Qua nay đọc báo chắc nhiều bà con xôn xao chuyện có 3 người ở Thanh Hóa qua đời sau khi tiêm vắc-xin Vero Cell mũi thứ 2 lắm đây, trường hợp này sẽ xử lý?

Trước khi đi vào chi tiết vấn đề, bà con cần hiểu rằng không chỉ riêng vắc-xin ngừa COVID-19, và không chỉ loại vắc-xin Vero Cell, mà bất kỳ loại vắc-xin nào cũng vậy, luôn có tỷ lệ sốc phản vệ nhất định và trong giới hạn cho phép. Điều này luôn được ghi rõ trong thông tin hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Nên đó là lý do sau khi tiêm, các nhân viên y tế thường yêu cầu người tiêm ở lại điểm tiêm 30 phút và tiếp tục theo dõi sức khỏe khi về nhà, để đảm bảo chắc chắn rằng bà con an toàn sau khi được tiêm vắc-xin.

hình ảnh


Ảnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa - nơi đang cấp cứu các bệnh nhân bị phản ứng sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở huyện Nông Cống. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Quay trở lại với sự cố 3 người mất sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở Thanh Hóa, theo bài đăng trên báo Tuổi trẻ em đọc được, trưa hôm qua, ngày 24/11/2021, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa phát đi thông báo về việc có 2 người ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa qua đời sau khi tiêm vắc-xin Vero Cell mũi 2.

Đến trưa hôm nay, ngày 25/11/2021, báo Người Lao Động cập nhật, có thêm 1 trường hợp qua đời, nâng tổng số người mất sau khi tiêm vắc-xin mũi 2 Vero Cell phòng COVID-19 lên 3 người.

Ngay khi nhận được thông tin ca qua đời, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cho Hội đồng chuyên môn cần khẩn trương đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình tiêm vắc-xin và báo cáo Bộ Y tế chỉ đạo.

Trước mắt, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã đến chia sẻ, động viên gia đình có người qua đời sau khi tiêm vắc-xin để xoa dịu và phối hợp với gia đình lo hậu sự chu đáo.

hình ảnh


Ảnh: Ông Mai Bá Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, thăm hỏi, động viên mất mát với gia đình những công nhân xấu số. Nguồn: Báo Người Lao Động. 

Được biết, sau khi sự cố xảy ra, huyện Nông Cống hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân qua đời số tiền 50 triệu đồng; Liên đoàn Lao động huyện Nông Cống hỗ trợ mỗi công nhân qua đời 2 triệu đồng, công nhân đang điều trị 500 ngàn đồng; Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình có người qua đời 5 triệu đồng và mỗi công nhân đang điều trị 1 triệu đồng. Đồng thời, các cơ quan này đang phối hợp với Công ty có kế hoạch hỗ trợ, chăm lo đời sống cho thân nhân những người lao động xấu số.

Hiện tại, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đang tiến hành điều tra vụ việc và cho biết khi thực hiện xong sẽ quyết định thời gian họp hội đồng chuyên môn xem xét nguyên nhân.

Bên cạnh đó, Thứ tưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết cơ quan vừa có Quyết định giao Bệnh viện Bạch Mai cử đội cấp cứu chi viện cho Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, kịp thời cấp cứu người gặp tai biến sau tiêm vắc-xin xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế tỉnh chỉ đạp cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn phối hợp, tập trung mọi nguồn lực theo dõi sức khỏe, cấp cứu, điều trị cho các trường hợp gặp sự cố sau tiêm. Nếu có khó khăn trong quá trình thực hiện thì hãy báo cáo khẩn cho Bộ Y tế.

Nhiều người xem xong vụ việc, chắc sẽ thắc mắc rằng, liệu ai phải chịu trách nhiệm đối với sự cố làm 3 người mất sau khi tiêm vắc-xin mũi 2 Vero Cell?

Trước tiên cần xem xét lại quá trình từ lúc nhập vắc-xin về, kiểm định chất lượng, tổ chức tiêm vắc-xin tại địa phương có chỗ nào chưa đúng quy định hay không?

Theo thông tin em ghi nhận trước đó tại các báo thì việc tiêm chủng được thực hiện theo đúng quy trình, nhất là ở các bước khám sàng lọc, tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân, nên từ thông tin này để xem xét các khâu quy trình còn lại xem có tuân thủ đúng quy định chưa. Bất cứ sai sót nào dẫn đến hậu quả làm người được tiêm qua đời hay có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đều phải chịu trách nhiệm. Còn tùy thuộc vào vị trí công việc và sai sót của người đó gây ra mà xem xét tội danh xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Đó có thể là tội vô ý làm người khác qua đời do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…

Dẫu sao đi nữa, việc xác định ai phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm như thế nào còn phải chờ kết luận chính thức từ Hội đồng chuyên môn đánh giá và của các cơ quan chức năng khác.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP về hoạt động tiêm chủng, Nhà nước sẽ bồi thường cho người được tiêm trong trường hợp qua đời.

Về cơ bản, nếu người được tiêm qua đời sau khi tiêm sẽ được bồi thường các khoản sau:

- Chi phí khám chữa bệnh tại cơ sở y tế do bị sốc phản vệ theo bảng giá chi phí khám chữa bệnh do Nhà nước quy định.

- 14,9 triệu đồng tiền mai táng phí ở thời điểm hiện tại.

- 100 triệu đồng tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho thân nhân của người bị thiệt hại.

- Chi phí do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút. Cụ thể gồm hỗ trợ thiệt hại vật chất cho 01 người phải nghỉ việc không hưởng lương để chăm sóc người thân gặp sự cố sau tiêm chủng.

Để được bồi thường, người thân của người bị thiệt hại cần phải chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan có thẩm quyền theo hướng dẫn luật định.

Về nguyên tắc, bà con cần phải hiểu là Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người được tiêm chủng qua đời sau khi tiêm. Và khi xác định lỗi của cá nhân, cơ quan, tổ chức gây ra thiệt hại thì sau khi Nhà nước bồi thường cho người bị thiệt hại, các cá nhân, cơ quan và tổ chức có liên quan có trách nhiệm bồi hoàn lại tiền cho Nhà nước. Nếu đã có quyết định mà không chấp hành thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

hình ảnh


Ảnh trái: Ảnh minh họa. Ảnh phải: Bệnh viện đa khoa huyện Nông Cống nơi cấp cứu ngay khi phát hiện có trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Sự cố này xảy ra đúng là không ai mong muốn, việc của người ở lại là cần phải bình tĩnh, nắm rõ vấn đề để có cách giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người thân của mình.