Chị em mang thai nhất là trong 3 tháng cuối của thai kỳ thường có hiện tượng khó thở gây mệt mỏi. Hiện tượng này ở cuối thai kỳ hầu hết là do thai chèn to nên chèn ép dẫn lên tim và phổi.


Tuy nhiên, hiện tượng khó thở lại là triệu chứng của một số bệnh lý về tim mạch khi mang thai. Lúc này nếu không được theo dõi và điều trị sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi.


webtretho


Nguyên nhân gây khó thở ở phụ nữ mang thai


Khó thở khi mang thai chủ yếu xuất hiện ở nửa sau của thai kỳ, lúc này thai nhi lớn lên nhanh chóng sẽ đẩy ruột ra sau và đẩy cao dần lên, khiến cho dạ dày và cơ hoành phía trên bị chèn ép dẫn đến tình trạng khó thở.


Hiện tượng khó thở sẽ tăng lên khi thai phụ ở tư thế nằm. Vì khi nằm ngửa thai nhi chèn vào động mạch chủ bụng, khiến tuần hoàn bị hạn chế, lúc này thai phụ sẽ khó thở, và oxy, chất dinh dưỡng đến thai cũng sẽ kém hơn. Chính vì thế phụ nữ mang thai ở nửa cuối thai kỳ được các bác sĩ khuyên nên nằm nghiêng nhiều về bên trái để giúp khắc phục tình trạng này.


Ngoài ra hiện tượng khó thở cũng do một bệnh lý là ngoại tâm thu sinh lý ở phụ nữ mang thai. Hiện tượng này chỉ xảy ra trong thai kỳ và sau khi sinh bệnh lý này sẽ hết. Tuy nhiên, nếu ngoại tâm thu trong thời gian mang thai diễn biến tồi tệ và hiện tượng khó thở nặng nề thì thai phụ cần khám tim mạch và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.


Những thai phụ có bệnh lý về phổi, tim mạch hoặc bệnh lý về hô hấp (như: hen suyễn) thì khi mang thai cũng có hiện tượng khó thở. Tuy nhiên nó sẽ khác với thai phụ khó thở do chèn ép và kèm theo dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Chính vì thế, thai phụ có bệnh tim cần phải theo dõi cả thai và bệnh lý của mình chặt chẽ trong suốt quá trình mang thai để tránh tai biến.


Khó thở khi mang thai còn xảy ra ở thai phụ bị thiếu máu nhiều, vì thế việc bổ sung sắt cần phải được thực hiện đều đặn và thường xuyên. Với thai phụ thiếu máu nặng thì liều lượng viên sắt sẽ được bác sĩ kê tăng lên tùy theo tình trạng cụ thể.


Ảnh hưởng của chứng khó thở với phụ nữ mang thai


Thường thì chứng khó thở khi mang thai ở những tháng cuối do chèn ép này không ảnh hưởng nhiều đến thai phụ và thai nhi. Khi người phụ nữ thay đổi tư thế, nới rộng quần áo, nghỉ ngơi tốt thì chứng khó thở cũng giảm bớt.


Khó thở khi mang thai khiến thai phụ khá mệt mỏi, và nếu hiện tượng này vẫn tiếp diễn nặng lên thì chị em cần đi khám xem bản thân có mắc bệnh lý gì về tim phổi không. Vì nếu khó thở do bệnh lý thì dễ đến tình trạng thai nhi thiếu oxy và dinh dưỡng khiến thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng bào thai, hoặc nếu bệnh lý của mẹ nặng có thể dẫn đến thai chết lưu khi tuổi thai đã lớn.


Khi hiện tượng khó thở xuất hiện sớm ở nửa đầu thai kỳ thì thai phụ cần thông báo ngay với bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị sớm.


Khó thở khi mang thai sẽ nguy hiểm khi kết hợp một số dấu hiệu sau:


Có rất nhiều chị em mang thai thắc mắc, nếu chỉ khó thở bình thường thì không đáng lo ngại. Nhưng khi nào khó thở sẽ trở thành vấn đề nguy hiểm và lo ngại với mẹ bầu? Đó là các triệu chứng như sau:



Nhịp tim bị tăng đột ngột, đập không đều.


Cảm giác khó thở nặng, cảm giác mệt mỏi, yếu đi sau những trận trống ngực đập liên hồi.


Khi làm việc nào đó mẹ bầu có cảm giác đau ngực, đau liên tục không thở được.


Khó thở kể cả khi mẹ bầu nằm ngủ vào ban đêm.


Khó thở khi mang thai kèm theo hiện tượng da chân chuyển sang màu đỏ sưng to.


Với những mẹ bầu có tiền sử bệnh hen suyễn trước đó cũng nên cẩn thận, tốt nhất là nên đến bệnh viện để nhận lời khuyên từ các bác sĩ.


Tóm lại, khi mang thai thai phụ cần kiểm tra sức khỏe tổng thể trước và trong suốt thời gian mang thai theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để có một thai kỳ khỏe mạnh.


BS Vũ Thị Hằng – PK sản phụ khoa Thịnh An