Cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu bồng con trên tay. Chính sự mỏng manh nhỏ bé đó là thứ vũ khí vô hình khơi dậy bản năng che chở, bảo vệ của một người cha trong tôi.


Người ta thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nhưng theo tôi đây chỉ là cách nói khái quát thôi vì khi đã sống chung mái nhà thì không hề có sự phân biệt rạch ròi. Đàn ông xây nhà không hẳn cần những điều to tát.


Một mái nhà vững vàng êm ấm lại được xây lên từ những việc chăm sóc nhau nhỏ nhặt, bền chặt hàng ngày. Nếu như trẻ được sinh ra và lớn lên trong một mái nhà như thế thì chắc hẳn sẽ là một đứa trẻ ngoan và có ích cho xã hội sau này.


Nhưng nói thì dễ làm mới khó, những ai từng chăm sóc và nuôi dạy trẻ mới cảm nhận được hết nỗi khó khăn, lo toan và vất vả. Đối với tôi ngay cả việc kiêng bia rượu để chuẩn bị sinh con cũng gây khó khăn. Vì có câu “Ở nhà nhờ cha mẹ, ra đường nhờ bạn bè” mà, phải đi xã giao chứ. Ban đầu đứa thì trách, kẻ thì hờn, bản thân tôi cũng thấy không quen và khó chịu nhưng nghĩ đến con càng làm tôi thêm quyết tâm. Với lại nếu muốn hợp mặt bạn bè thì có thể rủ đi uống cafe mà, dần thì bạn bè cũng hiểu mà thôi. Và cảm ơn con nhé, nhờ con mà sau này cha cũng kiêng luôn bia rượu.


Khi vợ mang thai thì trách nhiệm của người chồng càng quan trọng, tôi cố gánh bớt công việc nhà, giúp vợ đa dạng thức ăn nhưng cũng không quên tìm hiểu món ăn tăng cường dinh dưỡng. Tôi thường đi chợ và mua cá cho vợ ăn, nhưng riêng đối cá biển tôi ít mua vì dù chứa nhiều DHA nhưng cũng có thủy ngân nữa. Dù bận rộn công việc nhưng mỗi tối tôi thường cùng vợ nghe nhạc hay lên mạng để tích lũy thêm kinh nghiệm về nuôi dạy con. Định kỳ tôi nghỉ phép để dành thời gian chở vợ đi chích ngừa, kiểm tra thai nhi. Thích nhất là được xoa bụng vợ để trò chuyện với con và đôi lúc thấy em bé gò lên trông thật ngộ ngãinh.


Ngày mong đợi đã đến, vợ tôi sinh thường bé trai 3,5kg, dài 51cm... Nhìn mặt bé ai cũng nói mới sinh mà nhìn giống như đã 1 tháng rồi, không đỏ như những đứa khác. Các cô y tá ai cũng khen tôi bồng em bé giỏi, có người còn hỏi tôi có mấy đứa con rồi làm tôi phỏng cả mũi. Cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu bồng con trên tay. Chính sự mỏng manh nhỏ bé đó là thứ vũ khí vô hình khơi dậy bản năng che chở, bảo vệ của một người cha trong tôi.


Khi còn trong tháng là tôi đã tự tay tắm và cho Bin nằm sấp lên mình 3-4 lần một ngày để bắt đầu rèn luyện kỹ năng và nhân cách ngay từ nhỏ. Có một điều khó khăn nữa là không hiểu sao mỗi lần trước khi ngủ là Bin phải gây, khóc một lúc lâu rồi mới ngủ. Để giúp Bin dễ ngủ hơn tôi tìm đủ mọi cách từ hát ru, đu đưa đến vỗ lưng và cuối cùng mới phát hiện ra là Bin rất thích được xoa đầu trước khi ngủ. Giờ đây việc dỗ ngủ đã không mấy khó khăn. Tôi nghĩ các bé khác cũng vậy, cũng có những sở thích và mong muốn riêng tùy theo độ tuổi. Cứ mỗi sáng là cha lại massage cho Bin và hát bài hát “Cha dạy Bin bài thể dục buổi sáng 1234 hít thở hít thở hít thở....”


Tranh thủ thời gian rỗi là tôi nói đủ thứ chuyện với Bin, ngay cả những chuyện tôi vừa nghĩ ra và không biết nó có hiểu không mà cũng chu miệng ra “ư...a...” suốt. Khi Bin được 10 tháng, mỗi lần tôi hỏi “Đường Lê Anh Xuân” đâu con là Bin chỉ ngay tấm biển chỉ đường ở ngã tư. Bởi vì mỗi khi bồng con đi chơi là tôi thường xuyên chỉ và đọc mọi thứ từ biển hiệu, bảng quảng cáo đến biển chỉ đường. Giờ đây hể ra ngoài là mấy cô chú hàng xóm lại ghẹo: “Bin giỏi quá ta mới mấy tháng mà đã biết chữ rồi” làm tôi thấy buồn cười nhưng xen lẫn niềm hạnh phúc.


Khi Bin khoảng 12 tháng là tôi đã dạy được cho cháu biết lễ phép với người lớn. Có hôm ông bà ở quê mới lên, bảo ạ nhưng Bin không chịu làm theo. Cuối cùng với sự kiên quyết và động viên của cả nhà, Bin đã vòng tay thật tròn và “ạ........” một tiếng rõ to làm cho ông bà bớt đi sự mệt mỏi. Nhất là mỗi lần tôi đi làm về mà nhận được cái hôn của con trai thì còn gì khỏe và vui sướng bằng.


Mỗi lần chơi với đồ chơi mà thấy Bin có tiến bộ như: đá được trái bóng, thả được khối gỗ vào hộp, chồng các khối gỗ lên mà không ngã, hay chỉ được các bộ phận trên cơ thể là nhận được tràng pháo tay của cả nhà. Lúc đầu Bin hơi giật mình nhưng cuối cùng dường như cũng hiểu ra và vỗ tay theo thích thú. Đôi khi, Bin lỡ tay quăng đồ hay làm sai gì là quay nhìn lại tôi dường như muốn dò xét thái độ của cha.


Mỗi lúc như thế tôi nghiêm mặt và nói không, thế là Bin lắc tay (có nghĩa là không) và chuyển sang chơi trò khác. Khi đi xa là nhớ con lắm lắm, nhớ trước khi đi con vẫy tay tạm biệt và hôn gió, nhớ khi hai cha con chơi trò trốn tìm, nhớ ánh mắt tròn xoe xem cha đọc truyện. Đặc biệt là nhớ đến con Puppy (tên con gấu bông) được cha nhân cách hóa để trò chuyện, nhảy múa và cù lét cho Bin vui.


Với sự chuẩn bị tốt về kiến thức nuôi dạy con và và sự tận tụy của hai vợ chồng mà giờ đây con tôi phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần, ít bệnh vặt. Điều đó càng cho tôi thêm lòng tin rằng tương lai con tôi sẽ cao hơn và thông minh hơn cha của nó. Nghĩ đến đây tôi thấy hạnh phúc vì mình là một người cha tốt.


Thanh Lợi