Các mẹ có đọc vụ một nam sinh 12 tuổi ở Bắc Ninh bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" sau chuyến đi ngoại khóa ở trường chưa. Eo ơi, em đọc mà "nổi hết cả da gà" đây này...

Cụ thể thì em có đọc được trên trang Vietnamnet viết thế này, bệnh nhân 12 tuổi sau chuyến ngoại khóa do nhà trường tổ chức, chơi trên bùn đất với đôi chân trần và bị ngã, để lại vết thương ở kẽ ngón chân. Sau đó, cơ thể em xuất hiện khối sưng to, đau vùng đùi trái kèm sốt cao vì mắc Whitmore, bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra, dân gian hay gọi là khuẩn "ăn thịt người" đó các mẹ.

Sau 2 tuần điều trị ở Trung tâm Y tế xã không đỡ, bé trai này vẫn sốt và hạch bẹn trái sưng to nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Tại đây, nam sinh 12 tuổi vẫn liên tục sốt cao, đau đầu và xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn huyết.

Rồi tiếp tục sau một tháng kể từ ngày đầu có dấu hiệu, em tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) điều trị. Thầy thuốc lấy dịch ổ áp-xe làm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn, phát hiện có trực khuẩn Burkholderia Pseudomallei (gây bệnh Whitemore). Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, thông tin này trên trang cập nhật thế đấy mọi người.

Em có đọc thêm là gia đình bảo bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, không mắc các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch, được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin. Khai thác sâu hơn về tiền sử dịch tễ, thì gia đình mới kể thêm việc bé trai trước đó có tham gia chương trình ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Trong chuyến đi này, em bị ngã, gây ra vết thương ở vùng kẽ ngón chân trái.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Cũng trong quá trình dã ngoại tại địa điểm này, nam sinh đi chân đất dưới trời mưa phùn. Đến cuối ngày, bệnh nhân về nhà được mẹ mua thuốc, cồn về tự rửa vết thương. Ngoài ra thì bạn bè tham gia ngoại khoá cùng không có ai biểu hiện hoặc mắc bệnh tương tự cả.

Thật ra căn bệnh này vốn không mới đâu cả nhà, nó là căn bệnh truyền nhiễm rất khó phát hiện và điều trị kịp thời do dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Thông tin thêm cho mọi người cùng biết là bệnh Whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh do bác sĩ Alfred Whitmore mô tả năm 1912 tại Miến Điện, từ đó lấy tên Whitmore.

Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất đặc biệt là bùn đất, lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa. Những nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy bệnh phân bố ở nhiều tỉnh thành phía Bắc và phía Nam. Tỷ lệ tử vong do bệnh khá cao, trên 40%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng.

hình ảnh

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bởi vậy, mọi người cũng cần hết sức cẩn trọng về căn bệnh nguy hiểm này nhé. Đôi khi chỉ là vết xước tay, xước chân ban đầu bị nhiễm trùng trên da, sau đó gặp phải các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi... Nếu không có cách phát hiện nhanh, khả năng "ra đi" chỉ trong vài ngày là rất cao đấy. Ngoài ra, đối với những ai đã từng bị Whitmore phải thường xuyên tái khám vì bệnh có khả năng tái phát cao, phải có sự kiên trì điều trị vì điều trị khỏi bệnh cần đến 6 tháng giống như bệnh nhân bị lao vậy.

Nhân tiện, em xin phép trích dẫn cách chủ động phòng bệnh Whitmore được Cục Y tế dự phòng hướng dẫn như sau, các mẹ xem tham khảo nhé:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

- Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay...) với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

- Khi có vết thương hở, vết loét, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm; vết thương cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

- Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời.