Bố chồng em cứ bảo nhiều loại vắc xin nCov quá không biết đâu mà lần. Ông bảo em giải thích giúp ông với: “Bố già rồi, mắt kém chả đọc được chữ, con biết nhiều bảo bố với”. Sau đó thì em có đọc báo để tìm hiểu rõ hơn về các loại vắc xin, vừa để hiểu rõ hơn nữa, vừa để biết còn giải thích cho bố chồng hiểu.

Em nghĩ chắc cũng nhiều người chưa biết hoặc còn mù mờ về các loại vắc xin. Vậy em xin chia sẻ lại thông tin em tổng hợp được trên báo nội dung quay quanh việc giải đáp thắc mắc về 3 loại vắc xin nCov phổ biến hiện nay. Mọi người tham khảo bên dưới ạ.

3 loại vắc xin em nói tới là: Vắc xin Pfizer (Vaccine Pfizer-BioNTech - vắc xin BNT162b2, của Hãng Pfizer tại Mỹ, kết hợp với Công ty công nghệ sinh học BioNTech ở Mainz, Đức sản xuất)

 Vắc xin AstraZeneca (Vắc xin củ Anh)

Vắc xin Moderna (Của Mỹ).

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo chia sẻ của TS BS. Nguyễn Huy Luân, ThS. BS. Nguyễn Hiền Minh (Đơn vị Tiêm chủng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) thì:

1. Phản ứng sau tiêm của vắc xin Pfizer và vắc xin AstraZeneca có khác nhau?

- Phản ứng sau tiêm của vắc xin Pfizer:

Những phản ứng bất lợi thường gặp nhất ở trẻ vị thành niên từ 12 đến 15 tuổi là đau tại vị trí tiêm (> 90%), kiệt sức và đau đầu (> 70%), đau cơ và ớn lạnh (> 40%), đau khớp và sốt (> 20%).

Các phản ứng bất lợi ở những người tham gia từ 16 tuổi trở lên là đau tại vị trí tiêm (>80%), kiêṭ sức (> 60%), đau đầu (> 50%), đau cơ và ớn lạnh (> 30%), đau khớp (> 20%), sốt và và thường có cường độ nhẹ hoặc vừa và khỏi trong vòng một vài ngày sau khi tiêm vắc xin. Tần suất của các biến cố sinh phản ứng hơi thấp hơn ở lứa tuổi cao hơn.

Các phản ứng ít gặp (≥ 1/1.000 đến < 1/100) bao gồm:Nổi hạch; Các phản ứng quá mẫn (ví dụ: phát ban, ngứa, ban, mày đay, phù mạch); Mất ngủ; Đau chi; Khó chịu; ngứa tại vị trí tiêm

- Phản ứng sau tiêm của vắc xin AstraZeneca:

Các phản ứng ngoại ý thường được ghi nhận là nhạy cảm đau chỗ tiêm (> 60%); đau chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi (> 50%); đau cơ, khó chịu (> 40%); sốt, ớn lạnh (> 30%); và đau khớp, buồn nôn (> 20%). Phần lớn các phản ứng ngoại ý ở mức độ nhẹ đến trung bình và thường hết vài ngày sau khi tiêm. Đến ngày thứ 7, tỷ lệ các đối tượng có ít nhất một phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân tương ứng là 4% và 13%. Liều thứ 2 các phản ứng nhẹ hơn và xảy ra ít hơn.

Các phản ứng ít gặp (≥ 1/1.000 đến < 1/100) bao gồm: Nổi hạch; Giảm cảm giác thèm ăn; Chóng mặt; Đau bụng; Tăng tiết mồ hôi; ngứa tại vị trí tiêm.

Tóm lại là các phản ứng đau tại chỗ, mệt mỏi sau tiêm của vắc xin Pfizer nhiều hơn vắc xin AstraZeneca. Nhưng các triệu chứng như sốt và rối loạn tiêu hoá sau tiêm vắc xin AstraZeneca lại nhiều hơn sau tiêm vắc xin Pfizer.

Biến chứng thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca tỷ lệ là: 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất. Vắc xin Pfizer, tỷ lệ này là: 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất.

2. Mũi đầu tiêm vắc xin AstraZeneca, mũi 2 tiêm vắc xin Pfizer có được không? Nếu có thì khoảng cách giữa 2 mũi là bao lâu?

Tháng 6 năm 2021, các nghiên cứu và khuyến nghị từ Uỷ ban Tiêm chủng Quốc gia của Canada và một số quốc gia Châu Âu (Tây Ban Nha, Đức, Anh...): Người đã tiêm vắc xin AstraZeneca liều đầu tiên có thể tiêm được vắc xin vắc xin mRNA (Pfizer, Moderna) cho liều thứ hai, trừ khi có chống chỉ định. Tuỳ theo nghiên cứu, khoảng cách thời gian tối thiểu giữa 2 liều vắc xin AstraZeneca – vắc xin Pfizer có thể ngắn là 4 tuần hoặc có nghiên cứu ghi nhận là 8-12 tuần. Tuy nhiên nếu khoảng cách từ 8-12 tuần thì dường như sẽ giảm được các phản ứng phụ thường gặp sau tiêm chủng nhiều hơn là 4 tuần đó ạ.

3. Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca có cần tiêm thêm 1 mũi vắc xin Pfizer hay không?

Hiện không có khuyến cáo chính thức nào từ WHO về việc tiêm nhắc lại sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

4. Những lưu ý khi tiêm vắc xin Pfizer tại Việt Nam?

- Bảo quản vắc xin ở tuyến Quốc gia ở nhiệt độ âm sâu -90⁰C đến -60⁰C cho đến khi hết hạn sử dụng 6 tháng của vắc xin.

- Bảo quản và tiêm chủng vắc xin ở tuyến tỉnh - huyện - điểm tiêm chủng ở nhiệt độ 2⁰C đến 8⁰C trong thời gian không quá 31 ngày.

- Vắc xin ở dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm. Dung dịch dùng để pha loãng vắc xin là dung dịch nước muối sinh lý NaCl 9‰.

- Vắc xin hiện được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên. - Đường tiêm: tiêm bắp. Liều lượng: 0,3 ml. Lịch tiêm: 2 mũi cách nhau từ 3 đến 4 tuần.

Khuyến cáo hiện nay của Bộ Y tế Việt Nam: Sử dụng cùng loại một loại vắc xin phòng nCov để  tiêm đủ 2 liều cho cùng một đối tượng.

5. Vắc xin Pfizer có tiêm được cho người có bệnh mãn tính (rối lại đông máu, tăng huyết áp, thoái hóa khớp) được không?

Đối tượng có bệnh lý nền cần khám sàng lọc trước tiêm tại bệnh viện. Và không được tự ý ngừng thuốc đang điều trị vì lý do tiêm vắc xin nCov, và ngày đi tiêm vắc xin bạn cần đem toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

hình ảnh

Hinh minh họa, internet

6. Những điều cần biết khi tiêm vaccine Moderna

- Vaccine Moderna hiệu quả cao với biến thể Delta, ít các phản ứng nặng sau tiêm như viêm cơ tim, huyết khối giảm cầu, tuy nhiên không nên tiêm trộn với các vaccine khác mà mỗi người tiêm chủng sẽ được tiêm đủ 2 liều Moderna.

- Ưu điểm của vaccine Moderna là không cần bảo quản cực lạnh, giúp quá trình phân phối dễ dàng hơn.

7. Phản ứng sau tiêm của vaccine Morderna có khác so với AstraZeneca và Pfizer?

Theo các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, tỷ lệ các phản ứng sau tiêm của Moderna cho người từ 18 tuổi trở lên cao hơn khoảng 10% so với vaccine Pfizer.

Trong đó: Đau tại chỗ tiêm (92%), mệt mỏi (70%), nhức đầu (64,7%), đau cơ (61,5%), đau khớp (46,4%), ớn lạnh (45,4%), buồn nôn/nôn (23%), sưng đau ở nách (19,8%), sốt (15,5%), sưng tại chỗ tiêm (14,7%), ban đỏ tại chỗ tiêm (10%). Hầu hết các phản ứng sẽ giảm dần và mất đi trong vòng một vài ngày sau khi tiêm vaccine.

Các phản ứng nặng như phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, huyết khối giảm cầu rất hiếm gặp.

8. Những ai nên và không tiêm vaccine Moderna

- Vaccine Moderna được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Liều lượng tiêm 0,5 ml theo đường tiêm vào bắp tay. Lịch tiêm 2 mũi, cách nhau một tháng (28 ngày). Nhà sản xuất khuyến cáo mỗi người tiêm tối đa 2 mũi.

- Cần thận trọng khi chỉ định tiêm chủng cho người có tiền sử viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.

9. Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca có cần tiêm thêm 1 mũi vaccine Moderna?

Hiện tại WHO và Bộ Y tế Việt Nam chưa có khuyến cáo về việc bổ sung một liều tiêm nhắc sau 2 liều vaccine AstraZeneca.

10. Người đã tiêm 1 mũi vacine AstraZeneca có nên tiêm mũi 2 là vaccine Morderna?

WHO khuyến cáo không nên trộn và kết hợp vaccine nCov từ các nhà sản xuất khác nhau, tốt nhất là nên tiêm cùng một loại vaccine. Hiện tại, WHO và Bộ Y tế Việt Nam chỉ chấp thuận vaccine Pfizer có thể được sử dụng như liều thứ hai sau liều ban đầu của vaccine AstraZeneca, nếu vaccine AstraZeneca không có sẵn thôi ạ.

11. Người có bệnh mạn tính (rối loạn đông máu, tăng huyết áp, thoái hóa khớp...) có thể tiêm vaccine Morderna không?

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Tiến sĩ bác sĩ nguyễn Huy Luân. Trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh: “Tương tự các loại vaccine Covid-19 khác, khi tiêm vaccine Morderna, những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính đã điều trị ổn định phải được khám sàng lọc kỹ, tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Không được tự ý ngừng thuốc đang điều trị vì lý do tiêm vaccine nCov. Ngày đi tiêm, cần đem toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

Nguồn tổng hợp