Mấy hôm nay đọc báo mà thấy đau lòng quá các mẹ ạ. Nhìn tình hình Ấn Độ bây giờ chỉ thấy toàn sự đau thương bao trùm. Tình cảnh của người dân trong cảnh ‘dầu sôi lửa bỏng’, chẳng biết bao giờ mới thoát khỏi kiếp nạn khổ ải này nữa. Chỉ mong là cơn bão tố này qua nhanh một chút chứ cứ tình hình này thì chẳng biết dân Ấn phải như nào nữa.

Chồng mắc nCoV, vợ tuyệt vọng hô hấp nhân tạo cho chồng: Chưa bao giờ câu nói ‘đời người lại chỉ dài bằng một hơi thở’ lại chuẩn xác như lúc này.

Đại dịch nổ ra khiến những mảnh đời đau thương càng thêm bất hạnh

Renu Singhal (45 tuổi, ở thành phố Agra) sống cùng chồng là Ravi Singhal, 47 tuổi. Họ đang trên xe đi tìm bệnh viện khi mà Ravi bị khó thở và đang trong cơn nguy kịch. Người vợ cố gắng đặt chồng lên xe và đưa tới 4 bệnh viện nhưng đều bị từ chối. Bởi không bệnh viện nào còn oxy. ‘Họ nói sẽ tiếp nhận chồng tôi nếu chúng tôi quay lại với một bình oxy’, Renu nói trong tuyệt vọng.

hình ảnh

Trong cơn tuyệt vọng, Renu hô hấp nhân tạo cho chồng với tia hy vọng mong manh. Ảnh: Internet

Cặp vợ chồng buộc phải dừng lại ở bệnh viện SN Medical College vì người chồng đã quá yếu, không thể xuống xe và đi vào phòng cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh viện cũng chẳng tiếp nhận nên chẳng có cáng hoặc xe đẩy hay nhân viên y tế ra hỗ trợ họ.

Đau đớn, cùng cực khi nhìn chồng đang thở hắt từng hơi yếu ớt, Renu chẳng còn cách nào khác ngoài dùng miệng hô hấp nhân tạo cho chồng trên chiếc ô tô đỗ ở khuôn viên bệnh viện trong nỗ lực tuyệt vọng. Thế nhưng, người chồng chẳng thể nào cầm cự nổi và ra đi trong vòng tay vợ khi chỉ còn khu cấp cứu vài bước chân. Lúc này, một số nhân viên mới chạy đến và đưa bệnh nhân vào trong nhưng người bệnh đã ngừng thở.

Cuộc chiến giành giật oxy ở Ấn Độ: Có thể bắn tôi nhưng đừng ngăn tôi lấy bình oxy

Trong hơn 2 tuần, điện thoại của Mohit Arora không ngừng đổ chuông, có ngày anh nhận tới hơn 1000 cuộc gọi. Tất cả đều tuyệt vọng tìm kiếm thứ khan hiếm nhất ở Ấn Độ ngay lúc này: oxy. Tuy nhiên, anh chỉ có thể cung cấp được 10 – 15 bình oxy mỗi ngày. ‘Thật đau đớn. Mọi người gọi điện, kêu khóc, cầu xin oxy trên điện thoại suốt đêm’, anh nói.

Khi làn sóng dịch bùng phát, hệ thống y tế tê liệt, bệnh viện không đủ chỗ cho bệnh nhân. Oxy không còn đủ mà bệnh nhân nặng nếu không có máy thở thì chẳng thể nào qua khỏi. Điều đó khiến người nhiễm bệnh khốn đốn vô cùng.

hình ảnh

Người dân Ấn Độ tranh nhau từng bình oxy, sẵn sàng hỗn chiến để có được oxy. Ảnh: Internet

Faisal Khaliq – tình nguyện viên của tổ chức Madrasa Amania Trust giúp phân phát oxy miễn phí cho biết: hiện tại, bình oxy thiếu tới mức các bệnh viện cũng yêu cầu được cung cấp. Mỗi ngày họ cần ít nhất 5.000 bình oxy để đáp ứng nhu cầu nhưng nó nằm ngoài khả năng của các tổ chức phi chính phủ như Madrasa Amania Trust.

‘Nhiều lần tôi đã khóc khi nghe mọi người yêu cầu. Nói đúng hơn thì là cầu xin một bình oxy để cứu người thân của họ. Kết thúc cuộc gọi, tim tôi đau đớn vô cùng, tôi khóc suốt 10 phút đồng hồ rồi lại tiếp tục nhận cuộc gọi. Thật không thể chịu đựng được khi nghe những lời van nài đó. Họ nói sẵn sàng trả bất cứ thứ gi miễn là được nhận 1 bình oxy 10kg’, anh nói.

Những tình nguyện viên như Khaliq đã bỏ tiền túi để hỗ trợ mua bình oxy và nạp cho người dân. Họ không ngủ suốt nhiều đêm vì điện thoại luôn đổ chuông liên tục. Thế nhưng lượng oxy ngày càng ít đi khiến họ cảm thấy đau đớn và bất lực vô cùng. ‘Chúng tôi muốn cung cấp oxy cho tất cả những người gọi đến nhưng chẳng có cách nào, chúng tôi không có đủ’, một người khác nói.

Không chỉ Delhi - ổ dịch lớn nhất Ấn Độ hiện tại mà các thành phố khác cũng trong tình cảnh tương tự. Narendra Kumar Paras – người giúp phân phối oxy ở TP. Agra cho biết: Mỗi ngày ông nhận được 900 cuộc điện thoại nhưng chỉ có thể trả lời 500 cuộc trong số đó. Thậm chí, người dân ‘thèm khát’ oxy tới mức sẵn sàng dùng bạo lực. Đã có một cuộc hỗn chiến xảy ra tại một trung tâm oxy. Một người đàn ông thậm chí còn hét lên: ‘Bắn tôi cũng được nhưng đừng ngăn tôi lấy bình oxy’.

Đau đớn hơn là khi phải nhận điện thoại của những đứa trẻ. Chúng kêu khóc, van nài xin hãy mang cho bố chúng một bình oxy vì ông không thở được. Bệnh viện ở Agra ‘bất lực tới mức nhờ chúng tôi cung cấp oxy cho bệnh nhân của họ.

Đến nay (29/4), Ấn Độ đã ghi nhận hơn 18 triệu người nhiễm bệnh, tăng 379.459 người so với ngày hôm qua (28/4).

Nhìn cảnh này mà thấy xót xa quá các mẹ ạ, thật sự hạnh phúc khi được sống ở Việt Nam. Vì thế, mọi người hãy nỗ lực chung tay bảo vệ thành quả. Nếu không có việc thì tốt nhất ở nhà. Nếu phải ra ngoài nhớ mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách nha các mẹ. Bảo vệ bản thân cũng là cách để bảo vệ cộng đồng đó.