Có lẽ nhiều người từng nghe đến thông tin rằng, các F0 khỏi bệnh sẽ có kháng thể bảo vệ và ít nguy cơ nhiễm lại SAR-CoV-2 trong ít nhất 6 tháng. Từ đó dẫn tới tâm lý chủ quan, người sau khi có kết quả âm tính, thì cho rằng mình là đối tượng an toàn và không thực hiện các biện pháp phòng tránh nữa.

Thế nhưng gần đây nhiều bác sĩ nói rằng, những người từng mắc nCoV đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm nhiều lần, nên không được chủ quan với việc phòng chống dịch.

Gần đây Sở Y tế Hà Nội vừa công bố 1 trường hợp tái nhiễm nCoV, bệnh nhân này là N.T.P (53 tuổi, ở quận Cầu Giấy). Ông P. có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 tại Nga vào ngày 8/11/2020.

Trước đó ngày 3/9, ông P. đi tiêm vắc xin nCoV tại số 21 Trung Liệt. Đến 6/9, ông P. đưa người nhà đi khám tại một phòng khám, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với nCoV. Ông P. nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng.

Vậy sự thực F0 khỏi bệnh có tái nhiễm không, có kháng thể rồi vì sao vẫn nhiễm virus? Tất cả những thắc mắc này đã được các bác sĩ giải thích rõ ràng trên báo chí rồi, ai từng là F0 nhớ tìm hiểu kỹ nha.

hình ảnh

F0 đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

2 lý do khiến F0 khỏi bệnh hoàn toàn có khả năng nhiễm lại

Liên quan đến trường hợp tái nhiễm này, TS.BS Phạm Lê Duy, giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết, với 1 người đã từng nhiễm và khỏi bệnh sau khi mắc CoV thì vẫn hoàn toàn có khả năng nhiễm lại.

Theo TS Duy, có 2 lý do khiến những người này nhiễm bệnh bao gồm: “Thứ nhất, có thể người bệnh nhiễm một chủng khác. Thứ 2 khi họ bị nhiễm virus, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra không đủ lớn để bảo vệ họ không bị nhiễm lại lần nữa.

Ở các nước trên thế giới đang khuyến cáo, dù những người đã từng mắc nCoV và khỏi bệnh, nhưng sau khi hết bệnh, họ vẫn cần tiêm vắc xin để đảm bảo chắc chắn bản thân được bảo vệ”, TS.BS Duy chia sẻ.

F0 khỏi bệnh vẫn có thể là trung gian mang virus đi nhiều nơi

Theo TS Duy, dù có tiêm đầy đủ các mũi vắc xin, bạn vẫn có khả năng nhiễm nCoV, mặc dù khả năng đó giảm đi rất nhiều và người bệnh có thể sẽ không có triệu chứng, bị nhẹ hoặc bệnh không chuyển nặng.

Tuy nhiên theo chuyên gia này, khi họ nhiễm virus, dù không triệu chứng hoặc có triệu chứng, họ vẫn có khả năng lây cho người khác. Vì thế khả năng làm lây lan dịch bệnh, nhất là trong những cộng đồng còn ít người được tiêm vắc xin như một số nơi ở Việt Nam hiện nay.

Chính vì vậy, các tổ chức trên thế giới như WHO và CDC đều khuyến cáo người nhiễm nCoV đã khỏi bệnh vẫn phải đi tiêm chủng đầy đủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch tốt cho họ.

Ngoài tiêm vắc xin, người từng nhiễm nCoV vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc phòng tránh lây nhiễm 5K. Bởi vì ngoài virus SARS-CoV-2, còn nhiều các tác nhân gây bệnh khác ở mũi họng của những người khác nhau.

“Sau khi đã khỏi bệnh, nếu đang chờ được tiêm vắc xin, họ càng phải cẩn thận hơn, không được chủ quan để bảo vệ bản thân và tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng”, TS Duy nhấn mạnh.

hình ảnh

F0 khỏi bệnh vẫn có thể là trung gian mang virus đi nhiều nơi. Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Cùng quan điểm với TS.BS Duy, BS Nguyễn Văn Chánh, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cho rằng, kháng thể chỉ có khả năng làm cho virus không xâm nhập vào cơ thể người bệnh để gây bệnh trở lại, còn thực ra vẫn nhiễm virus khi tiếp xúc với F0 khác. Tuy nhiên, thời gian cơ thể có thể kháng lại virus thì vẫn chưa được xác định cụ thể.

Chính vì thế, người dân sau khi khỏi bệnh vẫn phải thực hiện 5K tuyệt đối theo khuyến cáo. “Đặc biệt, bản thân người khỏi bệnh vẫn có thể trở thành đối tượng trung gian mang virus đi khắp nơi. Bởi vì virus SARS-CoV-2 có thể bám lên da người, bề mặt quần áo hay đồ dùng… Từ đó virus tiếp tục được phát tán và có thể gây lây nhiễm cho người khác”, BS Chánh cho biết.

Cũng theo BS Chánh, với F0 khỏi bệnh khi đi tình nguyện hỗ trợ các công việc như test nhanh sàng lọc và chăm sóc bệnh nhân nCoV… vẫn mặc đồ bảo hộ cẩn thận và tuân thủ các khuyến cáo phòng chống dịch. Bởi vì nguy cơ tái nhiễm và có thể trở thành trung gian lây lan bệnh cho những người chưa từng mắc bệnh

Tóm lại như thông tin các bác sĩ đã chia sẻ trên báo chí như vậy, mọi người cũng đã rõ F0 khỏi bệnh vẫn có thể bị lây bệnh. Các ca tái nhiễm trên thế giới nghiên cứu còn chưa có nhiều bằng chứng, thường là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và nguy cơ chuyển nặng là rất ít.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ, không thể nghĩ mình đã từng là F0 thì không bị bệnh nữa hoặc bị nhẹ để chủ có tâm lý chủ quan, làm lây nhiễm cho những người xung quanh.

Nguồn: Tổng hợp