Với tình hình virus Covid-19 đang rất phức tạp như hiện nay, đâu đâu cũng thấy xuất hiện F0, F1. Nhiều người rơi vào hoàn cảnh bản thân đã tiêm phòng đầy đủ, đeo khẩu trang bảo vệ, nhưng trong tháng máy có F0, họ không tiếp xúc nhưng vẫn bị cho là F1 và phải đi cách ly.

Nếu như trước đây đi chung thang máy với F0 thì nguy cơ lây bệnh rất cao, tuy nhiên hiện nay nhiều người đã được tiêm chủng đầy đủ, cộng thêm ý thức không chủ quan trước virus thì việc trở thành F1 trong trường hợp như đã nêu ở trên cũng nên cần được cân nhắc lại.

Về những thông tin này thì mình có đọc được trên báo điện tử Vietnamnet giải thích rất rõ ràng, chi tiết. Mọi người muốn biết cụ thể trong trường trên liệu có thể trở thành F1 hay không thì tham khảo nội dung mình chia sẻ lại bên dưới nhé!

hình ảnh

Cách ly Y tế ở 1 chung cư ở quận Đống Đa, Hà Nội khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, ảnh VietNamNet

Không thể dập khuôn mà phải đánh giá từng trường hợp

Trước đó có 1 số người dân ở Hà Nội phản ánh và băn khoăn về việc: Họ chỉ đi chung thang máy với F0 từ vài chục giây tới 1 phút, tuân thủ đúng 5K, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và không tiếp xúc với F0, tuy nhiên vẫn trở thành F1 và phải đi cách ly.

Nói về vấn đề trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết nói: Trước tiên, cần nhận định thang máy là môi trường kín, không thông thoáng, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao: “Như vậy, nếu đứng cùng trong môi trường thang máy mà không thực hiện tốt 5K, không đeo khẩu trang đúng cách, “người nọ thở ra, người kia hít vào” thì sẽ là tiếp xúc “quá gần”, nguy cơ lây nhiễm khó tránh”.

Ngoài ra nếu tay của F0 có dính virus SARS-CoV-2 rồi chạm vào bề mặt thang máy (như nút bấm) nhưng thang máy sau đó không được vệ sinh, người khác lại chạm vào mà không khử khuẩn tay thì cũng có thể bị lây bệnh.

Còn trong thang máy, thời gian tiếp xúc giữa người nhiễm và người lành thường ngắn, nếu thực hiện tốt 5K thì có thể không bị lây nhiễm.

PGS Phu nhấn mạnh: “Việc xác định một người đi chung thang máy với F0 có phải là F1 hay không cần sự đánh giá cụ thể, kỹ càng, chuẩn xác từ cán bộ dịch tễ. Đánh giá phải dựa theo từng trường hợp chứ không thể dập khuôn tất cả”.

hình ảnh

Đi thang máy nên hạn chế nói chuyện để tránh lây nhiễm chéo, ảnh minh họa, internet

Phân loại từng trường hợp cụ thể và đưa phương án

Theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế: F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F0 hoặc trong cùng không gian kín. Tuy nhiên, người đi chung thang máy với F0 có phải là F1 hay không thì Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể, bởi phải dựa trên nhiều yếu tố nữa.

PGS Phu phân tích: Không thể dựa vào thời gian đứng cùng thang máy, quy định vài chục giây hay 1 phút sẽ thành F1, bởi với sự lây lan nhanh của biến thể Delta, chỉ sơ suất trong thời gian rất ngắn đã có thể lây nhiễm.

Thế nhưng cũng không thể chỉ dựa vào lời khẳng định “đã đeo khẩu trang” của người dân để loại trừ ra khỏi diện F1, vì lý do: Đeo khẩu trang không đúng cách hoặc vô tình chạm vào bề mặt có virus thì đều có nguy cơ nhiễm virus.

hình ảnh

Người thuộc F1 hay không cần cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của cán bộ dịch tễ. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Giáo sư Phu nhấn mạnh thêm: “Một trường hợp có thuộc diện F1 hay không, phải cách ly hay theo dõi sức khỏe trong thời gian bao lâu thì cần dựa vào sự điều tra, rà soát hành vi, đánh giá của cán bộ dịch tễ, kết hợp với yếu tố xét nghiệm để đưa ra các hướng dẫn hợp lý”.

Cũng theo PGS.TS Phu, với những người đứng trong cùng khoang thang máy với F0, thì nên để họ cách ly tại nhà. Sau đó, dựa vào kết quả xét nghiệm và sự điều tra kỹ lưỡng để kết luận, quyết định thời gian cách ly, theo dõi sức khỏe cho phù hợp.

Biện pháp phòng ngừa

Với những người dân sinh sống trong khu chung cư, làm việc tại các khu nhà cao tầng, thì PGS Phu khuyến cáo: Cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K khi đi thang máy và vào khu sinh hoạt chung như hành lang, hầm để xe…Đặc biệt, cần chú ý tới vấn đề đeo khẩu trang, đeo khẩu trang đúng cách, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong thang máy: Người dân không nên đứng đối diện với người lạ, khi bấm nút thang máy nên dùng khớp ngón tay thay vì đầu ngón tay. Khử khuẩn tay thường xuyên, nhất là khi bước ra khỏi thang máy, khi từ nơi công cộng về nhà.

Với ban quản lý các tòa nhà cao tầng: Nên có quy định hạn chế số người vào cùng lúc trong thang máy. Có nước khử khuẩn tay để ngay cạnh lối ra thang máy để tiện cho người đi thang máy khử khuẩn. Đặc biệt, nên lau chùi khu vực thang máy thường xuyên, chú ý phần nút bấm. Có thể dán nilon phủ lên phần nút bấm để thuận lợi cho việc vệ sinh.

Những thông tin trên mình tham khảo được trên báo thấy hay nên chia sẻ lại để mọi người cùng nắm được, đặc biệt những người sống trong khu chung cư, di chuyển thường xuyên bằng thang máy. Cách tốt nhất đề phòng chống lây nhiễm là tiêm phòng đầy đủ và thực hiện đúng 5k, vì vậy mọi người cần nhanh chóng tiêm phòng để cả nước sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Nguồn tổng hợp