Tình hình của TP. HCM những ngày này tiếp tục ‘nóng’ khi số ca nhiễm luôn ở mức cao. Tuy nhiên, điều đáng mừng là số người qua đời vì nCoV đang có chiều hướng giảm đáng kể. Đây là nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC). Bộ Y tế cũng nhận định: Số người mất vì đại dịch ở thành phố  trong tuần qua đã giảm 30% và dự báo sẽ giảm mạnh sau ngày 15/9.

Trong bối cảnh như hiện tại thì đây quả thực là một tin vui. Mong rằng những ngày tới sẽ theo đúng với dự đoán. Đồng thời với số ca qua đời thì số người nhiễm cũng sẽ giảm dần và người dân sớm sẽ trở về với cuộc sống ‘bình thường mới’.

Mới đây thì chuyên gia đã chia sẻ với báo chí về lý do tại sao số ca qua đời do dịch giảm cũng như thời điểm TP. HCM sẽ ‘ổn’ nhé mọi người

hình ảnh

F0 nặng đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Hà Nội mới

Số người không qua khỏi ở TP. HCM vì nCoV giảm, tại sao vậy?

Trong báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Tuần qua, tình hình dịch tại TP. HCM đã giảm rõ rệt cả về số ca nhiễm cộng đồng lẫn số người mất. Đặc biệt, số người không qua khỏi giảm 30%.

Theo BS. Nguyễn Đức Tâm (PGĐ chuyên môn BV Dã chiến số 1, Quận 7, TP. HCM) cho hay: Gần 1 tháng trở lại đây, số F0 được chuyển tới bệnh viện giảm hẳn so với giai đoạn trước. Số người mất tại bệnh viện cũng giảm. Theo BS. Tâm, có được kết quả này là nhờ các biện pháp quyết liệt đồng bộ của Ban lãnh đạo Quận 7 và ý thức phối hợp của người dân.

Tới nay, không chỉ Quận 7 mà toàn thành phố số ca nhiễm cũng đang có chiều hướng giảm. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Theo BS. Tâm, có rất nhiều lý do giúp số ca nhiễm của thành phố giảm, trong đó quan trọng nhất là hiệu quả của vắc xin. Nhờ tỷ lệ bao phủ vắc xin của thành phố cao nên nhiều người nhiễm bệnh nhẹ nhờ đã có kháng thể sau khi tiêm 1 mũi vắc xin. Do đó, tỷ lệ người mất cũng giảm.

Hiện tại, BS. Tâm nhận định tình hình dịch bệnh ở địa phương này đã ‘hạ nhiệt’. Mặc dù số ca nhiễm vẫn ở mức cao nhưng vì đã được tiêm ít nhất 1 mũi nên khi nhiễm cũng chỉ có triệu chứng nhẹ. ‘Do được tiêm phòng ít nhất 1 mũi cho nên nguy cơ cơ trở nặng của bệnh nhân cũng thấp đi’, BS. Tâm cho hay.

Đồng tình với ý kiến này, PGS. TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP. HCM) nhận định: Nhờ chính sách tiêm vắc xin nên số người được bảo vệ ngày càng tăng. Nhờ đó mà giảm đáng kể số ca nặng. Sự điều phối hệ thống y tế nhuần nhuyễn hơn, phân tầng điều trị hợp lý hơn, cung cấp đầy đủ oxy cho các cơ sở y tế tầng 2. Đồng thời, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều ca bắt đầu trở nặng. Nhờ vậy mà giảm được số người qua đời.

hình ảnh

Nhân viên chống dịch ở TPHCM. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

