bệnh nhi cho biết: Con bị sốc phản vệ độ 3 nhưng gia đình nhầm tưởng rằng con chỉ bị dị ứng mề đay. Vì thế, gia đình cho con uống 2 viên thuốc chống dị ứng. Sau khi cho con uống thuốc xong, tình trạng bệnh không hề thuyên giảm nên chị đã đưa con đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh để cấp cứu.

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc phản vệ độ 3 với cua cá, mạch đậm chậm, có lúc không bắt được mạch, huyết áp tụt, chân tay lạnh ngắt và tím tái, co giật...

Huyết áp của bệnh nhi vẫn giảm và có chiều hướng xấu sau khi tiêm bắp 2 lần. Sau đó, bác sĩ nhanh chóng điều xe cấp cứu đưa bé xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để tiếp tục cứu chữa. May mắn là do xử trí ban đầu đúng hướng, chuyển tuyến kịp thời nên bệnh nhi đã qua khỏi cơn nguy kịch.

Sốc phản vệ là một tình trạng cấp cứu nguy hiểm. Nó có thể gặp khi bạn tiếp xúc với chất lạ, với thuốc và cả với thức ăn. Đó là lý do vì sao khi ăn những món lạ, chúng ta hay được khuyên là nên ăn ít một để thử.

Sốc phản vệ được chia thành 4 mức độ gồm:

+ Mức độ 1: Người bệnh nổi mề đay, phù môi, mặt, mắt

+ Mức độ 2: Thêm triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, đau bụng, tiêu chảy

+ Mức độ 3: Người bệnh tụt huyết áp, trụy mạch

+ Mức độ 4: Ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn và không qua khỏi.

Nhiều trường hợp sốc phản vệ lúc đầu thể hiện qua da (da đỏ ửng) nhưng chủ quan không biết. Đến khi diễn tiến hạ huyết áp, trụy mạch rất dễ không qua khỏi vì không được cấp cứu kịp thời.

Các mức độ của sốc phản vệ diễn ra nhanh chóng. Khi phát hiện sốc phản vệ với triệu chứng như ngứa, da đỏ ửng, nổi mề đay... người bệnh phải ngừng ăn ngay và đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Nếu không thì càng chậm chân càng nguy hiểm, tỷ lệ không qua khỏi sẽ càng cao.

hình ảnh

Có nhiều người bị dị ứng khi ăn hải sản. Ảnh minh họa, nguồn: Sina

Vì sao ăn hải sản như cua, tôm có thể gây sốc phản vệ?

Không phải ai ăn hải sản cũng sẽ bị dị ứng hay sốc phản vệ. Tuy nhiên, đây là loại thức ăn có khả năng gây dị ứng cao. Nói về điều này, PGS. TS. BS Lâm Vĩnh Niên (Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM) cho hay: Dị ứng với thực phẩm loài giáp xác là một trong những loại dị ứng thường gặp nhất.

Dị ứng hải sản nói chung và dị ứng với tôm, cua nói riêng có nguyên nhân là do hệ miễn dịch của cơ thể đáp ứng với protein có trong thức ăn. Cơ thể chúng ta cho rằng các protein vốn vô hại này lại trở thành mối đe dọa và nó có thể phóng thích hóa chất gây triệu chứng dị ứng. Thành phần gây dị ứng với loài giáp xác là một protein cơ gọi là tropomyosin. Một người dị ứng với tropomyosin của một loài giáp xác có thể dị ứng với cả thực phẩm của loài giáp xác khác.

Phản ứng dị ứng hoàn toàn có thể dẫn tới sốc phản vệ. Đây là tình trạng phản ứng nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm sự sống, cần cấp cứu kịp thời.

Bạn cũng lưu ý rằng: Một người dị ứng với cua biển và các loài giáp xác có thể không dị ứng với cá biển. Nguyên nhân là do tác nhân gây dị ứng ở 2 loại thực phẩm này khác nhau. Vì thế, người dị ứng cua biển vẫn có thể ăn cá biển và ngược lại, trừ trường hợp bạn dị ứng với cả hai loại thức ăn này.