Nhắc nhắc tới hai từ “khởi nghiệp” – nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một thế hệ trẻ đầy năng động và nhiệt huyết. Vậy nên ít ai có thể tin rằng, một người phụ nữ U50 với nghề nghiệp “giúp việc” lại có thể tỏa sáng thành công. Đây là câu chuyện khó tin nhưng có thật.

Kể về cuộc đời nhiều sóng gió của mình, bà Lê Thị Việt cho hay Thuở còn trẻ,  bà cũng từng đam mê kinh doanh với khát vọng đổi đời. Nghĩ rằng "làm liều sẽ ăn nhiều"', bà và chồng mạnh dạn nhận dự án trồng cây bạch đàn tại địa phương nhưng thất bại, lâm vào cảnh nợ nần. "Năm ấy gia đình tôi lâm nợ phải đến 60 triệu đồng", bà Việt nhớ lại.

hình ảnh

Bà Việt thành tỷ phú nhờ nghề làm hoa bất tử (Ảnh: VietNamNet)

Không chịu thất bại trước số phận, bà quyết định bỏ xứ để lập nghiệp.  Năm 2001, trong một lần đến đất nước Thái Lan, bà xin ở lại lao động bằng nghề giúp việc cho một gia đình trẻ. Khi đó, bà Việt và nữ chủ nhà vô tình bắt gặp mô hình làm hoa bất tử theo kiểu Nhật Bản. Thấy đây là mô hình khá hấp dẫn và mới lạ, bà cùng nữ chủ nhà cùng nhau học làm hoa.

Nhớ lại ngày học nghề, bà nói: "Khi ấy chúng tôi không nghĩ đến việc kinh doanh từ nghề này. Sau khi học được nghề, vợ chồng ông chủ quyết định mở thêm một mặt hàng kinh doanh mới đó là bán "hoa bất tử". Thật bất ngờ, đây lại là mặt hàng "hot" tại thời điểm lúc bấy giờ ở đất Thái. Nó nhanh chóng đem về một nguồn lợi nhuận tốt cho gia đình nhà chủ".

Sau 5 năm làm hoa, đến 2006, khi đó đã 48 tuổi, nhưng với "máu" kinh doanh, bà Việt quyết định phải đem niềm đam mê này trở về nước để lập nghiệp. "Khi đó tôi rời Thái Lan chỉ với hai bàn tay trắng, tài sản lớn nhất lúc bấy giờ là chuỗi kiến thức về cách làm hoa bất tử ở trong đầu. Nhưng nếu cứ ở mãi bên đó cũng chỉ là một người làm thuê, chính vì vậy tôi quyết định về nước để khởi nghiệp". 

hình ảnh

Những chậu hoa có giá tiền triệu (Ảnh: VietNamNet)

Trở về quê, bà nhanh chóng bắt tay vào công cuộc khởi nghiệp khi tuổi đời đã gần 50. Với số ít tiền tiết kiệm, bà vay mượn thêm người thân họ hàng rồi mua nguyên liệu, máy móc để bắt đầu công việc làm hoa bất tử ngay chính quê hương nơi mình sinh ra.

Nói về thời kỳ đầu khởi nghiệp, bà chỉ cười và bảo: "Đó là cả một quá trình, ở Việt Nam khi đó thì làm gì biết đến hoa bất tử là gì. Khi tôi làm những bình hoa đầu tiên chỉ nhận được những lời cười nhạo của mọi người. Họ nói làm cái này thì bán cho ai".

Một, hai rồi lần lượt những sản phẩm của bà rời vùng thôn quê ra thành phố Thanh Hóa để bày bán. Chỉ sau 1 tháng, những sản phẩm hoa bất tử của bà đã chiếm lĩnh được sự yêu thích của khách hàng. "Khi những sản phẩm đầu được bán đi tôi vui lắm. Thị trường cuối cùng cũng đã có, chỉ cần có người mua ắt sẽ thành công", bà Việt thổ lộ.

hình ảnh

Công đoạn làm hoa rất kỳ công (Ảnh: VietNamNet)

Đầu năm 2010, cơ sở của nữ nghệ nhân mới phát triển mạnh mẽ. Trung bình một bình hoa nhỏ nhất (1 bông) được bán ra thị trường với giá 150 nghìn đồng, các loại bình cỡ lớn có giá trung bình từ 5 - 7 triệu đồng.

Những chiếc cành hoa bất tử được người thợ tại cơ sở của gia đình bà Việt là, sấy công phu, tỉ mỉ. Mỗi năm bà xuất bán ra thị trường hơn 1 tỷ đồng tiền hàng, trừ chi phí đem về thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng. Thị trường chủ yếu mà bà hướng tới là các tỉnh, thành như Hà Nội, Sài Gòn, Thanh Hóa, Vũng Tàu, Nghệ An…

Chia sẻ về những bí quyết làm hoa bất tử, nữ nghệ nhân cho hay: "Hoa bất tử nhìn thì rất dễ làm nhưng đòi hỏi phải có sự khéo léo. Nguyên liệu chủ yếu đó là những giống hoa Đà Lạt như hoa hồng. Sau khi hoa được lấy về sẽ đem đi ướp với cát Nhật Bản trong vòng 7 ngày mà không dùng đến hóa chất.

Sau đó, những bông hoa này sẽ được đưa vào bình hay cốc thủy tinh để cắm rồi đậy kín, hoàn thiện". Không chỉ vậy, cơ sở của gia đình bà Việt còn tạo công ăn việc làm nhiều dân tại địa phương với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng.

hình ảnh

Bà Việt chứng minh bản lĩnh của mình khi khởi nghiệp ở tuổi 48 (Ảnh: VietNamNet)

Thực sự quá nể người phụ nữ này, đủ cả đức lẫn tài, đủ tư duy và trình độ để làm giàu chân chính, từ cảnh nợ nần phải đi làm giúp việc, bà đã biết cách để tạo thành công cho mình. Chặng đường ấy mất gần nửa đời người, với bao mồ hôi và mệt nhọc, đi kèm theo nó là ánh mắt nghi hoặc của người đời.

Ngẫm giới trẻ bây giờ, bước chân vào làm việc, chịu khổ một chút đã than, mệt mỏi tí xíu đã đòi buông bỏ. Còn bà Việt, khởi nghiệp khi bản thân đã “xế chiều”, gặp người yếu đuối sẽ không đủ liều như thế. Bởi bà đã từng tay trắng nợ nần, phải mất nhiều năm đi làm giúp việc mới trả xong nợ. Nếu lần này thất bại, thì lại phải cày cuốc vất vả hơn xưa. Bà sợ chứ, nhưng vẫn tiến lên phía trước.

Vậy đó, phụ nữ Việt giỏi giang lắm, họ có chí không thua kém đàn ông, vì đã từng vấp ngã nên họ càng tỉnh táo. Hoặc là bây giờ - hoặc là không bao giờ nữa. Nhưng may nhờ có những người như bà Việt xã hội này mới khá lên được.

Bởi nếu ai cũng an phận, cũng chấp nhận một cuộc sống tạm bợ thì làm sao biết được bản thân mình phi thường đến mức nào. Giờ đây, niềm tự hào của bà Việt không chỉ là cơ ngơi bạc tỷ, đóng góp cho xã hội, địa phương mà bà còn là tấm gương cho con cháu, cho những người trẻ, đặc biệt là phụ nữ - phải tự soi lại mình.

Nguồn: VietNamNet