Sáng nay mở mắt ra đã đọc được câu chuyện khó tin các mẹ ạ. Một bé gái mới 4 tuổi bị tắc ruột do tự móc bông bên trong con gấu bông ra để ăn. Tự nhiên đọc xong mình 'rén' ngang, không dám cho con chơi gấu bông nữa. 

Cụ thể về câu chuyện này, mình để ở bên dưới nhé.

hình ảnh

Bông gòn được bác sĩ gắp ra từ bụng bé. Ảnh: Báo tin tức

Bé gái 4 tuổi 'ăn' nửa con gấu bông

Theo đó, ngày 27/6, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM đã tiếp nhận bệnh nhi là bé gái 4 tuổi bị tắc ruột. Bé nhập viện trong tình trạng đau bụng cấp tính, liên tục quấy khóc. 

Sau khi thăm khám và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán phát hiện đầy dị vật trong lòng ruột non của bé. Điều này khiến bé bị tắc ruột và dạ dày. Đoạn đầu ruột non bị giãn rất to nên đã tiến hành cấp cứu cho bé. 

BS. Nguyễn Đỗ Trọng (Khoa Ngoại Nhi - Ngoai Tim mạch) cho hay: Trong 1,5 giờ phẫu thuật, ekip đã gắp ra hàng chục cuộn bông gòn chen chúc, ùn ứ trong lòng ruột non. Toàn bộ dị vật là bông gòn chứng tỏ bé đã nuốt từ lâu. Vì không thể tiêu hóa được nên mới dẫn tới tình trạng tắc ruột. Dịch ổ bụng đã tích tụ, dạ dày và đoạn đầu ruột non giãn to. 

Gia đình của bé cho biết: 2 ngày trước, bé có biểu hiện chán ăn, không đi cầu và nôn ói nên gia đình tưởng bé bị rối loạn tiêu hóa thông thường. Đến chiều ngày 17/6, bé bị sốt và quấy khóc liên tục nên được gia đình đưa đi cấp cứu. 

Mẹ bé cho biết: Ở nhà bé có xem tivi, điện thoại. Bé rất thích các video ăn uống nhất là cảnh ăn kẹo bông gòn. Khi bé đi mẫu giáo, gia đình có gửi kèm một con gấu bông nhỏ để bé ôm khi đi ngủ trưa trên lớp. Sau khi bé đi cấp cứu, gia đình kiểm tra thấy gấu bông có vết rách và đã mất đi một lửa lượng bông nhồi bên trong.

BS. Nguyễn Đỗ Trọng cho biết: Tắc ruột ở trẻ không hiếm gặp. Song, trường hợp này rất hy hữu vì bé tự lấy bông trong con gấu để ăn. 'Nhiều khả năng bé ăn bông gòn do chưa đủ nhận thức, bị ảnh hưởng bởi các video ăn uống trên mạng xã hội. Một số trường hợp có thể liên quan tới vấn đề tâm lý, mắc hội chứng Rapunzel hoặc hội chứng Pica. Hội chứng Rapunzel thường gặp ở bé gái thích ăn tóc. Trong khi đó, hội chứng Pica thì liên quan đến sự thèm muốn đồ ăn không liên quan tới thực phẩm như quần áo, len, tóc, vật thể kim loại. Đây là các rối loạn ăn uống có thể gặp ở trẻ tự kỷ hoặc có vấn đề về tâm lý', BS. Trọng nói. 

hình ảnh

Trẻ bị tắc ruột rất nguy hiểm. Ảnh minh họa, nguồn: sinoquebec

Tắc ruột ở trẻ có nguy hiểm không?

Theo BS. Trọng, tắc ruột ở giai đoạn đầu thường khó xác định và dễ nhầm lẫn với việc bé bị táo bón hoặc rối loạn tiêu hóa thông thường. 

Trẻ bị tắc ruột rất nguy hiểm vì có thể nguy hại tới sinh mệnh nếu không được can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, tính nguy hiểm của bệnh này còn liên quan tới nhiều yếu tố như:

+ Vị trí tắc ruột ở đại tràng hay ruột non, tắc ruột thấy hay huyết cao. 

+ Trẻ bị tắc ruột cơ năng hay cơ học.

+ Bé bị tắc ruột một phần hay hoàn toàn. 

+ Trẻ bị tắc ruột là vì bít tắc hay thắt ruột. 

hình ảnh

Ảnh minh họa, nguồn: DSE

Trẻ bị tắc ruột do ứ đọng thức ăn có thể khiến bé bị biếng ăn, bỏ ăn, sụt cân. Lâu dần sẽ hình thành khối thức ăn khổng lồ, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gây viêm ruột, thủng ruột. 

Trường hợp bé bị tắc ruột gây nôn trớ có thể khiến bé bị mất nước. Nếu không được bù nước kịp thời sẽ dẫn tới suy thận, thậm chí là đe dọa tính mạng.

Nói chung là khi chăm sóc con trẻ phải hết sức lưu ý vì sơ sẩy cái là bé có thể nhét bất cứ thứ gì vào miệng. Đặc biệt, cha mẹ cũng nên hạn chế việc xem tivi, điện thoại của trẻ, cần kiểm soát nội dung bé xem. Nếu không thì sẽ nguy hiểm lắm, giờ là bắt chước ăn uống chứ sau thì nhỡ bé xem phải mấy cái video độc hại rồi học theo thì sao. Vĩ cũng đã có không ít trường hợp đau lòng vì học theo video trên internet rồi ý.