Lại thêm 1 em bé nữa mất vì dịch bệnh bạch hầu đó các mẹ, đọc mà vừa buồn, vừa lo lắng. Tình hình dịch bệnh bạch hầu trong nước đang hết sức nghiêm trọng. Em đọc thông tin trên báo đài thì hiện tại cả nước đang có 35 ca mắc bạch hầu, 3 trường hợp tử vong song hiểu biết của người dân về căn bệnh này vẫn còn rất hạn chế, nhiều chủ quan.

Còn tại tâm điểm dịch ở Gia Lai, tính đến ngày 5/7, trên địa bàn đã ghi nhận thêm 9 ca dương tính với bạch hầu, nâng tổng số mắc lên 10 trường hợp. Theo ông Mai Xuân Hải – Giám đốc Sở Y tế Gia Lai thì ca nhiễm đầu tiền là bệnh nhi tên V. (dân tộc Ba Na, 4 tuổi, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) đã tử vong lúc 2h30 sáng 5/7 do bạch hầu thanh quản ác tính tổn thương đa cơ quan.

Ngay khi phát hiện ca bệnh trên, ngành y tế Gia Lai đã gửi 24 mẫu bệnh của các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhi V. đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, kết quả 9 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu.

Trong 9 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu nêu trên có cha, mẹ của bệnh nhi V., những trường hợp còn lại là họ hàng, người quen trong xã Hải Yang.

Điều đáng nói ở đây là bé V. trước đó đã được tiêm đầy đủ 3 mũi Quinvaxem (trong đó có vaccine phòng bạch hầu), đến 18 tháng bé được tiêm nhắc lại mũi thứ 4. Vậy mà bé vẫn tử vong thì quả thật là vô cùng nguy hiểm.

Theo điều tra dịch tễ, bé V. có triệu chứng sốt, ho, đau họng từ ngày 28/6 sau khi đi thăm người thân ở tỉnh Kon Tum. Gia đình có mua thuốc cho bé uống 6 ngày không đỡ. Tới sáng 3/7, cháu V. được gia đình đưa tới Trung tâm y tế huyện Đắk Đoa điều trị, sau đó chuyển lên BV Nhi tỉnh Gia Lai, tại đây bé được chẩn đoán mắc bạch hầu.

hình ảnh

Hình minh họa, ảnh internet

Tại sao tiêm phòng vắc xin rồi vẫn bị?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khi đã tiêm chủng đầy đủ vắc xin rồi thf khả năng phòng bệnh bạch hầu lên tới gần 100%. Mọi nghiên cứu đều chỉ ra rằng trẻ tiêm đủ mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm đủ mũi dịch vụ các loại vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 đều có thành phần bạch hầu thì khả năng phòng bệnh rất cao.

Theo đó thì việc tiêm phòng bạch hầu là ngăn ngừa độc tố của vi khuẩn chứ không phải là ngăn ngừa vi khuẩn. Bệnh còn thường xuất hiện ở các vùng núi, vùng sâu, vùng sa là do tại những nơi này tỉ lệ tiêm phòng vắc xin phòng bạch hầu là thấp. Lúc gặp yếu tố thuận lợi sẽ gây ra bệnh.

Nếu trẻ đã tiêm vắc xin rồi mà vẫn mắc bệnh thì có thể do các khả năng sau:

- Thứ nhất: Người mắc bệnh do không có đủ kháng thể do tiêm vắc xin không đủ mũi.

- Thứ hai: Do cộng đồng đó có tỉ lệ tiêm phòng bệnh này thấp, miễn dịch cộng đồng thấp. Các khu vực miền núi, Tây Nguyên tỷ lệ tiêm phòng thấp nên đây luôn được coi là "vùng trũng" tiêm chủng. Các khu vực này có miễn dịch cộng đồng thấp nên thường có khả năng mắc bệnh cao hơn so với vùng thành thị có nhiều người được tiêm chủng đầy đủ hơn.

Còn theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà (Trưởng Đơn nguyên vắc-xin, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế V.inmec): Ai cũng phải thừa nhận rằng sau khi tiêm chủng cơ thể chúng ta sẽ tạo ra kháng thể bảo vệ khỏi bệnh bạch hầu nên hầu như không mắc bệnh. Tuy nhiên sẽ có một số ít trường hợp vẫn mắc có thể do không tuân thủ phác đồ tiêm chủng, không tiêm đủ mũi, cũng có thể do suy giảm miễn dịch sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm. Trường hợp này thường gặp ở trẻ nhỏ hơn là người lớn.

Có một số trường hợp do tiêm vắc-xin đã quá lâu, nồng độ kháng thể trong máu xuống thấp, không đủ bảo vệ thì cũng có thể bị mắc bệnh. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đi tiêm phòng nhắc lại sau mỗi 10 năm.

Biến chứng bạch hầu thường rất nặng. Bệnh nhân có thể bị tắc đường hô hấp trên, viêm cơ tim, tổng thương các tế bào tim… Tuy nhiên bệnh này thường dễ bị bỏ quên, mọi người vẫn còn lơ là chủ quan, nên hầu hết các ca bệnh khi đến bệnh viện hầu hết đã bị biến chứng rồi.

Cần tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đúng cách

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bác sĩ Khanh cho rằng  người dân ở các cùng tiêm chủng thấp cần tiêm nhắc lại cho trẻ khi đủ 4 - 5 tuổi và 9 – 12 tuổi, sau đó cứ sau 10 năm lại tiêm phòng lại 1 lần. Nếu sống trong khi vực có dịch thì người lớn cũng nên chủ động tiêm phòng.

Hiện nay, vắc-xin phòng bệnh bạch hầu thường được kết hợp với các vắc-xin phòng bệnh khác (ví dụ: uốn ván, ho gà… trong Chương trình tiêm chủng mở rộng) trong cùng 1 mũi tiêm. Lịch tiêm chủng cũng có thể có chút sự thay đổi đối với các đối tượng trẻ nhỏ, trẻ lớn, người lớn, phụ nữ có thai…

Cụ thể:

-Trẻ nhỏ cần tiêm 3 mũi đầu cách nhau 1 tháng, 1 mũi nhắc lại cách 1 năm, tiếp theo sau đó là mũi nhắc lại cách 7-10 năm.

- Trẻ lớn và người lớn, cần tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, mũi nhắc lại cách 9-12 tháng, tiếp theo sau đó là mũi nhắc lại cách khoảng 10 năm.

TS BS. Huỳnh Minh Tuấn – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết thêm, để đánh giá hiệu quả của tiêm vắc-xin bạch hầu chúng ta có thể thực hiện phản ứng Schick. Nếu phản ứng Schick (+), có nghĩa là cơ thể không có kháng thể bạch hầu và cần phải tiêm lại vắc-xin; nếu phản ứng Schick (-), có nghĩa là trong cơ thể đã có kháng thể trung hoà độc tố và không cần tiêm vắc xin.

Nguồn tổng hợp