Phòng mắc và tái mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa


1. Vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng. Sau mỗi lần đi đại, tiểu tiện nếu rửa được thì rất tốt. Nên rửa và lau từ trước ra sau (hậu môn là sau cùng).


2. Sử dụng nguồn nước sạch để vệ sinh vùng kín.


3. Không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo khi không có chỉ định của bác sỹ.


4. Không dùng xà phòng, chất tẩy rửa mạnh, chất sát khuẩn mạnh để vệ sinh vùng kín.


5. Sử dụng quần lót chất liệu cotton, tránh mặc quần quá chật, ẩm ướt. Đồ lót sau khi giặt nên phơi ra ngoài nắng, ánh nắng mặt trời sẽ diệt bớt vi khuẩn và nấm gây bệnh. Trường hợp đang điều trị viêm phụ khoa nên là quần lót để diệt vi trùng gây bệnh.


6. Quan hệ tình dục an toàn: Vệ sinh cho cả nam, nữ trước và sau khi quan hệ tình dục. Mỗi lần giao hợp dùng một bao cao su nếu có quan hệ với người đã nhiễm hoặc đang có nguy cơ nhiễm bệnh.


7. Chú ý giữ vệ sinh vùng kín trong thời kỳ kinh nguyệt: Khăn kinh nguyệt phải đảm bảo sạch, đủ thấm và còn thời gian sử dụng qui định (nên thay 3-4 lần/ngày hoặc có thể nhiều lần hơn phụ thuộc vào lượng kinh của từng người). Nên vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ sau mỗi lần thay băng vệ sinh vì máu kinh là môi trường thuận lợi cho vi trùng gây bệnh phát triển.


8. Các phụ nữ đang dùng kháng sinh, đang mang thai, đang dùng viên thuốc tránh thai kết hợp: tức là lúc các vi sinh vật sống cộng sinh ở âm đạo dễ phát triển quá mức gây bệnh (như nấm, tạp khuẩn …) phải tự giảm thiểu các nguy cơ: uống nhiều nước, tăng sức đề kháng của cơ thể.


9. Tránh stress: Những lo lắng, căng thẳng và stress làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện các vi khuẩn có hại phát triển và gây bệnh viêm nhiễm.


10. Nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần, khám trước khi chuẩn bị mang thai.



GS.TS Nguyễn Đức Vy