Các ca mắc ‘cô vít’ mới hiện giờ ở Việt Nam vẫn chưa dừng lại, cùng lúc, Hà Nội ghi nhận gần 900 ca cúm chỉ trong tháng 6 mọi người ạ.

Đáng nói là 2 bệnh liên quan đến đường này có nhiều triệu chứng giống nhau, vậy nên rất nhiều người nhầm lẫn, dẫn đến tâm lý chủ quan hoặc không đi khám và điều trị kịp thời.

Vậy làm thế nào để phân biệt cúm A và ‘cô vít’?

Sau khi đọc thông tin trên báo Dân trí và VTV, mình thấy TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã trả lời rồi, giờ chia sẻ để mọi người dễ phân biệt nha.

hình ảnh

Cúm A và 'cô vít' đều do virus đường hô hấp gây ra. Ảnh minh họa/Nguồn: Dân trí

‘Tôi đã từng mắc cô vít, bị ho, sốt, sổ mũi, mất khứu giác. Tôi hơi khó phân biệt vì giờ này nhiều bệnh giống nhau quá’

Đây là chia sẻ của anh N.T.B (40 tuổi). Vào giữa tháng 7, anh B. đi công tác ra Hà Nội, ngay sau đó này anh và đồng nghiệp đồng loạt xuất hiện triệu chứng sổ mũi, đau đầu, hắt hơi kéo dài.

Mọi người đều nghĩ rằng có thể đã ‘cô vít’ vì vừa có cảnh báo biến chủng mới, thế nhưng khi test nhanh lại cho kết quả âm tính.

Đến 2 ngày sau anh B. thấy cơ thể mình bị đau nhức, nên đã đến bệnh viện tư để kiểm tra và làm xét nghiệm. Kết quả anh B. mắc cúm A. Cũng vào thời điểm này, Hà Nội đã có hàng trăm ca cúm mỗi ngày tại các cơ sở y tế.

‘Tôi đã từng mắc cô vít, bị  ho, sổ mũi, sốt, mất khứu giác. Tôi hơi khó phân biệt vì giờ này nhiều bệnh giống nhau quá’, anh B. chia sẻ.

Thực tế thì cúm A và cô vít đều là bệnh do virus gây ra, cả 2 đều có triệu chứng tương tự nên rất dễ gây nhầm lẫn.

Các chuyên gia y tế cho biết, không thể phân biệt cúm A và ‘cô vít’ hay các bệnh hô hấp khác nếu chỉ dựa vào dấu hiệu.

Vì vậy để biết mình bị nhiễm vi rút gì, phải căn cứ trên kết quả xét nghiệm. Hiện nay thực hiện test nhanh cúm A và ‘cô vít’ cũng rất đơn giản. Thậm chí 1 người có thể bị nhiễm cả 2 bệnh này cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả 2.

TS Hải cho biết cả cúm mùa và 'cô vít' đều có thể biểu hiện các mức độ triệu chứng khác nhau, từ không triệu chứng đến các triệu chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng phổ biến mà bệnh cúm và 'cô vít' đều có bao gồm:

Sốt hoặc cảm thấy nóng/ớn lạnh, ho, viêm họng, khó thở, mệt mỏi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau đầu, đau cơ hoặc đau nhức cơ thể, ói và đi ngoài, thay đổi hoặc mất vị giác/khứu giác (phổ biến hơn ở F0 nhiễm cô vít).

Theo chuyên gia này, trong 3 triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của 'cô vít' là sốt, ho khan và khó thở, chỉ có khó thở là không liên quan đến cảm lạnh hay cúm.

Thế nhưng với những người đã tiêm vắc xin ‘cô vít’ đủ liều, khi nhiễm vi rút có thể sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và càng ngày càng giống như cảm cúm. Chính vì vậy mà nếu muốn phân biệt cúm và ‘cô vít’ cũng cần phải xem xét đến yếu tố dịch tễ.

Một triệu chứng phổ biến khác liên quan đến ‘cô vít’ là mất khứu giác, đây là dấu hiệu được báo cáo sớm nhất của bệnh này. Hơn nữa, đây cũng là dấu hiệu để phát hiện F0 ‘cô vít’ hiệu quả hơn so với các triệu chứng như ho và sốt.

Cúm A và ‘cô vít’ có thể lây truyền qua tiếp xúc gần

Cụ thể là bệnh có thể lây lan chủ yếu bởi các giọt bắn có chứa virus văng ra khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Những hạt này có thể rơi vào mũi hoặc miệng của người đứng gần, hoặc dính trên bề mặt đồ vật, lây nhiễm khi tiếp xúc.

hình ảnh

Cúm A và ‘cô vít’ có thể lây truyền qua tiếp xúc gần. Ảnh minh họa/Nguồn: Health

Cúm A có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 4 ngày. Còn ‘cô vít’ ủ bệnh từ 2-14 ngày tùy từng trường hợp.

Phần lớn các F0 mắc ‘cô vít’ và cúm A thường hồi phục sau 1 tuần mà không cần nhập viện.

Dù vậy, vẫn có tỷ lệ người bệnh có thể diễn tiến nặng, dẫn đến viêm phổi nặng, suy tạng, suy hô hấp, thậm chí không qua khỏi. Vì vậy, người lớn tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, người suy giảm miễn dịch, trẻ béo phì, thừa cân và mẹ bầu chính là đối tượng có nguy cơ cao.

Như vậy hiện giờ mọi người đang phải cùng lúc đối phó với 2 căn bệnh là cúm A và ‘cô vít’, như báo chí chia sẻ ở trên thì đây đều là các bệnh về đường hô hấp, nên có nhiều triệu chứng rất dễ nhầm lẫn. Vì thế mọi người hãy làm theo hướng dẫn của chuyên gia y tế để phòng ngừa tốt dịch bệnh nha.