Tính ra nước mình cũng trải qua không ít dịch rồi đấy chứ các mẹ, nên là mọi người cũng đừng lo lắng thái quá khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Thay vào đó hãy quan tâm tới sức khỏe của bản thân và gia đình để không chỉ phòng ‘cô Vy’ mà còn phòng nhiều bệnh khác nữa. Bởi, ngoài Covid-19 thì Việt Nam cũng có không ít những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như kiểu sốt xuất huyết, viêm não nhật bản… đều có thể cướp đi mạng sống của con người đó.

Dưới đây là danh sách những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do GS. TS Phạm Nhật An (Nguyên PGĐ kiêm Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương) liệt kê. Trong đó có một số bệnh còn nguy hiểm hơn Covid-19 vì có tỷ lệ tử vong cao hơn.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản bùng phát mạnh ở Việt Nam vào những năm 90 khiến biết bao trẻ phải nhập viện. Triệu chứng của bệnh này gồm có: sốt cao, co giật, ngưng thở, tím tái… nếu không được chữa trị thì bé sẽ nhanh chóng bị hôn mê, suy hô hấp, ngưng thở… và dẫn tới tử vong rất nhanh (trong khoảng 7 ngày đầu). Viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng 25 – 35%, phần lớn trẻ khi khỏi bệnh thường mắc một vài di chứng.

Dịch bệnh này thường xảy ra vào tháng 5 - tháng 10.

Bệnh sởi

Sởi là căn bệnh đã có vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, đây cũng là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở Việt Nam vì hiện nay vẫn còn có nhiều bé mắc sởi, có bé bị biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát là do phong trào anti vacxin nở rộ ở Việt Nam khiến nhiều người lầm tưởng. Phải tới khi con bị nặng rồi thì bố mẹ mới cho con nhập viện điều trị. Khi đó, virus sởi lại lây lan cho những bé chưa kịp tiêm vacxin phòng.

GS. An khuyến cáo, sởi có khả năng lây lan mạnh hơn Covid, trung bình 1 người nhiễm Covid chỉ có thể lây cho 3 người nhưng sởi thì tới 10 người. Do đó, các mẹ đừng quá chú tâm vào Covid mà bỏ qua ‘con’ virus sởi cũng đáng sợ không kém.

Bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu hay gặp vào cuối đông đầu xuân.

Bệnh lao

Lao là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, có thể gây chết người. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2017 Việt Nam có thêm 124.000 ca mắc lao và có 12.000 người chết vì bệnh lao. Con số này theo thời gian đang giảm dần nhưng nhìn chung nó vẫn còn là dịch bệnh khiến người ta sợ hãi. Lao là căn bệnh có thể xuất hiện cả năm nên mọi người cần cẩn trọng.

hình ảnh

GS. TS Phạm Nhật An. Ảnh: Internet

Tay chân miệng

Bệnh này xuất hiện hàng năm và thường thấy ở trẻ em. Biểu hiện của bệnh này gồm: sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc và da ở dạng phỏng nước, hay xuất hiện ở lòng bàn tay, chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều có diễn biến nhẹ nhưng cũng có không ít trường hợp nặng sẽ gây biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong.

Hàng năm, ở nước ta có rất nhiều trẻ mắc bệnh này nên các mẹ phải cẩn thận. Tay chân miệng cao trào thường vào tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12.

Sốt xuất huyết

Theo GS. An, trước đây tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết cao là do chúng ta chẩn đoán muộn và hay mắc phải những sai lầm khi điều trị. Khi đó, người bệnh dễ bị biến chứng nguy hiểm dẫn tới tử vong. Do đó, nếu bị sốt xuất huyết, mọi người không được phép tự ý mua thuốc hay truyền dịch ở nhà vì dễ gây sai lầm dẫn tới xuất huyết, phù tế bào, phù não.

Bệnh này vẫn xuất hiện hàng năm nên các mẹ cần đặc biệt lưu tâm. Bệnh này thường xuất hiện vào mùa mưa tầm tháng 9, 10 nhưng đỉnh dịch là tháng 11 hàng năm.

Dịch hạch

Dịch hạch là căn bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do tốc độ lây lan mạnh, tỷ lệ tử vong lên tới 70%. Căn bệnh này từng khiến châu Âu khiếp sợ. ở Việt Nam, dịch hạch cũng từng khiến người người sợ hãi vào những năm 90. Đến năm 2002, dịch hạch trở nên thưa thớt và từ đó chúng ta không ghi nhận ca nhiễm dịch hạch mới nào. Tuy nhiên, mọi người không được chủ quan.

Bệnh này hiện đã có vacxin chữa trị. Dịch hạch có thể xuất hiện cả năm nhưng chủ yếu phát triển mạnh vào tháng 11.

Nguồn: Tổng hợp