Nước dừa là loại nước rất được ưa chuộng trong những ngày hè nắng nóng bởi ngoài vị thanh mát thì nó còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên, việc uống nước dừa khi bị sốt chưa hẳn là một ý kiến hay bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.


Uống nước dừa có thể gây ra tác dụng phụ.


Theo GS.TSKH Bùi Quốc Châu, nước dừa sẽ rất có hại cho sức khỏe nếu uống nhiều với lượng 3 - 4 trái/ngày. Đặc biệt, với những người bị suy nhược cơ thể, huyết áp thấp, thể hàn hay lạnh thì tác hại này càng rõ rệt.


Chiếu theo Đông y, nước dừa thuộc âm, có tính giải nhiệt, làm mát, nếu uống với lượng nhiều nhất định sẽ làm giảm huyết áp, mềm yếu gân cơ. Vì thế, nếu lạm dụng nước dừa hàng ngày sẽ làm sức khỏe suy yếu đi, huyết áp tụt xuống thấp, vô cùng nguy hiểm.


Ảnh minh họa


Còn theo kinh nghiệm dân gian, nước dừa không phải loại nước có thể dùng để uống khi đi nắng về, vì dễ gây "trúng gió". Các triệu chứng thường gặp trong trường hợp này là ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt, thậm chí sốt cao.


Đặc biệt, nếu vừa thi đấu thể thao hoặc làm những công việc nặng nhọc, mất sức, thì không nên vội vã uống nước dừa, vì nó sẽ làm cho chân tay buồn rũ, giảm sức dẻo dai và phản xạ nhanh nhẹn. Nếu có dùng, cần phải uống từ từ từng chút một.


Vậy uống nước dừa khi bị sốt có sao không?


Uống nước dừa khi đang sốt không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng thực sự không tốt cho sức khỏe. Bởi theo Đông y thì bệnh trĩ, huyết áp thấp, đang cảm lạnh, sốt cao… được liệt vào những bệnh thuộc thể hàn, nên kiêng nước dừa vì nước dừa cũng thuộc âm, tính hàn. Nếu uống vào chỉ khiến cơ thể mệt hơn.


Ngoài ra, nước dừa dễ gây mất nước do tiểu nhiều. Đây là một tác dụng không mong muốn khi uống quá nhiều nước dừa. Điều này sẽ khiến thận phải tốn nhiều thời gian để 'giải quyết nỗi buồn', trong khi một cơ thể đang cảm sốt lại rất cần bù nước.


Ảnh minh họa


Những ai không nên uống nước dừa?


Mặc dù nước dừa có nhiều công dụng tốt cho trẻ em. Tuy nhiên do hệ tiêu hóa của bé còn non nớt nên trẻ trên 6 tháng tuổi mới được uống nước dừa. Bắt đầu từ số lượng nhỏ sau đó tăng lên dần. Tuyệt đối không cho bé uống quá nhiều và quá nhanh, trẻ dễ bị đầy hơi, khó tiêu và không tốt hệ tiêu hóa của bé.


Còn với những bà bầu trong 3 tháng đầu thì không nên uống nước dừa. Khi ấy phôi thai còn nhỏ, nước dừa thuộc tính hàn lạnh, bà bầu uống dừa sẽ không tốt cho quá trình chuyển hóa, ăn uống. Ngoài ra, nước dừa có 2% là chất béo, bà bầu khó tiêu sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng ốm nghén.


Nước dừa còn là loại thuốc nhuận tràng tự nhiên nên không phù hợp cho những đối tượng có vấn đề trong việc 'đi nặng'. Vì thế, hãy cân nhắc nếu trót 'nghiện' loại nước này.


Ảnh minh họa


Dù không có nhiều đường nhưng nước dừa vẫn sở hữu một lượng carbohydrate không nhỏ, nói đơn giản hơn là chứa nhiều calo. Đây chính là nguyên nhân vì sao những người tiểu đường cũng như bệnh nhân huyết áp cao không nên sử dụng nước dừa quá thường xuyên.


Cuối cùng, đừng nên uống nước dừa và buổi tối, vì đây là thời điểm cơ thể cần được thư giãn, nghỉ ngơi sau một ngày hoạt động mệt mỏi. Nếu uống nước dừa vào lúc này dễ khiến cơ thể bị lạnh (đặc biệt là uống chung với nước đá).