Em bị nghiện cafe và trà đen các chị ạ, ngày nào em cũng uống, cứ căng thẳng mệt mỏi là em lại uống. Có hôm nhà hết cả 2 thứ người em như "rụng rời", đầu óc cứ như trên mây, chẳng làm được việc gì. Thấy em như thế, chồng em suốt ngày cằn nhằn, bảo uống mấy thứ đấy không tốt đâu, hại sức khỏe nhưng em mặc kệ.


Thế nhưng hôm nay chồng có gửi cho em một bài báo về tác hại của việc nạp quá nhiều chất cafein vào người, thậm chí đã có người tử vong nên em đang suy ngẫm lại, chắc là phải "cai nghiện" thật rồi các chị ạ.


webtretho


Dùng quá nhiều thực phẩm chứa cafein có thể dẫn tới tử vong


Theo một nghiên cứu khoa học năm 2018, các nhà nghiên cứu đã xác định được 92 ca tử vong do dùng quá liều cafein.


Vào đầu tháng 7 vừa rồi, tại Mỹ đã phát hiện ra một nam thanh niên tử vong trong phòng tắm. Sau khi điều tra thì nguyên nhân cái chết là do anh ta sử dụng bột cafein đậm đặc trong một thời gian dài để giúp tỉnh táo và hỗ trợ việc tập luyện thể dục có hiệu quả cao.


Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), cafein có thể giúp con người tỉnh táo, tăng cường sinh lực và khả năng suy nghĩ, làm việc. Tuy nhiên, nó chỉ có hiệu quả khi sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Cafein sẽ bắt đầu gây hại cho cơ thể nếu dùng nhiều hơn15 mg/l trong máu, ở nồng độ từ 80 đến 100 mg/l có thể làm ngưng tim, gây tử vong.


Cafein có nhiều trong bột cafein, cafe, socola, trà đen, nước tăng lực, nước uống không cồn. Chất này cũng có trong các sản phẩm làm từ thảo mộc hoặc một số loại thuốc không cần kê đơn như thuốc đau đầu, cảm, dị ứng... Do đó, mọi người cần phải cẩn thận, lựa chọn kĩ lưỡng trước khi dùng.


webtretho


Sử dụng cafein bao nhiêu là an toàn



- Theo các chuyên gia, sử dụng cafein trong liều lượng khoa học thì sẽ không gây hại cho sức khỏe. Người trưởng thành không có bệnh tật gì có thể sử dụng 300 - 400mg/ ngày.


- Người bị mẫn cảm với cafein thì chỉ cần một lượng nhỏ 100mg cũng khiến họ trằn trọc, mất ngủ. Chuyên gia khuyến cáo trẻ em dưới 12 tuổi không nên dùng.


- Đối với trẻ vị thành niên đang trong thời kì phát triển não bộ thì lượng cafein được tiêu thụ là dưới 100mg/ngày.


- Phụ nữ có thai, đang cho con bú, người già không dùng quá 100-200 mg mỗi ngày.


- Người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường không nên dùng.


webtretho


Làm gì khi bị "say" cafein



Theo chuyên gia, dù dùng ít hay nhiều cũng sẽ có người bị say cafein từ đồ uống, trà, nhất là cà phê, bột cafein.


Các triệu chứng xảy ra khi dùng cafein quá liều bao gồm: tim đập nhanh, không đều, người run rẩy, buồn nôn, hoảng loạn... Khi này cần phải tới ngay bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.


Khi gặp các triệu chứng trên cần phải uống thật nhiều nước lọc để cafein bị hòa tan trong nước, bài tiết ra ngoài qua đường nước tiểu. Ngoài ra, có thể uống nhiều nước chè tươi pha loãng để tống lượng cafein ra nhanh hơn. Đồng thời cần nghỉ ngơi, hít thở đều đặn để cơ thể mau chóng phục hồi.


PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo không nên sử dụng các thực phẩm có chứa cafein khi đói bụng, nhất là uống trà đen, cà phê đậm đặc. Không nên uống quá 3 cốc cà phê mỗi ngày và nghiêm cấm sử dụng bột cafein nguyên chất để đề phòng tử vong đột ngột.