TS. BS Nguyễn Trí Thức (GĐ BC Chợ Rẫy kiêm GĐ BV hồi sức Covid-19) nhận định: Chiến lược ‘đánh chặn từ xa’ (nắm bắt sớm các ca chuyển nặng, xử lý ngay ở tuyến dưới) do các bác sĩ giàu kinh nghiệm xử lý cũng là yếu tố giúp giảm số người qua đời ở TP. HCM. Theo đó, 4 BS chuyên khoa Hồi sức từ BV Chợ Rẫy trực tiếp ‘cắm chốt’ ở 4 bệnh viện tuyến dưới gồm: BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, BV Củ Chi, BV Bình Chanh và BV Cần Giờ. 4 bác sĩ này sẽ cùng các bệnh viện theo dõi, đánh giá tình trạng và mức độ nặng của bệnh nhân. Đồng thời, kết hợp với đường dây nóng tại BV Hồi sức Covid-19 do các bác sĩ giàu kinh nghiệm để xử lý. Bất cứ khi nào bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng sẽ lập tức hội chẩn trực tuyến.

‘Sau khi hội chẩn, nếu xác định bệnh nhân có nhiều khả năng chuyển nặng thì sẽ chuyển ngay bệnh nhân về BV Hồi sức cho thở oxy dòng cao chủ động để hạn chế tối đa nguy cơ trở nặng’, BS. Thức thông tin.

Bên cạnh đó, kiến thức phòng bệnh của người dân cũng tăng lên để đảm bảo an toàn cho bản thân. ‘Nếu như trước đây, bệnh nhân biết mình dương tính là hoảng sợ mua thuốc về tự uống điều trị. Họ không biết được thuốc đó có hiệu quả hay không, nhưng lo sợ nên vẫn uống. Nay, người dân đã có kiến thức hơn, họ tìm tới sự tư vấn chính thống của các tổ tư vấn’, BS. Tâm nhận định.

hình ảnh

F0 đang điều trị tại nhà. Ảnh: NLĐ

Ngoài ra, theo BS. Tâm, F0 điều trị tại nhà cũng giúp giảm tải cho bệnh viện. Việc này giúp các y bác sĩ tập trung nguồn lực cứu chữa cho các trường hợp mắc bệnh nặng. Nhờ vậy mà số lượng bệnh nhân hồi phục, được trở về nhà tăng, ca qua đời giảm đi.

Số ca nhiễm mới và người qua đời đã giảm, bao giờ thì Sài Gòn mới ổn định trở lại?

Theo BS. Trương Hữu Khanh (Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP. HCM) nhận định: Đến cuối tháng 9, TP. HCM sẽ ổn. Bởi, số F0 phải nhập viện và qua đời đã giảm. Có được thành quả này là nhờ thành phố đã mở thêm nhiều bệnh viện có nguồn oxy cho bệnh nhân. Đồng thời, phát hiện bệnh nhân cần oxy sớm hơn kết hợp với điều trị giúp bệnh nhân có cơ hội hồi phục.

Việc bệnh nhân được tiếp cận sớm với túi thuốc F0 cũng giúp phát hiện sớm người có nguy cơ trở nặng.

Việc tiêm phủ vắc xin cho người có yếu tố nguy cơ cao sẽ có kháng thể bảo vệ. tiêm vắc xin giúp người mắc bệnh có triệu chứng nhẹ hơn. Thời gian tới, khi thành phố mở lại hoạt động, những người thuộc nhóm yếu tố nguy cơ cao nên đi tiêm phòng. Với người đã tiêm đủ 2 mũi vẫn phải chú ý, không nên tới những nơi chưa được tiêm phòng. Người chưa được tiêm cũng không nên đi đâu nếu chưa được tiêm.

Theo BS. Khanh, khi đã nới lỏng giãn cách để người dân trở lại cuộc sống bình thường mới thì thành phố không nên quan tâm tới ca F0 mới. Điều thành phố cần quan tâm là có bao nhiêu ca nặng phải nhập viện. Và khi độ phủ vắc xin cao thì chúng ta hoàn toàn có thể chung sống với dịch bệnh.

TS. Đỗ Văn Dũng cũng lạc quan nhận định: Tỉ lệ người qua đời sẽ giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, hiệu lực vắc xin, tuân thủ 5K và giám sát dịch tễ sẽ giúp chúng ta sớm trở lại trạng thái bình thường mới nếu thực hiện tốt.

Nguồn: Tổng hợp